“Hộ chiếu vaccine”: Cần thiết nhưng phải thận trọng, có kiểm soát

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để giúp bạn đọc hiểu thêm về hộ chiếu vaccine, cũng như những đề xuất liên quan đến vấn đề này của Bộ Y tế, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam.
“Hộ chiếu vaccine”: Cần thiết nhưng phải thận trọng, có kiểm soát

Cần thiết áp dụng “hộ chiếu vaccine”

Ông Trần Đắc Phu cho biết, “hộ chiếu vaccine” hiểu đơn giản là giấy chứng nhận tiêm chủng, trước đây giấy này đã áp dụng cho các dịch bệnh như dịch tả, dịch hạch… hiện đang áp dụng cho dịch sốt vàng khi người từ các nước, trong đó có Việt Nam sang châu Phi.

Nói chung, để phòng các bệnh truyền nhiễm thì vaccine là thành tựu y học quan trọng bậc nhất của nền y học. Với dịch Covid-19, chưa đầy 1 năm thế giới đã sản xuất ra vaccine, được cấp giấy chứng nhận khẩn cấp bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan Dược phẩm châu Âu, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Bởi sản xuất vaccine thường mất 4 – 5 năm, thậm chí có vaccine mất 10 năm hay có vaccine đưa ra lưu hành vẫn bị thu hồi. 

Khi một người được tiêm chủng, có khả năng sinh kháng thể, có miễn dịch chống bệnh, chống bệnh được thì sẽ không lây lan, dựa vào đó để cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19, dưới dạng “hộ chiếu” với mong muốn được đi lại giữa các quốc gia.

- Xin ông cho biết quan điểm của mình đối với hộ chiếu vaccine nếu được áp dụng tại Việt Nam?

- Hiện nay một số nước châu Âu đưa ra chứng chỉ xanh hay Trung Quốc, Singapore, Israel cũng đưa ra “hộ chiếu vaccine” nhưng đến nay chưa nước nào áp dụng. Hiện, mới có Israel là đi lại giữa các vùng trong nước vì tỷ lệ tiêm chủng của họ rất cao. 

Theo tôi, áp dụng “hộ chiếu vaccine” là cần thiết, trong lúc này nghiên cứu hộ chiếu như thế nào cho phù hợp vì dịch bệnh đã ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế do không được đi lại giao thương, sinh hoạt cộng đồng... tác động đến an sinh xã hội, kể cả việc lockdown có thể phát bệnh tâm thần. Vì vậy, rất cần thiết có hộ chiếu này nhằm tháo gỡ vấn đề trên.

Đánh giá kỹ lưỡng mặt được, mặt rủi ro

- Nghiên cứu, áp dụng hộ chiếu vaccine là cần thiết nhưng chúng ta cần phải làm gì, mặt được, mặt mất cũng cần đánh giá phải không, thưa ông?

- Để áp dụng “hộ chiếu vaccine”, điều kiện cần là chứng nhận tiêm đủ vaccine (có thể là loại 2 mũi, loại 1 mũi). Tôi cho rằng, không nhất thiết phải tiêm vaccine do WHO công nhận mà vaccine cứ hiệu quả, hiệu lực cao là được. Và cũng không nhất thiết bắt buộc tiêm ở đâu, nghĩa là nếu công nhận vaccine tiêm ở nước ngoài hiệu quả thì vaccine của Việt Nam đạt hiệu quả cũng phải công nhận. Tóm lại, chúng ta cần phải chọn ra cách làm như thế nào để vừa phòng ngừa dịch bệnh, vừa đảm bảo đi lại làm ăn kinh tế. 

Mặt được thì rõ ràng rồi, khi áp dụng “hộ chiếu vaccine” là để mở cửa, người dân đi lại, làm ăn kinh tế, giải phóng vấn đề an sinh xã hội. Nhưng cần lường trước khó khăn, rủi ro. Đầu tiên, vaccine có nhiều loại khác nhau, có loại hiệu quả được báo cáo là hơn 90%, có loại chỉ được 60-70%. Hiệu lực vaccine khác nhau, nghĩa là có thể có người tiêm rồi vẫn mắc bệnh, mà đã mắc bệnh sẽ có thể lây sang người khác. 

Ngoài ra, vaccine tiêm vào trong cơ thể bao nhiêu ngày thì có miễn dịch; thời gian tồn tại của kháng thể được bao nhiêu ngày đều chưa trả lời được. Có vaccine chỉ làm giảm triệu chứng bệnh, không làm giảm được sự lây bệnh. Bên cạnh đó, về biến thể, người ta cho biết với biến thể Nam Phi, một số vaccine không có tác dụng. Không những thế, còn rủi ro về hộ chiếu giả. 

Đây là những vấn đề phải kiểm soát tốt, nếu không để lọt một trường hợp mang mầm bệnh vào Việt Nam, dịch sẽ bùng lên như các đợt dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương.

- Vậy để khắc phục những rủi ro trên, theo ông, chúng ta cần làm gì?

- Tôi cho rằng chúng ta phải xây dựng được một loại hình như thế nào cho du lịch, làm ăn kinh tế, áp dụng cho đối tượng nào, cách thức ra sao. Trước mắt là người Việt Nam chuyên gia, lao động lành nghề... đang mắc kẹt ở nước ngoài cần được giải cứu. Đối tượng này, tuy vẫn phải xét nghiệm nhưng phải khác trước, có thể thay đổi hình thức cách ly như tập trung 7 ngày, tại nhà 7 ngày để giảm tải cách ly tập trung. Hay đối tượng du lịch thì các Bộ: Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giao thông Vận tải, Công an, Ngoại giao và địa phương có thể nghĩ ra loại hình cho người du lịch, làm ăn kinh tế, theo kiểu ít tiếp xúc như đánh golf, nghỉ resort… làm sao phải kiểm soát được vấn đề này và phải bàn rất kỹ để tránh lây lan dịch bệnh nếu có rủi ro như tôi đề cập ở trên. 

Việt Nam cũng cần nghĩ đến việc tiêm chủng, nâng tỷ lệ tiêm chủng, cấp chứng nhận cho người Việt Nam đi ra nước ngoài. Chúng ta phải đẩy mạnh tiêm vaccine, hợp tác song phương hoặc trong khu vực Đông Nam Á, giữa Việt Nam với các nước EU, nghĩa là phải có sự thống nhất song phương, đa phương, khu vực để có “hộ chiếu vaccine”…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo doanh nghiệp công nghệ thông tin, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu, biểu mẫu hộ chiếu để có đủ cơ sở hạ tầng khi áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Cơ sở dữ liệu này sẽ lưu thông tin những người đã được tiêm vaccine, kiểm soát và bảo mật được thông tin. Hiện nay, các bộ, ngành báo cáo xong rồi, sắp tới là phối hợp với nhau để làm, hình thức đảm bảo người có “hộ chiếu vaccine” vào Việt Nam thì được cách ly như thế nào, áp dụng loại hình gì…

Với tư cách chuyên gia, một lần nữa, tôi ủng hộ triển khai “hộ chiếu vaccine” nhưng phải làm thận trọng, có kiểm soát. Mặt khác, phải làm để chúng ta hòa nhập với quốc tế, làm ăn kinh tế.

- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm