Hồ sơ cá nhân: Sẽ giảm áp lực cho ngành Y tế

(PLO) - Đó là nhận định của ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân bảo đảm mỗi người dân có 1 hồ sơ sức khỏe duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những dấu hiệu tích cực

Trong thời gian qua, việc thực hiện thí điểm lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với BHYT và chăm sóc sức khỏe toàn dân tại 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh và Phú Thọ bước đầu đạt được những dấu hiệu tích cực. 

Theo đó, tại Phú Thọ việc khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân đã được Phú Thọ thực hiện thí điểm tại huyện Yên Lập; đã khám và lập hồ sơ cho 62.000 người/92.794 người trên địa bàn huyện, đạt 67%. Tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu từ tháng 3 đến cuối tháng 6/2017, sẽ khám và lập hồ sơ cho trên 90% dân số trên địa bàn.

Còn tại tỉnh Bắc Ninh, mô hình thí điểm lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân được triển khai từ năm 2016. Đến nay, 2 xã Chi Lăng và Phù Lương thuộc huyện Quế Võ đã thực hiện việc lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân, trong đó 13.947 người dân được khám, tư vấn và lập hồ sơ sức khỏe. Dự kiến, đến hết tháng 3/2017 mô hình thí điểm lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tiếp tục được nhân rộng và hoàn thành tại 7 xã, trong đó Quế Võ: 3 xã, Tiên Du: 2 xã và Lương Tài: 2 xã. 

Còn theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2014, Hà Nội đã triển khai mô hình bác sỹ gia đình. Các quận, huyện triển khai theo mô hình bác sỹ gia đình đã thực hiện quản lý trên 35.000 hồ sơ sức khỏe. Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội đang xây dựng kế hoạch triển khai quản lý hồ sơ cá nhân để trình UBND thành phố phê duyệt. Hà Nội sẽ thành lập Ban chỉ đạo từ cấp thành phố đến các quận, huyện, dự kiến từ 1/3- 9/2017 sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra.

Sự cần thiết thực hiện quản lý sức khỏe cá nhân

Trong những năm qua, ngành Y tế Việt Nam đã có những thành tực đáng kể và được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao, có nhiều ưu việt so với các nước có cùng mức thu nhập. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong đó, mô hình bệnh tật kép, bệnh không lây nhiễm và tai nạn, thương tích tăng nhanh, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm vẫn ở mức cao. Đáng lo ngại, tỷ lệ già hóa dân số ngày càng nhanh và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn cao. Do đó, việc quản lý hồ sơ sức khỏe cho nhân dân được coi là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục những khó khăn của ngành y tế. 

Tại cuộc đánh giá tiến độ của việc khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân thí điểm tại 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh và Phú Thọ vừa được Bộ Y tế tổ chức, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đã chỉ rõ sự cần thiết thực hiện quản lý sức khỏe cá nhân.

Ông Lương Ngọc Khuê cho rằng, việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân bảo đảm mỗi người dân có 1 hồ sơ sức khỏe duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia sẽ có nhiều lợi ích.

Đối với người dân, khi cần khám, chữa bệnh có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế, các thông tin về sức khoẻ người bệnh được cung cấp cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh, giúp họ được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phối hợp, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí tiền túi của mỗi người dân cho việc khám, chữa bệnh.

Về phía ngành Y tế, hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân sẽ giúp hầu hết các bệnh thông thường sẽ được phát hiện sớm và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh tật nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực đối với ngành Y tế. 

Mặt khác, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh thông suốt các tuyến, giúp việc chẩn đoán chính xác, phối hợp điều trị thống nhất, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. Hơn thế, việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin quản lý sức khỏe giúp việc hoạch định chính sách đối với ngành Y tế tốt hơn vì có những bằng chứng về thực tiễn.

Đối với quỹ BHYT, việc có hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân sẽ giúp cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh sớm sẽ đơn giản hơn, hạn chế bớt việc sử dụng kỹ thuật cao, do vậy giảm bớt chi phí BHYT. Đồng thời, khi thông tin người bệnh thông suốt, việc quản lý chi phí bảo hiểm dễ dàng hơn, hạn chế bớt việc gian lận.

Ông Khuê cũng khẳng định, việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân và quản lý sức khỏe toàn diện liên tục giúp cải thiện sức khỏe giúp giảm bớt chi phí xã hội cho việc khám bệnh chữa bệnh và giúp bảo đảm sức khỏe cho mỗi người dân, phù hợp với quan điểm của Hồ Chủ tịch về xây dựng nền y tế của nước ta là một nền y tế nhân dân, xuất phát từ nhân dân, của dân, vì sức khỏe người dân.

Trước những kết quả đạt được, sau khi triển khai ở Phú Thọ và Bắc Ninh, dự án này tiếp tục được mở rộng ra các địa phương khác trong toàn quốc. Theo dự kiến, việc mở rộng sẽ được tiến hành từ năm 2017.