Hồi sinh kỳ diệu sau khi bị bệnh viện trả về

(PLO) - Tại Bệnh viện Bạch Mai, không hiếm những trường hợp bệnh nhân nặng, gia đình có ý định xin về để chết, nhưng nhờ sự tư vấn, khuyên răn và động viên của các y bác sĩ, gia đình đã quyết tâm để bệnh nhân lại bệnh viện điều trị. Kết quả thật ngoạn mục, bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn. 
Nhờ các y bác sĩ, nhiều bệnh nhân có ý định xin về để chết đã thoát lưỡi hái tử thần
Nhờ các y bác sĩ, nhiều bệnh nhân có ý định xin về để chết đã thoát lưỡi hái tử thần

Xin về để… chết vì tưởng không qua khỏi

Khoảng 22h ngày 16/09/2016, Bệnh viện Đa khoa khu vực (ĐKKV) Hưng Hà, tỉnh Hưng Yên chuyển bệnh nhân TVD (nam, 53 tuổi) lên Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán: chảy máu dưới nhện, tình trạng bệnh nhân hôn mê sâu, sốt cao 39 độ C, mạch 100 lần/phút, huyết áp 130/80 mmHg, không rõ liệt thần kinh khu trú, đồng tử hai bên đều đã được đặt ống nội khí quản và thở máy.

Trước khi vào Khoa Cấp cứu A9 khoảng 9 giờ, bệnh nhân đột ngột hôn mê sâu, được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện ĐKKV Hưng Hà. Tại đây, bệnh nhân đã được đặt ống nội khí quản, thở máy… chụp phim cắt lớp vi tính sọ não cho kết quả hình ảnh chảy máu dưới nhện, chảy máu não thất và giãn não thất cấp.

Dựa vào tình trạng lâm sàng và phim chụp cắt lớp vi tính sọ não, các bác sĩ đánh giá được điểm Hunt-Hess bằng 5 và phân loại theo Fisher bằng 4. Phim chụp cắt lớp vi tính đa dãy chưa thấy tổn thương dị dạng mạch máu não vỡ. Với kết quả lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh này, bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao, điểm Hunt-Hess bằng 5 thì tỷ lệ tử vong có thể chiếm tới 90%. Lúc này, gia đình cũng rất hoang mang, sau khi được bác sĩ giải thích về tình hình bệnh tật của người bệnh, và sau một thời gian ngắn thảo luận, gia đình đã thống nhất xin cho bệnh nhân về nhà để chết.

Tuy nhiên, nhận thấy dù bệnh nhân có tình trạng rất nặng, nguy cơ tử vong cao nhưng mạch và huyết áp của bệnh nhân vẫn ổn định, đồng tử hai bên còn khá tốt, các bác sĩ Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã quyết định nói chuyện, khuyên răn và động viên gia đình để bệnh nhân lại điều trị, chấp nhận việc bệnh nhân có thể tử vong tại bệnh viện để có được cơ hội cứu sống bệnh nhân.

“Thật may mắn, sau khi được mổ dẫn lưu não thất ra ngoài khoảng 1 ngày, ý thức bệnh nhân cải thiện rõ, mặc dù còn chậm chạp nhưng có thể làm theo lệnh. Chiều tối ngày 19/9, bệnh nhân được chụp mạch não số hóa xóa nền phát hiện thấy phình động mạch tiểu não trên bên phải vỡ, được can thiệp bằng 2 coils để bít tắc túi phình động mạch não vỡ cầm máu. Hy vọng, trong vài ngày tới, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn và về đoàn tụ với gia đình”, ThS.BS Lương Quốc Chính, Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ. 

Bác sĩ tìm mọi cách để bệnh nhân được sống

Một trường hợp khác, bệnh nhân NDL, nam, 71 tuổi, vào Bệnh viện Bạch Mai ngày 21/02/2016 vì khó thở. Tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ 10 năm nay, có đi khám và điều trị ngoại trú thường xuyên. Sáng ngày vào viện, bệnh nhân xuất hiện khó thở nhiều sau gắng sức, kèm theo có ho khạc đờm đục, không sốt, không đau ngực. Gia đình đưa bệnh nhân đi khám và nhập viện.

Buổi chiều ngày 23/02/2016, sau khi đi vệ sinh thì đột ngột xuất hiện suy hô hấp và ngừng tuần hoàn. Ngay lập tức, y bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, khoảng 5 phút sau thì tim đập lại, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển xuống khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.

Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, đã thôi thở máy và rút ống nội khí quản, thở oxy qua kính mũi và có thể nói chuyện được. Điều đáng nói, trong khi bệnh nhân đang cận kề nguy hiểm, giành giật sự sống nhưng do gia đình không hiểu, sợ bệnh nhân không qua khỏi nên đã họp bàn xin bệnh viện cho bệnh nhân được về nhà để… chết.

ThS.BS Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trong cấp cứu và hồi sức, trước bất cứ trường hợp bệnh nhân nặng nào và gia đình có ý muốn xin về để chết thì người bác sĩ bao giờ cũng hết sức cân nhắc. Những trường hợp bệnh nặng, không chữa được, nguy cơ tử vong trong bệnh viện ngay trước mắt, thì tâm lý người Việt bao giờ cũng muốn xin người bệnh về để được chết tại nhà.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh nặng, vẫn có khả năng hồi phục cho dù nhỏ nhất, nhưng gia đình vẫn nhất định xin về với lý do như tôi đã đề cập ở trên hoặc do không có đủ kinh phí theo đuổi điều trị… thì chắc chắn một điều rằng nhân viên y tế bao giờ cũng nói chuyện, động viên và khuyên răn người nhà nên cố gắng, thậm chí chính nhân viên y tế là người trực tiếp đứng ra lo liệu hoặc “bật đèn xanh” nhằm tạo điều kiện (ít nhất về mặt thông tin) để gia đình có thể kêu gọi các quỹ từ thiện, các tổ chức, các cá nhân… có lòng hảo tâm giúp đỡ cho gia đình”. 

Đọc thêm