Kết quả khả quan từ những con chuột thử nghiệm tiêm vaccine chống Covid-19 tại Việt Nam

(PLVN) - TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH cho biết: Đàn chuột khỏe mạnh, tiếp tục theo dõi các đáp ứng miễn dịch trong giai đoạn 1, có thể nói là thành công bước đầu của nghiên cứu.
Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 là đơn vị đầu tiên thử vaccine Covid-19 trên chuột ở Việt Nam. Ảnh: BSCC.
Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 là đơn vị đầu tiên thử vaccine Covid-19 trên chuột ở Việt Nam. Ảnh: BSCC.

Trả lời trên Zing,  TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH - đơn vị đầu tiên ở nước ta nghiên cứu thành công vaccine dự tuyển Covid-19 và bắt đầu tiêm thử nghiệm trên chuột - cho biết:

Ngay từ cuối tháng 1 - thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát rất mạnh ở Vũ Hán, sau khi có trình tự gen từ các nhà khoa học Vũ Hán công bố, chúng tôi đã phối hợp với các nhà khoa học tại Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vaccine Covid-19. Đối với việc việc phát triển vaccine, có nhiều lựa chọn khác nhau với các công nghệ như vector virus, tổng hợp gene DNA và RNA.

Vector virus là hệ thống được cài đặt một hoặc nhiều vùng gene mã hóa vùng kháng nguyên mong muốn. Khi tiêm chủng, kháng nguyên protein sẽ được biểu hiện tương tác với vật chủ để tạo ra đáp ứng miễn dịch phòng tác nhân đích gây bệnh. Bước đầu tiên, phải kiểm tra được đoạn gene mình đã cài đặt có tính kháng nguyên hay không.

"Chúng tôi đã sử dụng động vật, tức chuột để làm mô hình đánh giá đầu tiên, xem chuột có đáp ứng miễn dịch, có sinh kháng thể hay không. Từ đó, mới tiếp tục những bước nghiên cứu tiếp theo." - ông nói.

Sau 11 ngày tiêm thử trên chuột, TS Đỗ Tuấn Đạt cho biết, hiện tại  đàn chuột khỏe mạnh, tiếp tục theo dõi các đáp ứng miễn dịch trong giai đoạn 1. "Có thể nói là thành công bước đầu của nghiên cứu." - TS Đạt nói.

Cũng theo ông Đạt, dự kiến, chuột có thể được đánh giá theo từng đợt. Giai đoạn đầu tiên có thể sau 14-15 ngày sẽ lấy máu lần đầu, sau đó khoảng 28 ngày lấy máu lần 2. Chúng cần được theo dõi đáp ứng miễn dịch ở từng thời điểm. "Thực ra quá trình này phải theo dõi theo từng ngày, để xem đáp ứng miễn dịch đến sớm hay muộn." - ông Đạt cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi về thời điểm dự tính sẽ có vaccine, ông Đạt nói: "Thật sự khó để trả lời vì sản xuất khác hẳn nghiên cứu. Sản xuất đòi hỏi cả quá trình. Trước khi sản xuất để tiêm sang người, vaccine đòi hỏi phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Ngoài việc mình có một ứng cử viên tốt cho vaccine, sản xuất được vaccine đó hay không cũng là một câu hỏi lớn cho chúng tôi.

Với kinh nghiệm chúng tôi có thì nhanh nhất cũng phải 8-9 tháng nữa mới có được ứng viên vaccine để thành một vaccine hoàn chỉnh để thử nghiệm trên động vật trước rồi sau đó mới sang người. Chúng tôi cũng mong muốn rút ngắn được thời gian này và đang nỗ lực vì điều đó."

Được biết, hiện nay Bộ Khoa học Công nghệ cũng có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu vaccine, tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 là đơn vị đầu tiên thử trên chuột. Đây là tiền đề, nhà phát minh nào cũng phải làm bước này để đánh giá kháng nguyên mình cài đặt có đáp ứng trên động vật hay không trước khi mình bắt tay vào làm vaccine thực sự.

Đọc thêm