Khi bác sĩ cầm bút

(PLO) - Trước đây, nói đến sách viết về mảng y tế cộng đồng người ta nghĩ ngay đến bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Những quyển sách như Nghĩ về trái tim, Già ơi chào bạn, Gió heo may đã về hay Ngàn thang thuốc bổ... đã trở thành sách gối đầu giường cho nhiều gia đình, nhiều thế hệ.

Đặc điểm khiến sách viết về y tế cộng đồng của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trở nên đặc biệt không trộn lẫn vào đâu được là tính văn chương và đời sống lồng trong các kiến thức y tế, với một văn phong dí dỏm, đã khiến sách y tế cũng trở nên duyên dáng, gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Một thời gian dài, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc dường như “một mình một ngựa” trong kiểu sách này, và ông cũng ra sách rất đều tay, chắc tay. 

Đáng mừng là thời gian gần đây, đã có một số bác sĩ thế hệ sau “tiếp bước” với nhiều đầu sách y tế được viết hóm hỉnh, dễ đi vào lòng độc giả. Mới đây, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã ra mắt và giao lưu độc giả quyển sách Hỏi bác sĩ nhi đồng.

Buổi giao lưu đã thu hút sự tham gia của đông đảo các bà mẹ, bởi bác sĩ Trương Hữu Khanh là một bác sĩ có thâm niên và uy tín, là người lập ra fanpage Hỏi bác sĩ Nhi đồng để giải đáp những thắc mắc của các bậc phụ huynh về chăm nuôi trẻ. Quyển sách là tập hợp từ các câu hỏi hay và thông dụng trên facebook, được xem là cẩm nang không thể thiếu của các mẹ bỉm sữa với rất nhiều kiến thức hữu ích giúp các mẹ có con nhỏ cập nhật, xử trí đúng cách khi con mình mắc bệnh...

Cũng mới đây, bác sĩ Ngô Đức Hùng, bác sĩ chuyên khoa Hồi sức - cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai đã cho ra đời quyển sách có nhan đề nghe đã thấy vui là “Để yên cho bác sĩ hiền”. Đây là một tập tản văn - bút kí tập hợp những mẩu chuyện nghề của bác sĩ sau 10 năm. Một quyển sách y khoa không chỉ để kể chuyện, mà thông qua đó các kiến thức về y tế, tâm tư, những gian khó trong nghề nghiệp của các bác sĩ cũng được viết với một cái nhìn hài hước nhưng sâu sắc. Để từ đó kết nối sự thấu hiểu giữa bệnh nhân và bác sĩ hơn. Quyển sách đã nhanh chóng trở thành tác phẩm được độc giả yêu thích.

Cho dù mảng sách y tế trước giờ vẫn không thiếu sách dạng cẩm nang, hướng dẫn..., nhưng kiểu sách mang tính văn chương và lồng ghép đời sống thực tế để độc giả bị thu hút, dễ tiếp cận và dễ “thấm” như trên thì còn khá hiếm. Bác sĩ có tâm với cộng đồng thì không ít, nhưng có lẽ, với một người viết bình thường, ra một đầu sách đã khó, thì với các bác sĩ bận rộn, trái chuyên môn chuyện ra sách còn khó hơn nhiều lần. Chính vì thế, để những quyển sách hay ra đời, ngoài bác sĩ có tâm, còn cần đến những người làm sách sáng tạo và có tâm nữa. 

Đọc thêm