Khó phát hiện thuốc giả?

(PLO) - Có mặt tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều), trò chuyện cùng những bệnh nhân ung thư mới thấu hiểu hết nỗi đau bệnh tật mà họ phải gánh chịu. Trong mấy ngày gần đây vấn đề thuốc thật – giả là chủ đề xuyên suốt trong những cuộc trò chuyện của họ với những sự phẫn nộ và lo lắng bởi với họ thuốc là chiếc “phao cứu sinh” giúp họ kéo dài sự sống, nếu phải bán cả tài sản, làm bất cứ việc gì mà có thể đánh bại căn bệnh này họ cũng sẽ sẵn sàng. 
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Trước những thắc mắc của bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết: “Từ trước đến nay, Bệnh viện K Trung ương không có danh mục đấu thầu thuốc nào của Công ty Vn Pharma. Hàng năm bệnh viện tổ chức đấu thầu để chọn thuốc vừa đảm bảo chất lượng vừa đảm bảo giá. Mỗi nhóm thuốc sau khi đạt các tiêu chí về kỹ thuật sẽ bỏ tiếp về chuyện tài chính. Chọn chỗ nào có giá cả rẻ nhất trong các nhóm đấy và đạt các tiêu chí về kỹ thuật. Bên cạnh đó, hầu hết các công ty cấp thuốc cho bệnh viện đều là các công ty có uy tín và lâu năm trên hoạt động lĩnh vực dược ở Việt Nam. Do đó, người bệnh đang điều trị tại Viện K có thể hoàn toàn yên tâm về các loại thuốc mà bệnh viện đang sử dụng”.

Theo quy định, thuốc sản xuất trong nước và nhập khẩu đều phải kiểm tra, đạt tiêu chuẩn chất lượng mới được Bộ Y tế cho phép lưu hành, sử dụng. Nhà sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc.

Hiện nay, việc kiểm tra chất lượng thuốc được tiến hành cả tiền kiểm, hậu kiểm bởi hai hệ thống: Phòng kiểm nghiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và hệ thống kiểm tra chất lượng thuốc của Nhà nước với các trung tâm kiểm nghiệm ở các tỉnh, thành phố. Thế nhưng, phát hiện thuốc giả không dễ với những người có chuyên môn nên càng khó với người tiêu dùng. Bởi vậy, chỉ khi cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu cùng đồng lòng chống nạn thuốc giả, thì khi đó mới hạn chế được tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng tồn tại trên thị trường.

Câu chuyện thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường không phải là hiếm gặp. Mỗi năm, Cục Quản lý dược vẫn phát ra thông báo thu hồi hàng chục, hàng trăm lô thuốc giả. Trên thực tế, thời gian từ khi phát hiện thuốc kém chất lượng cho đến khi có thông báo rộng rãi, ra quyết định thu hồi thường kéo dài, không ai dám khẳng định trong khoảng thời gian này số thuốc lẽ ra phải thu hồi đã tiêu thụ được một lượng lớn.

Khi đó nếu người bệnh đã trót uống phải thuốc kém chất lượng trước khi chúng bị phát hiện và thu hồi thì chỉ còn biết tự chịu. Những lô thuốc đó, có thể đếm được, nhìn được. Nhưng bao nhiêu bệnh nhân cùng với người thân, bè bạn của họ hi vọng vào những liều thuốc điều trị để rồi đớn đau tột cùng khi người thân quen mãi ra đi chỉ vì gửi nhầm niềm tin vào thuốc giả thì sẽ chẳng khi nào đo đếm được.

Do đó, chỉ với một kẽ hở trong quy trình sản xuất, phân phối, nhập khẩu thuốc có thể kéo theo biết bao người bị lấy đi mất cơ hội sống. Do đó, vấn đề liên quan đến viên thuốc không chỉ là lương tâm của nhà nhập khẩu, nhà cung cấp mà còn là trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát nhập khẩu và phân phối thuốc.

Đọc thêm