Không công nhận – liều “thuốc đắng” phải uống

(PLO) - Có thể câu chuyện dưới đây là một cá biệt trong ngành Y, nhưng dù sao ở góc nhìn của một người bệnh đây cũng thực sự là một liều thuốc đắng mà không thể giã tật, nếu không muốn nói là gây tác dụng phụ.
Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Anh Nguyễn H. bị một biến chứng đột ngột về khả năng nghe, vì xảy ra trên đường công tác nên anh H. quyết định đến một bệnh viện tỉnh để thăm khám. Tại đây, anh đã được bác sĩ trưởng khoa của bệnh viện khám, cho thuốc. Kết thúc kỳ công tác, anh H. về nhà và đến bệnh viện tại thành phố đang sinh sống để khám lại. Lẽ dĩ nhiên, anh H. sẽ trình bày lại quá trình bệnh tật và đi khám của mình trước đó, thế nhưng thay vì nghe và xem đồng nghiệp trước đó đã chữa bệnh thế nào để có hướng chữa tiếp tục hoặc thay đổi phác đổ điều trị, vị bác sĩ thành phố bĩu môi: “Thôi anh đừng nói nữa, tôi không nghe, bệnh viện nhà quê chấp gì”. Giá mà ông bác sĩ này biết được, vị bác sĩ ở bệnh viện tỉnh mà ông chê nhà quê đó là người ngang hàng với ông về tuổi tác, bằng cấp, kinh nghiệm, thậm chí còn đứng đầu một hội nghề nghiệp mà ông đang là thành viên (!). 

Sau một thời gian chữa trị tây y không đỡ, anh H. quyết định chuyển sang chữa bằng đông y. Vị bác sỹ đông y có khá hơn là xem xét hết quá trình chữa bệnh của anh H. trước đó, nhưng lại phán một câu xanh rờn: “Chữa không sai nhưng cũng không đúng, đúng là loại nông dân đeo ống nghe”. Điều đáng nói là vị bác sĩ bị chê là “nông dân đeo ống nghe” ở đây chẳng gì cũng là người đứng đầu một khoa khám bệnh thuộc bệnh viện tuyến trung ương (!). 

Dù đây là lần thứ hai anh H. phải nghe những vị bác sĩ mà mình tin tưởng (vì giao tính mạng vào tay) và tôn trọng (vì là người thực thi thiên chức cứu người) chê bai nhau, nhưng cũng không tránh khỏi bàng hoàng. Không bàng hoàng sao được khi anh H. cũng như nhiều bệnh nhân khác là “người trần mắt thịt”, khi ốm đau chỉ biết tin tưởng vào bác sĩ, mà nghe nói như thế thì không hiểu trước nay mình đã được chữa đúng, chữa đủ hay chưa, hay thay vì được chữa khỏi là chữa “lợn lành thành lợn què”?

Từ câu chuyện cá biệt của các bác sĩ, nhìn ra thực tế rộng hơn của ngành Y xung quanh vấn đề không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau giữa các bệnh viện. Điều này đã gây ra không biết bao nhiều phiền toái và tốn kém tiền của của Nhà nước và nhân dân trong một thời gian rất dài. Mới đây, việc các bệnh viện công nhận kết quả xét nghiệm của nhau đã được tiến hành những phải mất một thời gian dài nữa mới có thể “vận hành” trơn tru bởi nhiều lý do…

Ai cũng biết rằng, nghề bác sĩ là nghề khó và khổ. Cứu người rất khó nên sinh viên trường y thi vào bở hơi tai, học miệt mài gần chục năm mới ra trường rồi đi làm lại tiếp tục học để nâng cao tay nghề hơn nữa. Nghề khổ vì môi trường làm việc toàn chứng kiến những đớn đau, chết chóc, máu me, những ca trực bất kể đêm ngày, mưa nắng, cứu được vạn người chẳng ai hay, chẳng ai cảm ơn, nhưng tai nạn nghề nghiệp làm tử vong một người thì cả xã hội lên án… Thời gian gần đây, dù rằng nhiều cá nhân đối xử với bác sĩ, nhân viên y tế không ra gì như đánh đập, quay phim bôi nhọ đẩy lên mạng… nhưng phần lớn người dân vẫn rất kính trọng và tin tưởng những vị thiên thần áo trắng bởi trách nhiệm cứu người mà họ thực thi.

Được yêu thương và kính trọng như vậy thì cớ sao chính các bác sỹ lại nỡ lòng nào làm xấu hình ảnh của đồng nghiệp và của chính mình như vậy. Không những thế, còn gieo vào lòng người bệnh nỗi hoang mang của cái liều thuốc đắng mang tên “không công nhận”.