Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương

(PLO) -Tuy “sinh sau đẻ muộn” so với các khoa, phòng khác của bệnh viện (BV) nhưng Khoa Hồi sức cấp cứu - HSCC, BV Nội tiết Trung ương đã thể hiện rõ vai trò “đầu sóng ngọn gió” của mình. Có được điều quý giá ấy, nỗ lực của của mỗi cá nhân là một phần, quan trọng nhất họ có một tập thể vững mạnh, luôn đoàn kết, yêu thương nhau, cùng đồng lòng hướng về người bệnh.
Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Những chiến sỹ áo trắng nơi  “đầu sóng ngọn gió”…

Khoa HSCC, BV Nội tiết Trung ương được thành lập theo quyết định số 11/QĐ–BVNT ngày 14 tháng01 năm 2002 của Giám đốc BV Nội tiết sau khi Bộ Y tế quy định lại chức năng, nhiệm vụ và tổ chứcbộ máy BV Nội tiết.

Hiện Khoa nằm tại cơ sở I Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội với tổng số 21 cán bộ công nhân viên chức, trong đó có 06 bác sĩ  (01 Phó giáo sư- Tiến sĩ, 01 thạc sĩ, 04 bác sĩ), 01 bác sĩ học cao học hồi sức cấp cứu tập trung tại Trường Đại học Y Hà Nội, điều dưỡng có 13 người thì có 4 người đang học hệ cao đẳng điều dưỡng. 

Cũng giống như bộ phận HSCC của các BV khác, Khoa HSCC, BV Nội tiết Trung ương được giao nhiệm vụ khám và điều trị cấp cứu cho tất cả các trường hợp bệnh nhân (BN) nặng mới nhập viện cũng như BN nằm điều trị từ các khoa lâm sàng có diễn biến nặng.

Bên cạnh đó, Khoa còn phải thực hiện các công tác khác như: Tổ chức dây chuyền cấp cứu cùng với Khoa Điều trị tích cực hỗ trợ chuyên môn cho hệ thống cấp cứu tại các khoa trong BV; Nghiên cứu khoa học, tư vấn và tuyên truyền giáo dục về cấp cứu cho cộng đồng; Đào tạo và tham gia đào tạo cán bộ; Chỉ đạo tuyến về lĩnh vực cấp cứu cho tuyến dưới; Phối hợp cùng Khoa Điều trị tích cực trong công tác cấp cứu tai nạn, thảm hoạ và ngộ độc hàng loạt... 

Đội ngũ y bác sĩ, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương
Đội ngũ y bác sĩ, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Công việc thì nhiều, nhiệm vụ cũng vô cùng nặng nề, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế những ngày đầu thành lập vẫn còn nhiều hạn chế, trong khi đó  cán bộ, công nhân viên thì đa phần là nữ (13 nữ) thời gian nghỉ thai sản, cho con bú và nghỉ chăm sóc con ốm nhiều nên ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của Khoa...

Đồng lòng, dốc sức vững bước đi lên

Trong tình thế và điều kiện như vậy, nhưng các cán bộ công nhân viên trong Khoa đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt khó, nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhờ chú trọng công tác đào tạo và nâng cao trình độ, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có trình độ chuyên môn tốt hơn, xử trí thành thạo các tình huống cấp cứu, làm tốt các thủ thuật, kĩ thuật cấp cứu người bệnh.

Cán bộ công nhân viên trong Khoa cũng đoàn kết thống nhất cao, chấp hành ý thức tổ chức kỷ luật tốt, khẩn trương cấp cứu BN an toàn và hiệu quả, không xảy ra sai sót về chuyên môn trong suốt thời gian qua. 

Chia sẻ về những đóng góp và thành tích nổi bật của đơn vị mình, PGS. TS Trần Thị Thanh Hóa, Phó Giám đốc, Trưởng Khoa HSCC, BV Nội tiết Trung ương tự hào cho hay, có những thời điểm BN đông, vào ra liên tục trong đó có nhiều BN nặng (ngày cao điểm trong khoa có tới 9 – 10 BN), các bác sĩ và y tá đều phải đi sớm về muộn để khám chữa bệnh cho BN kịp thời, phối hợp tốt và hỗ trợ các kíp trực ngoài giờ khi cần.

Mặc dù vậy, Khoa cũng vẫn đảm nhiệm thêm công tác khám bệnh ngoại trú, đặc biệt là khám chữa bệnh ngoại trú theo yêu cầu. Ngoài ra, Khoa đã cấp cứu và điều trị tích cực thành công nhiều ca bệnh nặng, các bệnh lý khó chẩn đoán và điều trị...

Ngoài hoạt động chuyên môn, PGS. TS Trần Thị Thanh Hóa cũng cho biết, Khoa còn rất tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học.

Cụ thể, Khoa đã và đang thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Trong đó, 11 đề tài đã được nghiệm thu (“Đánh giá bề dày nội trung mạc động mạch cảnh ở người tiền đái tháo đường“; “Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị ở BN Basedow mang thai trước và sau 12 tuần điều trị tại BV Nội tiết Trung ương ”; “Đánh giá hiệu quả điều trị bằng Sitagliptin ở BN đái tháo đường typ 2 mới chẩn đoán tại BV Nội tiết Trung ương...)

Và 01 đề tài cấp bộ vừa được nghiệm thu là “Nghiên cứu ngẫu nhiên, nhãn mở, nhóm đối chứng song song, đánh giá an toàn, chất lượng sống và hiệu quả kiểm soát đường huyết của liệu pháp hoạt hóa tế bào bằng Insulin (Cellular Activation Insulin Therapy – CAIT) với thiết bị bơm tự động truyền Insulin tĩnh mạch theo nhịp sinh học trên BN đái tháo đường không đạt được  mục tiêu kiểm soát đường huyết với phác đồ điều trị thường quy”. 

Có được các kết quả trên, theo nhận xét của lãnh đạo BV, là nhờ lãnh đạo Khoa đã tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, kịp thời phát hiện những tồn tại, yếu kém, đồng thời đề ra các biện pháp chấn chỉnh để hoạt động khám chữa bệnh đạt hiệu quả cao.

Quan trọng hơn cán bộ công nhân viên trong Khoa đã chấp hành giờ giấc kỷ luật lao động; Thực hành tốt 12 điều y đức; Triển khai có hiệu quả quy tắc ứng xử, giao tiếp với BN và người nhà BN; Động viên và chia sẻ với người bệnh khi gặp khó khăn và mắc bệnh hiểm nghèo, theo đúng phương châm: “Đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ công nhân viên trong Khoa cùng đồng lòng, dốc sức, đoàn kết xây dựng Khoa, động viên nhau vượt khó đi lên...

Hướng về người bệnh nghèo…

15 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, cùng với sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc BV, Khoa HSCC, BV Nội tiết Trung ương đã được củng cố và phát triển đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Mọi chỉ tiêu được giao đều đạt kết quả cao hơn năm trước. Khoa cũng là lá cờ đầu của BV trong nhiều hoạt động, công tác Đoàn, Đảng, Công đoàn, văn hóa văn nghệ, thi đua, từ thiện…

Trong hoạt động xã hội, từ thiện, cán bộ nhân viên trong Khoa luôn tích cực hưởng ứng các phong trào của BV như: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phòng trào do Công đoàn, Đoàn thanh niên, Nữ công phát động (ủng hộ quỹ xoá đói giảm nghèo, quỹ khuyến học, khám chữa bệnh từ thiện cho đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc, hiến máu nhân đạo, xây nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách...).

Đích thân GS. TS Trần Thị Thanh Hóa đã vượt núi, băng rừng dẫn đầu các đoàn công tác khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thuộc các xã nghèo của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Cũng chính chị chỉ đạo các cán bộ nhân viên của BV và Khoa tư vấn và khám chữa bệnh miễn phí cho những người dân nghèo, gia đình chính sách nơi BV đặt trụ sở...

Không chỉ có vậy, chị còn không ngần ngại bỏ công sức, thời gian và tiền túi ra để giúp đỡ những BN nghèo. Tấm lòng nhân hậu của chị đã làm lay động trái tim tất thảy cán bộ, nhân viên, để rồi tinh thần tương thân, tương ái đã trở thành truyền thống tốt đẹp của Khoa, BV...

15 năm không dài nhưng quá đủ để mỗi cán bộ, công nhân viên Khoa HSCC, BV Nội tiết Trung ương tự tin, sáng tạo, cống hiến, cùng nhau vượt qua gian khó, đi đến bến bờ vinh quang. Khó khăn, thử thách ở phía trước còn rất nhiều, nhưng những người chiến sỹ áo trắng nơi “đầu sóng ngọn gió” vẫn luôn bám trụ và sẵn sàng cống hiến, hy sinh, bởi trái tim họ luôn hướng về những người bệnh.

(PGS. TS Trần Thị Thanh Hóa – Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, Trưởng Khoa HSCC)

 05 năm liền (từ năm 2011 đến năm 2015), Khoa HSCC, BV Nội tiết Trung ương liên tục đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” của Bộ Y tế. Cũng trong 05 năm (từ năm 2011 đến năm 2015), Khoa được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen vì đã có thành tích cao trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Và năm 2016, Khoa vinh dự được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những đóng góp xuất sắc cho hoạt động này./.