Lạ kỳ cách chữa bệnh bằng... ống hút ở Đồng Nghê

(PLO) - Câu chuyện về khả năng chữa bệnh của “dị nhân” 110 tuổi Bàn Văn Phiêm ở bản Lài, xã Đồng Nghê (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) được dư luận truyền tai đi khắp nơi. Không chỉ được người dân trong vùng biết đến mà rất nhiều các bệnh nhân ở các tỉnh lân cận cũng tìm về. 
Một góc bản Lài
Một góc bản Lài
Điều đặc biệt ở phương pháp chữa bệnh của “dị nhân” này là ông sử dụng ống hút bằng nhôm để... hút bệnh. Và tùy theo từng bệnh mà ông hút ra các vật khác nhau như hòn đá, con cua, côn trùng… Dĩ nhiên, bệnh nhân sau khi hút sẽ không mất một giọt máu, trầy một mảng da nào.
Tự biết chữa bệnh từ khi 12 tuổi
Bản Lài là nơi xa nhất, cao nhất, khó khăn nhất của xã Đồng Nghê thuộc huyện Đà Bắc. Hay nói cách khác, nó là nơi “cùng trời, cuối đất” của tỉnh Hòa Bình với bốn bề rừng bạt ngàn. Ở đây, mỗi khi có người mắc bệnh là họ lại tìm đến cụ Phiêm. Người dân nơi đây coi cụ như một cây đại thụ chứng kiến sự phát triển của bản làng giữa hai thế kỷ.
Sau nửa buổi đánh vật với con đường đất trơn trượt, gồ ghề từ trung tâm xã Đồng Nghê lên bản Lài, chúng tôi mới đến được bản Lài. Cả xóm chỉ có 16 nóc nhà nằm cách nhau hàng cây số. Nhưng khi hỏi đến ông Phiêm thì ai cũng biết, ai cũng bảo ông là một vị thầy thuốc tài ba ở vùng này. 
Trong căn nhà gỗ cũ kỹ đã nhuộm màu khói bếp, ông Phiêm rót nước mời khách và tỉ tê tâm sự về cuộc đời. Ông bảo, ông sinh năm 1905. Bà Bàn Thị Tin (70 tuổi), con dâu ông kể: “Cách đây hơn 10 năm, có một lần ông vào rừng, leo núi lấy thuốc bị ngã gẫy chân. Từ đó đến nay, ông không ra khỏi nhà được nữa, chỉ đi được xung quanh nhà nhưng được trời phú cho sức khỏe nên mới thọ lâu đến vậy”.
Vì ông Phiêm không biết tiếng Kinh nên chúng tôi phải nhờ một “thổ địa” phiên dịch giúp, trong cuộc trò chuyện ông cho biết mình có khả năng hút bệnh từ lúc 12 tuổi. Theo đó, năm 12 tuổi, ông Phiêm đột nhiên bị mắc phải một căn bệnh lạ chưa từng gặp. Gia đình đưa đến nhà thầy mo trong bản thì được biết ông Phiêm bị ma ám. Sau khi được thầy mo chữa khỏi bệnh thì ông tự nhiên thấy mình có khả năng chữa được bệnh cho mọi người, nhất là cách chữa bệnh bằng ống hút khó tin.
Ông Bàn Văn Phiêm đang giải thích về cái ống hút bệnh bằng nhôm
Ông Bàn Văn Phiêm đang giải thích về cái ống hút bệnh bằng nhôm 
Cứ thế, trong nhà có ai bị ốm đau thì ông lại dùng ống hút để chữa. Sau đó, khi tài chữa bệnh kỳ lạ của ông được lan rộng, mọi người trong bản đã tìm đến nhà rất đông. Ông Phiêm cho biết: “Tôi không nhớ nổi mình đã chữa bệnh cho bao nhiêu người nữa, chỉ biết rằng ngày nào cũng có hơn 10 người từ khắp nơi đến chữa bệnh. Những người ở xa tôi cho ở nhờ nhà mình luôn”.
Bà Tin cho biết: “Sau khi khỏi ốm, ông chữa đủ loại bệnh, trong đó có đau bụng, viêm phổi, lao, đau lưng, khớp... là mấy bệnh chữa hiệu quả nhất, còn các bệnh ruột thừa, ung thư cùng một số bệnh hiểm nghèo khác thì ông không chữa được”.
Độc chiêu chữa bệnh kỳ lạ
Theo ông Phiêm, một buổi ông chỉ hút bệnh cho ba đến bốn người bởi vì lý do sức khỏe. Đợi mãi chúng tôi mới được chứng kiến ông chuẩn bị chữa bệnh cho một phụ nữ. Theo tìm hiểu, ông đang chữa bệnh cho chị Triệu Thị Văn, chị Văn bị đau lưng thâm niên đã đi chữa nhiều nơi nhưng không khỏi.
Nghe người ta nói về tài chữa bệnh kỳ lạ, chị vượt đường xa đến nhờ ông Phiêm giúp. Để thuận lợi chữa bệnh, ông Phiêm ngồi tựa vào chiếc giường cũ chờ mọi người trong nhà thịt gà, và giúp ông sắp xếp mâm lễ cúng. Mâm lễ đủ loại, trong mâm lễ bắt buộc phải có 3 con gà, một gù rượu, hai bốn đồng tiền xu lễ vật do người bệnh mang đến đặt trên hai xếp giấy. Giấy do chính tay người Dao chế tạo ra mới linh nghiệm và một nén hương. Khi bày biện xong mâm lễ, ông xin phép như đúng nghi thức thờ cúng của người Dao sau đó ông gọi chị Văn ra và nói chị đưa tay lên, chỗ chị bị đau rồi dùng một chiếc ống hút để hút tạp chất ra khỏi người.
Một điều khá đặc biệt đó là trước khi thực hiện màn hút bệnh, ông Phiêm uống một chén nước cho  miệng sạch, lau ống hút, lấy cả lông gà thông để không cho bất kỳ một dị vật nào ở trong ống. Ông lấy hương đốt huơ quanh người, lấy tờ giấy lạ (theo bà Tin thì đó là tờ giấy do người Dao làm từ vỏ cây có thể “soi” được bệnh - PV) để xoa quanh chỗ bị đau cho các “vật lạ” hiện ra, sau đó mới dùng ống để hút. 
Người bị bệnh nặng thường được thầy lấy ra đến 6 - 7 vật lạ, người nhẹ thì 1 - 2 vật lạ. Tuy nhiên, cũng có những ca bệnh khác nhau mà ông có các phương pháp để hút các vật lạ trong người bệnh khác nhau.
Đồ nghề chữa bệnh của ông khá đơn giản, chỉ gồm một ống nhôm dài độ 30cm. Cái ống hút sáng bóng và lạnh như bao đồ vật kim loại khác. Trước ông Phiêm có tới hai ống hút nhưng cái ống dài không hút ra bệnh. Ông bảo cả hai cái đều được người nhà trời gửi xuống. Cái ống hút ra đủ thứ như hòn than, mẩu đá. Đặc biệt có lần ra cả côn trùng hay con cua nhỏ còn ngọ nguậy. 
Theo ông, thì tùy từng loại bệnh nặng nhẹ khác nhau mà mỗi lần hút ra các vật khác nhau như: Bệnh hủi hút sẽ nhổ ra côn trùng, bệnh sưng phù toàn thân hút sẽ nhổ ra cua, bệnh đau thần kinh thì hút ra viên đá như hạt đỗ…
Được biết, ông đã chữa cho rất nhiều người ở khắp các nơi. Điển hình anh Đặng Văn Lèng, cháu của ông Bàn Kỳ Than - Bí thư Đảng ủy xã Đồng Nghê. Nghe kể, vào năm 2012, bỗng dưng anh Lèng bị lên cơn co giật, không biết gì như một người điên. Người nhà cho uống thuốc nam thì Lèng có đỡ. Nhưng một lúc sau, Lèng tỉnh dậy cứ liên tục lảm nhảm, gào thét, chạy lung tung khắp nơi, gia đình phải chở đến Trạm Y tế Mường Chiềng. Ngày đó các bác sĩ của trạm cũng bó tay trước tình trạng nguy kịch của Lèng.
Không còn cách nào, gia đình đành chở Lèng đến nhà ông Phiêm. Làm xong thủ tục cúng, ông Phiêm đưa chiếc ống đặc biệt vào trán  Lèng để “hút” bệnh. Lạ thay, sau khi được ông Phiêm “hút” thì ngày sau Lèng khỏe trở lại và những biểu hiện điên dại dần mất đi. 
Còn một trường hợp khác là ông Bùi Ngọc Thích, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đông Nghê, từng là bệnh nhân của ông Phiêm. Ông Thích vốn bị thoái hóa một đốt sống lưng, đau đại tràng mãn tính. Từ khi được ông Phiêm hút ra được một viên đá bằng hạt đỗ, màu trắng thì đến nay đã 3 năm, ông Thích đã không còn đau lưng và đau đại tràng nữa”…
Đem cách chữa bệnh kỳ lạ đến gặp ông Bùi Văn Hồng -  Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nghê thì được ông Hồng cho biết: “Việc ông Phiêm chữa bệnh đã có từ rất lâu rồi. Thực hư ông Phiêm chữa bệnh thế nào thì mọi người cũng đã biết. Chúng tôi không dám chắc ông Phiêm có chữa khỏi bệnh hay không”.
Ông Bùi Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nghê
Ông Bùi Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nghê 
Tìm “được vợ” cho con nhờ tài chữa bệnh
Nói đến việc chữa bệnh cứu người của ông thì dân làng ai cũng biết. Suốt gần 100 năm qua ông Phiêm đã in dấu chân trên khắp nơi để chữa bệnh cho những người nghèo. Tưởng một “thần y” với gần 100 năm trị bệnh cứu người thì sẽ giàu có lắm, nhưng không ai ngờ cuộc sống ông Phiêm cũng giản dị như bao người khác. 
Ông bảo: “Nếu chữa bệnh để kiếm tiền thì tôi đã giàu to rồi, nhưng đã làm nghề này thì không phải để kiếm lợi, kiếm danh. Tôi làm nghề này chỉ cốt sao chữa trị cho thật nhiều người khỏi bệnh. Còn tiền nong, tôi không lấy một đồng, lễ vật sau khi cúng thì mọi người cùng thụ lộc. Nếu sau khi khỏi bệnh quay lại mời tôi chén rượu là tôi mừng rồi, nếu không cũng không sao”.
Bà Bàn Thị Tin và tờ giấy dùng để “soi” bệnh được làm từ vỏ cây của người Dao
Bà Bàn Thị Tin và tờ giấy dùng để “soi” bệnh
được làm từ vỏ cây của người Dao 
Không chỉ chữa bệnh cứu người mà ông Phiêm còn “tìm” được  vợ cho con trai mình bằng cách chữa bệnh. Ông Phiêm kể lại: “Ngày trước nó (bà Tin, hiện tại là con dâu của ông - PV), mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Phải đi ở nhờ nhà các anh trai. Cuộc sống thuở nhỏ rất khổ cực, lận đận vì nó rất hay đau ốm. Lần ốm nặng nhất khiến nó bị điên, khi ấy tôi  đã chữa bệnh cho nó”. 
Không chỉ lần bà bị điên, nhiều lần khác bà đau lưng ông đã giúp bà đỡ bệnh. Đến năm bà Tin 17 tuổi, ông mới hỏi ý kiến của bà: “Con khỏi bệnh là may mắn. Ông giúp con chữa bệnh, con về làm dâu nhà ông nhé”.
Bà Tin bảo: “Người bị điên khùng thì ai dám lấy con mà cụ hỏi”. Sau đó,  ông Phiêm thắp hương, làm nhiều nghi lễ, rồi dùng cái ống hút làm cho bà hết bệnh, khi hết bệnh bà đã tạ ơn ông bằng cách đồng ý về làm dâu cả nhà ông. Ngày về làm dâu nhà ông Phiêm, không có chú rể vì lúc đó con trai ông đi kháng chiến. Bà về làm dâu ở vậy 9 năm thì đến năm 1969, chồng bà đi kháng chiến về, lúc đó bà Tin mới được làm vợ thực sự.

Đọc thêm