Lạm dụng rượu bia - thần chết gõ cửa nhà

(PLO) - Bác sĩ Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu mỗi ngày đều uống từ 500ml – 1000ml rượu bia trong thời gian nhiều năm sẽ rất dễ mắc các chứng bệnh nặng thập tử nhất sinh như xơ gan cổ chướng, chảy máu tiêu hóa, sốc nhiễm khuẩn và ngộ độc methanol. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bằng chứng là chỉ trong buổi tối một ngày cuối tháng 10 vừa qua, tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã phải tiếp nhận hai bệnh nhân nặng nhập viện vì ngộ độc methanol, trong đó một bệnh nhân đã tử vong, còn một bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Mất mạng vì rượu

Nói về tác hại của rượu, bác sĩ Lương Quốc Chính cho biết: “Điều tôi thấy đáng nhớ nhất, và cũng đáng sợ nhất là phần lớn bệnh nhân nặng thập tử nhất sinh đều uống rất nhiều rượu, mỗi ngày các bác cứ uống từ 500 ml đến 1000 ml trong thời gian nhiều năm thì bảo sao không bị bệnh cho được. Bệnh lý hay gặp ở những bệnh nhân này là xơ gan cổ chướng, chảy máu tiêu hóa, sốc nhiễm khuẩn, ngộ độc methanol. Hóa chất methanol rất độc hại, chỉ tính riêng tối 29/10 có tới hai bệnh nhân nặng nhập viện vì ngộ độc, trong đó một bệnh nhân đã tử vong”.

Theo bác sĩ Chính, trước đó ông cũng vừa khám cho một bệnh nhân có nước da vàng sạm, mặt thì phù bủng, nhìn biết ngay là bị bệnh ở bộ phận nào rồi, Hỏi ra thì đúng  là bệnh nhân này uống rượu rất nhiều, ngày không dưới 500 ml và uống từ nhiều năm nay rồi. Khám bụng thì gan khá to và chắc. Kết quả siêu âm bụng về thì có hình ảnh xơ gan, khối u gan phải…

Được biết, công việc hàng ngày tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai chính là khám và xử trí các tình trạng cấp cứu, trong đó không ít trường hợp ngộ độc rượu nặng. Từ nhiều năm nay, trong khuôn khổ hợp tác với Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Khoa Cấp cứu A9 đã khám, chẩn đoán và xử trí khá nhiều trường hợp ngộ độc methanol do uống rượu.

Một điểm đáng lưu ý là rất nhiều trường hợp ngộ độc methanol vào bệnh viện tuyến dưới vì lý do hôn mê sâu đều được chẩn đoán nhầm sang bệnh khác. Có thể kể đến một trường hợp cách đây 2 năm, bệnh nhân là N.V.T (54 tuổi) ở Nam Định, sau uống rượu một ngày thì được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, chuyển lên Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán tai biến mạch máu não.

Qua hỏi bệnh và khám cấp cứu mới phát hiện ra bệnh nhân có rối loạn thị lực và rối loạn ý thức sau uống rượu, tình trạng toan chuyển hóa nặng, quyết định xét nghiệm áp lực thẩm thấu máu và độc chất tìm methanol trong máu cho kết quả chẩn đoán xác định ngộ độc methanol. Bệnh nhân được hồi sức, lọc máu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai khoảng 2 tuần thì khỏi bệnh và ra viện.

Đau đầu, nhìn mờ sau khi uống rượu cần đến bệnh viện ngay

Phần lớn các trường hợp tử vong do ngộ độc methanol là do tự tử hoặc sử dụng methanol làm đồ uống thay thế cho ethanol... Ở người lớn, ngộ độc methanol với liều 8g (1ml dung dịch 100%) đã có thể gây mù, ngộ độc với liều 10g (30 ml dung dịch 40%) có thể gây tử vong. Ở trẻ em, ngộ độc methanol với liều 0,25ml/kg đã gây mù mắt và 0,5ml/kg đã gây tử vong (dung dịch 100%). Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tuỳ thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống. 

Bác sĩ Chính cho biết, vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua hoặc trẻ nhỏ không được phát hiện. Về thần kinh, bệnh nhân lúc đến viện thường tỉnh táo và kêu đau đầu, chóng mặt, sau đó quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật.

Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng... nhằm tránh hạ đường huyết.

Nếu bệnh nhân không tỉnh, ứ đọng hầu họng nhiều, thở nhanh và thở sâu, thậm chí có co giật... thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... thì cần phải đưa tới bệnh viện khám.

BS Chính đưa lời khuyên: “Uống rượu quá chén gây rất nhiều tác hại đối với sức khỏe con người. Vì vậy, người dân nên tiết chế, điều độ. Khi thấy có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ bóng mây... sau vài tiếng uống rượu, người dân cần tới bệnh viện khám ngay. Khi tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc methanol, nhân viên y tế phải chuyển bệnh nhân tới trung tâm y tế có khả năng hồi sức và lọc máu sớm nhất khi có thể”.

Đọc thêm