Lần đầu phẫu thuật thay xương bả vai tại Việt Nam

(PLVN) - Đau âm ỉ vai kéo dài suốt năm năm nhưng chỉ đến khi tay phải không tự nâng cao để viết được nữa, một cô giáo tiểu học tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên mới đi khám. Kết quả bác sĩ chẩn đoán cô bị u xương bả vai phải, một trường hợp hiếm gặp và khó can thiệp.
Hình ảnh chụp Xquang xương bả vai của bệnh nhân sau phẫu thuật
Hình ảnh chụp Xquang xương bả vai của bệnh nhân sau phẫu thuật

Trước đó, nữ giáo viên 43 tuổi này ban đầu cảm thấy tay phải trong tình trạng đau âm ỉ, như kiến cắn trong khớp vai phải, sau đó cơn đau lan dần lên phía ngực và phía sau. Tuy nhiên, cơn đau không gây hạn chế vận động, không sốt cũng như không làm bệnh nhân giảm cân nên bệnh nhân cho rằng, những cơn đau đó không có gì nguy hiểm.

Đến 2018, bệnh nhân đi khám và phát hiện có một khối u chỗ xương bả vai phải, xâm lấn phần mềm xung quanh. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị u xương bả vai phải đã xâm lấn phần mềm xung quanh.  

Theo giải thích của bác sĩ, đây là vùng rất nguy hiểm, là nơi mạch máu và thần kinh từ thân xuống tay, phẫu thuật rất dễ chạm vào thần kinh gây liệt, chạm vào mạch gây tổn thương mạch máu. Thứ hai, nếu lấy bỏ khối u, đồng nghĩa với việc lấy toàn bộ xương bả vai, sẽ không lấy gì để thay thế được xương đó. Ở Việt Nam chưa từng có trường hợp nào được phẫu thuật thay xương bả vai. Bệnh nhân đành chấp nhận ra về với đơn thuốc giảm đau.

Đến đầu tháng 9/2019, sau khi bệnh nhân được thăm khám lại tại bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, PGS.TS Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, với trường hợp của bệnh nhân này, chỉ có cách dùng xương bả vai nhân tạo. PGS Dũng đã liên hệ với các Giáo sư ở nước ngoài, đặc biệt là Giáo sư ở Nakazawa tại Nhật Bản, chuyên gia về thay xương bả vai; và liên hệ công ty thiết bị thay khớp để nhập được xương bả vai nhân tạo. Sau khi tất cả đã chuẩn bị xong, PGS Dũng đã liên hệ với bệnh nhân đến gặp và đưa ra các phác đồ điều trị để bệnh nhân lựa chọn. 

Phương án thứ nhất, cắt lẩy bỏ toàn bộ xương bả vai và khối u, sau đó chỉ khâu lại phần mềm. Phương án thứ hai, vẫn cắt bỏ toàn bộ xương bả vai và khối u, đồng thời tiến hành phẫu thuật thay toàn bộ xương bả vai phải, chính là khối xương bị ung thư, cách này kết hợp điều trị thuốc nội khoa đơn thuần, kết hợp xạ trị và hóa chất.

PGS Trần Trung Dũng cũng trao đổi với bệnh nhân, nếu quyết định phương án thứ hai thì đây sẽ là ca phẫu thuật đầu tiên tại Việt Nam, trên thế giới hiện giờ cũng không nhiều nơi thực hiện kỹ thuật này. Điều này cho thấy bệnh nhân phải thực sự quyết tâm thì mới thực hiện phẫu thuật khó này.

Bệnh nhân đã nhập Bệnh viện K Tân Triều để chuẩn bị cho ca phẫu thuật. Sau gần hai tháng chuẩn bị, đến ngày 28/12/2019, bệnh nhân đã được các bác sĩ tiến hành cắt toàn bộ khối u xương và xương bả vai phải, đồng thời thay thế xương bả vai nhân tạo. Ca phẫu thuật được thực hiện trong vòng ba tiếng liên tục và thành công hơn cả mong đợi của kíp mổ.

Sau ca mổ, PGS Dũng chia sẻ, khối u xương đã làm xương bả vai to và nặng gần gấp đôi xương thật của bệnh nhân, khối u đó đã lan rộng ra xung quanh, chèn ép vào một số nhánh dây thần kinh trên vai của bệnh nhân. “Thật may mắn vì chúng tôi đã bóc được hết u và không để biến chứng gì xảy ra, phẫu thuật thay xương bả vai nhân tạo đã rất thuận lợi”, PGS Dũng nói.

Qua một tuần điều trị, bệnh nhân đã khỏe mạnh, đã cử động được phần cẳng tay và bàn tay bình thường, vết mổ hoàn toàn khô, không có dịch, chụp Xquang kiểm tra thấy xương bả vai nhân tạo hoàn toàn đúng vị trí giải phẫu, chưa phát hiện các biến chứng nghiêm trọng.

PGS Dũng cũng chia sẻ, khác với các xương khác, xương bả vai là khối xương nằm phía sau ngực, không cố định chắc chắn vào bất cứ xương nào, mà “treo lơ lửng” giữa các khối cơ lưng và chi trên. Vì vậy điều khó nhất trong phẫu thuật thay xương bả vai chính là làm sao cho xương bả vai nhân tạo sau khi thay thế vẫn treo giữa các khối cơ mà vẫn đạt giải phẫu ban đầu, không bị lệch hay biến dạng vai khi tay hoạt động. Đồng thời phải đảm bảo thẩm mỹ và không để lại biến chứng mạch máu và thần kinh nào. 

Phẫu thuật thay xương bả vai sẽ là cơ hội và mở ra cánh cửa hy vọng cho các bệnh nhân bị ung thư xương bả vai nói riêng, ung thư nói chung và khẳng định sự phát triển của nền y học Việt Nam với các nước trên thế giới.

Đọc thêm