Lăn kim làm đẹp – lăn rủi ro

(PLO) - Phương pháp làm đẹp bằng lăn kim kết hợp tế bào gốc để điều trị làn da bị mụn, nám, tàn nhang, sẹo, rỗ… đang là một trong những phương pháp được người tìm đến nhất kể cả nam lẫn nữ.
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

 Nhờ công dụng “thần kỳ” cải thiện làn da sần sùi, lão hóa, sẹo mụn... trở nên mịn hơn mà phương pháp làm đẹp này được lan truyền nhanh chóng. Cùng với đó, các cơ sở làm đẹp cũng đua nhau thực hiện dịch vụ này.

Tuy nhiên, lăn kim là một phương pháp làm đẹp có xâm lấn trực tiếp đến da nên cần có sự tư vấn, thăm khám của người có chuyên môn về y khoa thẩm mỹ, nhưng rõ ràng không phải cơ sở làm đẹp cũng đáp ứng được điều này. Để thực hiện một lần lăn kim tế bào gốc, khách phải chi phí khá cao với mức từ 1,2 triệu đồng trở lên. Nếu thực hiện cả liệu trình thì khách hàng cũng phải mất ít nhất từ 7 đến 10 triệu đồng. 

Tuy nhiên, để cạnh tranh khách hàng các cơ sở cũng có cạnh tranh về giá, có những nơi để “giá rẻ giật mình” dựa trên những chiêu thức quảng cáo như “tri ân khách hàng”, “giờ vàng giảm giá” hoặc “giảm giá chào Tết”…Và rõ ràng, với liệu trình làm đẹp phức tạp như vậy nhưng lại có giá rẻ thì sẽ luôn đi liền với kém chất lượng.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây trên thị trường, đặc biệt là các trang mạng, tràn lan lời rao quảng cáo các gói lăn kim dành cho khách hàng thực hiện lăn kim ngay tại nhà nhằm tiết kiệm chi phí. Giá cả và chất lượng của các gói kim lăn tại nhà này chỉ từ 200.000 đồng/cây lăn kim đến gần 3 triệu đồng và nhiều sản phẩm không nêu rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ.

Trong khi đó với liệu pháp lăn kim này cần phải có không gian đảm bảo vệ sinh y tế cũng như đầy đủ dụng cụ y tế để phục vụ. Chính vì lẽ đó mà mới đây nhất chị Trần Ngọc Bích ở Hà Nội đã chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh của mình trước và sau khi đi lăn kim kèm theo lời cảnh báo:

“Cảnh báo cho tất cả các bạn muốn đi lăn kim để trị mụn. Hôm nay đi điều trị da thấy có quá nhiều bạn đến chữa da vì lăn kim, bạn bè mình cũng rất nhiều người lăn tăn về vấn đề lăn kim nên mình quyết định chia sẻ kinh nghiệm chính bản thân đã trải qua để cảnh báo cho các bạn biết mà tránh ra. Sự thật lăn kim chỉ điều trị được rỗ, lỗ chân lông to chứ không hề trị mụn hay trị nám tàn nhang như các spa quảng cáo”.

Theo lời chị Bích, chị trước đây không hề có mụn nhưng vì lỗ chân lông hơi to nên muốn lăn kim để se lại. Tuy nhiên, sau khi thực hiện xong liệu trình thì mặt mọc chi chít mụn. Đồng thời, chu trình để da tái tạo lại là 28 ngày, vậy nhưng cứ 1 tuần bên spa chị thực hiện liệu trình lại gọi chị đi lăn một lần. Qua đó chị Bích khẳng định chính chủ spa cũng không hiểu biết gì về da nhưng lại thực hiện liệu pháp làm đẹp này cho khách.

Đồng thời chị Bích cũng đã đưa ra lời khuyên nên lăn khi da rỗ và lỗ chân lông to và phải đến chỗ bác sĩ đàng hoàng, đừng đến các spa kém uy tín hoặc không có chuyên môn trách nhiệm. Bởi như vậy, lăn kim xong da nhiễm trùng như chị là chuyện sớm muộn sẽ xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phùng, giảng viên Bộ môn Phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ Đại học Y dược TPHCM nhận định với báo chí rằng, lăn kim hiện tại được sử dụng rất phổ biến và đôi lúc trở nên quá lạm dụng.

Đây cũng là một kỹ thuật can thiệp trên cơ thể (cụ thể là da) vì vậy để quá trình điều trị được an toàn cần được chỉ định bởi bác sĩ và thực hiện bởi nhân viên y tế. Khi sử dụng không đúng cách có thể gặp phải các biến chứng như nhiễm trùng, gây sẹo, giảm sắc tố da, nguy cơ lây bệnh, dị ứng với các sản phẩm dùng kèm. Tóm lại, khách hàng muốn làm đẹp ngoài tuân thủ liệu trình điều trị thì cũng nên tìm đến các cơ sở uy tín, có chuyên môn y khoa thẩm mĩ cao. Để tránh tiền mất, tật mang như chị Bích kể trên là một ví dụ.

Đọc thêm