Lợi ích to lớn của việc hiến xác cho khoa học

(PLO) - Đăng ký hiến tặng xác của mình sau khi qua đời là bạn đã cứu sống hàng chục sinh mạng khác.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Có thể cứu sống ít nhất 50 người
Theo Thư viện Y học quốc gia Mỹ, các cơ quan nội tạng có thể được lưu trữ sau khi người chết bao gồm: Thận, trái tim, phổi, tuyến tụy, ruột, da, giác mạc… Do đó, một người hiến xác có thể cứu mạng hoặc cải thiện cuộc sống của ít nhất 50 người khác.
Thống kê trên trang OrganDonor.gov cho thấy, năm 2013 có 28.954 người đã được cấy ghép nội tạng hiến tặng. Mỗi ngày, trung bình có 79 người trải qua quá trình này nhưng đồng thời có 21 người đã chết trong khi chờ đợi người hiến tặng phù hợp.
Tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, mỗi năm có khoảng 1.000 ca chết não nhưng 5 năm qua chỉ có 26 trường hợp đồng ý hiến tặng mô tạng. Tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, từ khi thành lập ngày 26/9/2013 đến nay cũng mới vận động được 500 người hiến tạng, trong đó chỉ có 13 người đăng ký hiến sống.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi toàn thể ngành y tế, mọi cá nhân trong cả nước hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết. Bộ trưởng cũng cho biết, bản thân bà đã ký vào đơn đăng ký hiến mô tạng để có thể tiếp tục “sống” sau khi qua đời.
Từng đó lý do chắc hẳn đã đủ để bạn thấy được lợi ích to lớn của việc hiến xác cho khoa học. Song, nếu bạn còn đang phân vân về quy trình cũng như thủ tục hiến xác tại Việt Nam, dưới đây là câu trả lời dành cho bạn.
Quy trình hiến xác, nội tạng
Người hiến tặng xác trước hết phải đủ tuổi trưởng thành. Để được hiến xác hoặc nội tạng sau khi qua đời, bạn chỉ cần đến đăng ký tại trường đại học y gần nhất, đó là các trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Huế, Đại học Y Dược TP HCM, Đại học Y Thái Nguyên, hoặc các cơ quan nghiên cứu y học khác.
Với trường hợp hiến sống để cấy ghép cho người bệnh, người hiến có thể đến bất kỳ cơ sở y tế có đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật cấy ghép mô tạng. Khi đến đăng ký, bạn chỉ cần điền vào mẫu đơn tình nguyện hiến tặng thân xác, rồi cùng 2 người làm chứng (trên 18 tuổi) ký tên ở bên dưới. Mẫu đơn này sau đó sẽ được lấy dấu xác thực của địa phương.
Sau khi hoàn thành khâu giấy tờ, bạn sẽ phải trải qua quy trình kiểm tra sức khoẻ nghiêm ngặt. Nếu vượt qua, bạn sẽ được cấp một thẻ đăng ký hiến xác hoặc hiến tạng. Trường hợp sau khi được cấp thẻ mà người hiến tạng qua đời vì những bệnh truyền nhiễm nặng, đơn vị có thẩm quyền sẽ từ chối tiếp nhận thi thể, mô, tạng. 
Việc hiến xác hay nội tạng dựa trên tinh thần tự nguyện nên nguời hiến sẽ không có chế độ bồi dưỡng nào. Đồng thời do không có ràng buộc pháp lý nên người hiến hoặc thân nhân có thể thay đổi quyết định bất kỳ lúc nào. Chính vì vậy, trước khi điền vào mẫu đăng ký, người hiến sẽ được tư vấn kỹ càng, trong đó có việc thông báo cho gia đình và người thân để đảm bảo quá trình hiến xác không gặp phải cản trở.
Trường hợp hiến xác để phục vụ nghiên cứu, thi thể người hiến sau khi được tiếp nhận sẽ được ướp trong forrmaldehyde để không bị phân hủy. Nhờ đó mà thi thể có thể được bảo quản trong hàng chục năm và được sử dụng cho các bác sĩ mới thực tập mổ. 
Những thi thể mắc bệnh nan y cũng có thể phục vụ cho giới khoa học nghiên cứu nhằm tìm ra các phương thuốc cứu sống hàng triệu người khác. Trong khi đó, người có nội tạng khỏe mạnh sẽ được sử dụng để cấy ghép cho các bệnh nhân khác. Sau nghiên cứu, thi thể sẽ được hỏa thiêu và chuyển tro cốt về cho người thân mai táng. 
Ở Mỹ, bạn còn có thể chọn cách gửi thân thể của mình ở... bảo tàng để trưng bày. Một số hãng xe của nước này cũng sử dụng tử thi để kiểm nghiệm độ an toàn của xe khi gặp tai nạn giao thông. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng từng sử dụng 3 thi thể người để kiểm nghiệm mẫu trang phục du hành và tàu vũ trụ. Ngoài ra, thi thể người còn được sử dụng phục vụ cho các nghiên cứu quân sự, giúp cải tiến và đảm bảo an toàn cho vũ khí, công cụ chiến đấu.
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn suy nghĩ cởi mở hơn về việc hiến xác, hiến tạng, bởi theo như lời của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiến xác cho khoa học chính là “biến mất mát, đau thương của một gia đình thành niềm vui và hạnh phúc của nhiều gia đình khác, biến sự ra đi của một con người không phải là hành trình trở về cát bụi mà là hành trình hồi sinh sự sống”. 

Đọc thêm