Mỗi ngày chi 20 tỷ nhập thuốc BVTV từ Trung Quốc

(PLO) -Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở nước ta đang xảy ra khá phổ biến trong sản xuất nông nghiệp. Việc người dân sử dụng thuốc BVTV tùy tiện, không theo khuyến cáo của cơ quan chức năng đã ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường cũng như việc xuất khẩu nông sản…
Nhiều vấn đề bất cập trong việc sử dụng thuốc BVTV tại Việt Nam
Nhiều vấn đề bất cập trong việc sử dụng thuốc BVTV tại Việt Nam

Nguy cơ ung thư rất lớn

Theo thống kê của Cục BVTV, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trong nông nghiệp đến năm 2016 lên tới 1.173 hoạt chất, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuốc BVTV trong 10 tháng đầu năm 2016 chủ yếu từ Trung Quốc, mỗi ngày Việt Nam chi 20,5 tỷ đồng để nhập thuốc BVTV từ Trung Quốc. 

Trao đổi với phóng viên, TS Đinh Văn Thành (nguyên Trưởng Bộ môn Miễn dịch thực vật, Viện BVTV) khẳng định, thuốc BVTV có vai trò quan trọng trong việc giữ vững năng suất, đảm bảo an ninh lương thực, song thuốc BVTV cũng là con dao 2 lưỡi, dễ dẫn đến những hậu quả tai hại làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường.

“Nếu chỉ sử dụng phân hóa học mà không sử dụng phân hữu cơ thì sẽ làm chai đất, phá hủy kết cấu của đất và làm cằn cỗi đất đi rất nhiều. Hàm lượng nitrat trong phân hóa học rất cao, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành các tác nhân gây ung thư rất nhanh. Chúng ta nên có thêm các nhà máy để xử lý, sản xuất ra phân hữu cơ từ rác thải; tăng cường sử dụng phân vi sinh để giảm bớt việc sử dụng phân hóa học”, chuyên gia Viện BVTV này khuyến cáo.

Vấn đề nổi cộm thứ hai mà TS Đinh Văn Thành đề cập đến là việc quản lý quá lỏng lẻo đã khiến rất nhiều công ty sản xuất, phân phối hóa chất BVTV ồ ạt tràn vào Việt Nam:

“Việt Nam là một trong những thị trường béo bở để các nhà sản xuất, phân phối hóa chất BVTV có thể đưa sản phẩm vào một cách dễ dàng. Họ ăn lời, ăn lãi từ chúng ta nhưng lại gây ra hậu quả cho chúng ta, đó là dư lượng hóa chất BVTV trong nông sản, hay “tiền tố” gây ung thư rất lớn”.

“Ngoài ra, chúng ta chưa minh bạch hóa các thông tin về tính độc hại của thuốc BVTV đối với sức khỏe con người và môi trường nông thôn. Hiện nay, cơ quan quản lý cho phép sử dụng các loại hóa chất nhưng lại không khuyến cáo một cách kỹ càng, chi tiết cho người nông dân là chỉ sử dụng đến mức độ nào”, ông Thành cho biết.

TS Đinh Văn Thành (nguyên Trưởng Bộ môn Miễn dịch thực vật, Viện Bảo vệ thực vật)
TS Đinh Văn Thành (nguyên Trưởng Bộ môn Miễn dịch thực vật, Viện Bảo vệ thực vật)

Thế giới cấm, ta vẫn dùng

Để “dẹp loạn” thị trường thuốc BVTV, TS Thành cho rằng cần xiết chặt quản lý, loại bỏ những loại thuốc có độ độc cao, lạc hậu, chỉ những thuốc nào thực sự cần thiết mới cho lưu hành.

“Đối với các loại thuốc thuộc nhóm lân hữu cơ hiện nay đã cấm, nhưng ở nước ta đâu đó vẫn còn sử dụng một cách trái phép, lén lút. Điển hình, các loại thuốc như 66, hoạt chất trừ cỏ 245T, 24D là những thuốc đã bị cấm sử dụng nhưng việc nhập lậu vẫn diễn ra. Thực tế có những loại thuốc BVTV chỉ được sử dụng trên cây ăn quả nhưng một số công ty sản xuất ghi bao bì nhãn mác không rõ ràng nên người nông dân đã dùng hóa chất đó cho cả lúa và các loại cây khác”, ông Thành lo ngại.

Cũng theo TS Thành, “muốn có được nông sản sạch phải quay lại cái mà chúng ta đã đánh mất, đó là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững. Tức là, phải canh tác làm sao, sản xuất làm sao để thế hệ cha ông sống trên mảnh đất đó đạt được năng suất theo yêu cầu mà không làm ảnh hưởng đến đời con, đời cháu, để các thế hệ sau vẫn có thể vừa khai thác được, vừa bảo vệ được môi trường”.

Chuyên gia này nêu quan điểm, các hóa chất BVTV nào mà nhiều nước trên thế giới cấm thì Việt Nam cũng phải cấm theo. Đơn cử như Paraquat có khả năng diệt cỏ rất nhanh (chỉ 24h sau khi phun thuốc, cỏ sẽ bị chết cháy hàng loạt) nên được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam, thuốc này đã bị cấm ở nhiều nước châu Âu.

Đây là loại thuốc diệt cỏ có độ độc mạnh, thuộc danh mục thuốc bị hạn chế, có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, môi trường. Đặc biệt khi bị nhiễm độc loại thuốc này sẽ không thể giải độc.

Một ví dụ khác được TS Thành đưa ra là hoạt chất Carbendazim đã bị cấm sử dụng ở các nước phát triển, do ảnh hưởng về lâu dài đối với sức khỏe con người do khả năng tích lũy trong cơ thể, gây ra nhiều bệnh mãn tính, đáng kể nhất là ung thư, tiểu đường, và nguy hiểm hơn, nó còn tác động lên cả thế hệ tương lai khi mà chất này còn có khả năng gây vô sinh, sinh non, dị tật thai nhi…

Thế nhưng lâu nay, Việt Nam vẫn cho phép dùng Carbendazim, hiện mới chỉ dừng ở mức khuyến cáo nông dân loại bỏ hoạt chất này trong sản xuất. Carbendazim mất khoảng 2 tuần kể từ khi sử dụng để phân hủy hết.

Tuy nhiên, đối với các loại cây trồng như cam, các loại hoa màu như lúa, hay các loại rau có lá… nếu sử dụng muộn quá, ví dụ như phun trước khi thu hoạch từ 7-10 ngày, thì rõ ràng hóa chất này chưa thể phân hủy hết được.

Nghị định số 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định, từ ngày 25/6, hành vi sử dụng thuốc BVTV có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam sẽ bị phạt tiền với mức từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng; trong khi trước đây, mức phạt đối với hành vi này chỉ từ 1 triệu đồng - 3 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định, hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng với hướng dẫn sử dụng; không thu gom, để đúng nơi quy định bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng - 500.000 đồng.

Về việc nhập khẩu thuốc BVTV, Nghị định chỉ rõ, phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu thuốc thành phẩm có thời hạn sử dụng dưới 2/3 hạn sử dụng được ghi trên nhãn thuốc, kể từ ngày thuốc đến Việt Nam. Đặc biệt, phạt đến 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu thuốc BVTV, thuốc kỹ thuật không bảo đảm chất lượng, không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng…