Mong cho sự tử tế lan truyền

(PLO) - Sau khi cô bé 7 tuổi Hải An hiến giác mạc, “mang ánh sáng đến cho người khác”, làm cả cộng đồng xúc động và có nhiều người làm theo, tự nguyện hiến tạng. Hiệu ứng của một nghĩa cử, một việc làm tử tế có sức lan truyền mạnh mẽ hơn cả ngàn lần lời kêu gọi suông.
Các bác sĩ tiến hành lấy giác mạc từ cô bé hiến tặng
Các bác sĩ tiến hành lấy giác mạc từ cô bé hiến tặng

Có những việc không phải nghĩa cử, đơn giản chỉ là sự tử tế nhưng cũng thu hút được ngưỡng mộ của mọi người. Đó là trường hợp 3 thiếu niên ở Sóc Trăng đi chơi Tết, nhặt được chiếc ví 40 triệu đồng đã nộp Công an để trả lại cho người mất. Cái việc hành xử theo đạo lý thông thường đó giờ đã trở nên hiếm và do đó, cần khuyến khích, biểu đương để sự tử tế trở lại và ngày càng phổ biến hơn.

Mới đây, trường hợp một bệnh nhân 70 tuổi bị xuất huyết dạ dày, thuộc nhóm máu hiếm cần phải tiếp máu ngay. Hai người đàn ông ở Quảng Bình có nhóm máu đó đã vượt 200 km trong đêm để đến bệnh viện hiến máu, kịp thời cứu sống bệnh nhân. Đó vừa là nghĩa cử, vừa biểu hiện một sự tử tế rất đáng được tôn vinh.

Làm nhiệm vụ của mình, giải cứu tài xế xe chở mía bị kẹt giữa dòng nước lũ do thủy điện xả nước, một Thượng sỹ thuộc lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Công an Gia Lai tử nạn. Anh là con trai duy nhất của gia đình có bố mẹ bệnh tật, nghèo khó. Cũng như đám tang của bé Hải An khiến bao người rơi lệ thì cuộc tiễn đưa người chiến sỹ này cũng đẫm nước mắt thương xót và cảm phục. Đáng trách là sự tắc trách của một số người đã là nguyên nhân gây nên cái chết cho anh. Thủy điện xả lũ mà không hạ barie chắn đường qua đập tràn, dù đã thông báo nhưng những tài xế xe tải chở mía vẫn cố tình đi qua, người lái xe thì vô sự do xe chở nặng không bị nước xiết cuốn trôi, người liều mình cứu nạn thì lại tử nạn. Đó là là một sự việc đau lòng!

Ở một diễn biến khác, trái ngược hoàn toàn với sự tử tế, chỉ thấy một sự ứng xử thiếu văn hóa mà thôi. Một cô giáo Tiểu học ở Long An xử phạt học sinh bằng cách phải quỳ, một số các em sợ hình phạt này nên không dám tới trường. Một số phụ huynh kéo đến và cô giáo này phải quỳ xin lỗi. Cách hành xử của những phụ huynh này đã gây phẫn nộ cho cộng đồng, dù hình thức xử phạt của cô giáo có sai thì cũng không thể chấp nhận được hình thức “trả đũa” phi đạo lý của những phụ huynh này. 

Chính những cách hành xử như vậy đã làm sự tử tế trở thành hiếm hoi. Ngược lại, hành động của những người tử tế với việc làm tử tế truyền cảm hứng cho cộng đồng, mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Đọc thêm