Mũi biến thành ổ mủ sau khi tiêm chất làm đầy Filler

(PLO) - Đó là trường hợp của bệnh nhân nữ 23 tuổi quê Phú Thọ, hiện trú tại Hà Nội. Theo TS. BS. Phạm Cao Kiêm - Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hội chức năng, BV Da liễu Trung Ương cho biết, bệnh nhân nhập viện hôm Chủ nhật (3/6)  trong tình trạng mũi sưng đỏ, phù nề nhiều chỗ có màu tím. 
Mũi biến thành ổ mủ sau khi tiêm chất làm đầy Filler

Theo lời kể của bệnh nhân, cô tiêm chất làm đầy mũi Filler tại một Spa trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Sau khi tiêm một ngày mũi bị tấy đỏ nên cô quay lại được chủ Spa tiêm kháng sinh và thuốc giải nhưng vẫn không đỡ, thậm chí còn bị tiết dịch, hình thành nhiều ổ mủ trên mũi nên cô đã vào BV Da liễu Trung Ương khám và điều trị. 

Quá trình thăm khám mũi, các bác sỹ thấy vùng đỏ lan rộng, có biểu hiện bị viêm nhiễm, nhiều ổ mủ xuất hiện ở đỉnh mũi và sống mũi, sống mũi đỏ, tiết dịch... Nguyên nhân tạm thời được xác định là do tiêm không đúng kỹ thuật (người tiêm không phải là bác sỹ, không có chứng chỉ hành nghề…) làm tắc mạch máu, dẫn đến máu không thể lưu thông và bị giãn mạch. 

Đối với trường hợp này, bệnh nhân phải điều trị giảm phù nề, chống đông mạch máu, giãn mạch theo phác đồ chuẩn quốc tế. 

Theo TS. Phạm Cao Kiêm, thực tế BV đã gặp nhiều trường hợp bị biến chứng do tiêm chất làm đầy mũi, cằm… nhưng nếu đến sớm thì khả năng điều trị khỏi rất cao. Trường hợp này BN nhập viện hơi muộn (sau 4 ngày tiêm) nên hiệu quả điều trị sẽ không được như mong muốn vì chất làm đầy đã xâm nhập vào mạch máu nên điều trị rất khó khăn, các bác sỹ chỉ có thể phục hồi một phần, có thể để lại sẹo. Với bệnh nhân này, BV đã quyết định miễn phí các chi phí điều trị.

TS. Phạm Cao Kiêm đang khám cho bệnh nhân.
 TS. Phạm Cao Kiêm đang khám cho bệnh nhân.

TS. Phạm Cao Kiêm cho biết thêm, tất cả các Filler đều có thể có biến chứng. Tiêm Filler có hai loại biến chứng là biến chứng sớm (nhiễm trùng, nhiễm khuẩn) và biến chứng muộn sau vài tháng (có thể gây phản ứng u hạt tạo thành dị vật cho cơ thể, hoặc có thể gây dị ứng, tắc mạch, dẫn đến hoại tử vùng tiêm).

Biến chứng phụ thuộc nhiều vấn đề: Tay nghề bác sỹ; cơ địa bệnh nhân, đặc biệt là kỹ thuật tiêm. Người tiêm phải là bác sỹ, được đào tạo tiêm filler, có chứng chỉ hành nghề. Nhưng thực tế, đa số Spa không được đào tạo, không có chứng chỉ hành nghề, hoặc sử dụng thuốc không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

“Có trường hợp vừa tiêm chất làm đầy vừa nâng mũi, cằm bằng chỉ bị hoại tử, méo cằm, méo mũi. Do vậy, để đảm bảo an toàn, người sử dụng dịch vụ phải nhận thức đúng đắn và nên cẩn trọng khi đi làm đẹp. Cụ thể, phải lựa chọn các Trung tâm làm đẹp có thương hiệu, được cấp phép; hoặc Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ của các BV uy tín, đảm bảo các yếu tố: Bác sỹ phải có bằng da liễu; chứng chỉ hành nghề; được tập huấn tiêm; thuốc tiêm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được phép của cơ quan chức năng. Trong trường hợp bị biến chứng, các cơ sở này cũng sẽ có dụng cụ, trang thiết bị, thuốc để xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra” – Bác sỹ Phạm Cao Kiêm khuyến cáo./.