Nam thanh niên 17 tuổi được trả lại ngón tay nguyên vẹn với kỹ thuật chuyển ghép da lần đầu tiên được áp dụng

(PLVN) - Bị máy ép giấy lột toàn bộ phần da của ngón tay cái, nam thanh niên 17 tuổi được phẫu thuật ghép da, với kỹ thuật chuyển da mô mềm, không có xương.
Bàn tay của bệnh nhân T. khi được cấy ghép da.
Bàn tay của bệnh nhân T. khi được cấy ghép da.

Bệnh nhân tên T. 17 tuổi, có địa chỉ tại Văn Giang, Hưng Yên, là công nhân của một xí nghiệp sản xuất giấy. Ngày 3/9, trong quá trình điều chỉnh máy ép giấy, da ngón tay cái bệnh nhân bị cuốn vào máy, lột hết toàn bộ phần da của ngón tay, bao gồm cả mạch máu thần kinh gây dập nát, chỉ còn lại xương và gân.

Bệnh nhân T. nhập viện tại Khoa Tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong tình trạng da ngón tay cái lột toàn bộ chỉ còn gân xương, tỉnh táo. Ngay sau đó, bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành chăm sóc vết thương, kháng sinh và thuốc giảm đau để tránh để xương, gân bị hoạt tử.

Bàn tay bệnh nhân T. sau khi được cấy ghép da hoàn chỉnh.
 Bàn tay bệnh nhân T. sau khi được cấy ghép da hoàn chỉnh.

Tiếp đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chuyển da tự thân cho bệnh nhân bằng cách sử dụng toàn bộ da mô mềm, mạch máu thần kinh và móng của ngón chân cái để lắp vào ngón tay cái. Vì cấu tạo của ngón chân cái tương đồng với ngón tay cái. Phần da lột ngón tay không thể sử dụng do dập nát.

10 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân T. được các bác sĩ cho tiến hành tập luyện các bài tập cử động cơ bản để phục hồi chức năng của ngón tay.

Bệnh nhân tập luyện sau khi được ghép da.

Sau hơn 1 tháng tiến hành chuyển ghép, với sự nỗ lực tập luyện, ngón tay phải của bệnh nhân đã phục hồi chức năng cơ bản, có thể cử động như người bình thường. Bệnh nhân vẫn được băng bó để giúp ngón tay bé lại tương ưng với hình dáng của bàn tay.

Bệnh nhân T. chia sẻ: “Sau 2 tuần chuyển da thì tay mình đã hoạt động được bình thường. Đến bây giờ tất cả những đồ vật mình đều có thể cầm, nắm được, cũng có thể chơi game được. Nhưng lại chưa có cảm giác đau vì chưa phục hồi hoàn toàn dây thần kinh đau. Sau hôm nay, khi về nhà mình sẽ tập luyện thêm để ngón tay có thể cử động linh hoạt hơn nữa".

Hàng ngày, bênh nhân đều được bác sĩ kiểm tra các cử động tay thường xuyên.
 Hàng ngày, bênh nhân đều được bác sĩ kiểm tra các cử động tay thường xuyên.

Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, người trực tiếp tiến hành ca phẫu thuật cho biết: “Ngón tay cái chiếm 50 % chức năng của toàn bộ bàn tay. Nếu không có ngón tay cái, bàn tay sẽ không thể thực hiện các chức năng của mình. Chính vì vậy, sau khi tiếp nhận ca bệnh, chúng tôi đã quyết định sử dụng toàn bộ phần mềm ngón chân cái của bệnh nhân để chuyển vào ngón tay cái. Bệnh nhân còn rất trẻ nên việc ưu tiên phục hồi cấu tạo và chức năng ngón tay cái rất quan trọng. Bởi tay phải là tay thuận của bệnh nhân”.

"Đây là ca phẫu thuật chuyển da tự thân đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện, dưới hình thức chuyển da mô mềm, mạch máu thần kinh và gân, không có xương. Tại Việt Nam, chúng tôi chưa thấy có tác giả nào báo cáo", bác sĩ Hoàng cũng cho biết thêm.

Bệnh nhân chụp ảnh lưu niệm với bác sĩ trước khi xuất viện.
 Bệnh nhân chụp ảnh lưu niệm với bác sĩ trước khi xuất viện.

Được biết, trong khoảng 20 năm trở lại đây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận nhiều trường hợp ca bệnh tương tự và có rất nhiều phương pháp xử lý khác nhau như nuôi chuyển da bụng, sử dụng vạt vi phẫu (nối mạch máu thần kinh bằng kính hiển vi),… Tuy nhiên, kỹ thuật ghép da mô từ ngón chân để chuyển vào ngón tay để được coi là tối ưu nhất.

Ngoài ra, trong trường hợp gặp nạn nhân bị tai nạn tương tự,các bác sĩ khuyến cáo: Nếu phần da bị cắt lìa còn nguyên vẹn, nên rửa qua nước muối để khử trùng, cho vào băng gạt và túi nilon. Sau đó, buộc kín bỏ vào thùng nước đá ở nhiệt độ 4-5 độ C.

Tránh để phần da bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá, vì nếu để lâu có thể gây bỏng lạnh. Đồng thời, cần bảo quản đúng cách trong giới hạn 6 giờ thì khi nối lại có tỷ lệ thành công cao và phục hồi các chức năng sau nối tốt hơn.

Đọc thêm