Nam thanh niên phải cắt bỏ tinh hoàn vì đến bệnh viện muộn

(PLVN) - Mới đây, các bác sĩ khoa Ngoại Thận – Tiết Niệu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phải phẫu thuật cắt bỏ một tinh hoàn của bệnh nhân do xoắn hoại tử đến bệnh viện muộn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bệnh nhân nam P. T. Đ., 17 tuổi, địa chỉ tại Cái Răng – Cần Thơ, khởi phát với tình trạng đau bụng đến bệnh viện gần nhà khám và được kê toa thuốc uống, nhưng không giảm. Đến ngày thứ hai bệnh nhân thấy sưng đau tinh hoàn trái ngày càng nhiều nên tiếp tục đến khám một bác sĩ tư được hướng dẫn đến BVĐKTƯ CT điều trị.

Ngày 9/10/2020, khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân với tình trạng đau nhiều, sưng nề, ấn đau bìu trái. Kết quả siêu âm Doppler ghi nhận bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn trái, sau đó bác sĩ đã hội chẩn khẩn cấp tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ê-kíp phẫu thuật đã thực hiện bộc lộ tinh hoàn thấy bị hoại tử đen, tháo xoắn 02 vòng, đắp gạc ấm nhưng không hồi phục nên quyết định cột bó mạch thừng tinh, cắt tinh hoàn, khâu và cố định tinh hoàn. Phẫu thuật diễn ra trong 60 phút.

Tinh hoàn của bệnh nhân sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Ảnh: BVCC
Tinh hoàn của bệnh nhân sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Ảnh: BVCC 

Theo BS.CK2 Nguyễn Phước Lộc, Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, xoắn tinh hoàn là một cấp cứu niệu khoa thường gặp ở người trẻ. Đây là tình trạng thừng tinh bị xoắn quanh trục của nó làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn, dẫn đến phù nề, sung huyết và hoại tử tinh hoàn. Do đó, nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời (trong vòng 4-6h kể từ khi tinh hoàn bị xoắn) thì tinh hoàn sẽ bị nhồi máu, hoại tử và đây là nguyên nhân dẫn đến cắt bỏ tinh hoàn.

Bệnh cảnh lâm sàng là đau và sưng bìu xảy ra một cách đột ngột hay gặp trong tất cả các trường hợp. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp từ 13 đến 25 tuổi.

Triệu chứng điển hình là đau bìu xuất hiện đột ngột, dữ dội ở tinh hoàn, kèm theo bìu sưng, đỏ. Đôi khi đau bụng dưới kèm theo ói mửa, do đó trên bệnh nhân này đi khám với lý do là đau bụng nên dễ chẩn đoán nhầm với đau bụng do rối loạn tiêu hóa thông thường.

Cho đến khi tinh hoàn bên trái đau, sưng đỏ bệnh nhân mới đi khám tiếp nơi khác và triệu chứng này cũng rất dễ nhầmvới bệnh lý rất thường gặp là viêm tinh hoàn. Chính vì vậy, đa số bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn đến bệnh viện trễ và hậu quả là không giữ được tinh hoàn.

Việc chẩn đoán xác định xoắn tinh hoàn tại các cơ sở y tế ban đầu nhiều khi rất khó, nên tỉ lệ điều trị bảo tồn tinh hoàn rất thấp và có thể gây nguy cơ vô sinh về sau. Chính vì vậy, khi bệnh có triệu chứng sưng đau vùng bìu nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị sớm.

Đọc thêm