Ngành y tế ĐBSCL 'đỏ mắt' tìm nhân lực

(PLO) - Nguồn nhân lực y tế khan hiếm đang là vấn đề “đau đầu” của ngành y tế các địa phương khu vực ĐBSCL. Theo đó, nhân lực các ngành hiếm cũng phải “đỏ mắt” đi tìm. 
Nguồn nhân lực y tế khan hiếm đang là vấn đề “đau đầu” của ngành y tế các địa phương khu vực ĐBSCL.
Nguồn nhân lực y tế khan hiếm đang là vấn đề “đau đầu” của ngành y tế các địa phương khu vực ĐBSCL.

Ngày 7/8, tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị Đào tạo nhân lực y tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mở rộng năm 2018. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo UBND, Sở Y tế, Sở Nội vụ các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

“Đỏ mắt” tìm nhân lực các ngành hiếm.

PGS.TS Trần Viết An, Trưởng Phòng đào tạo nhân lực, Trường ĐH Y dược Cần Thơ cho biết, Trường được Chính phủ giao hoạt động tự chủ về đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, tổ chức bộ máy nhân sự và nhiều lĩnh vực khác.

Để góp phần giải quyết vấn đề nhân lực, các trường đã áp dụng loại hình đào tạo theo địa chỉ sử dụng để “gỡ khó” cho ngành y tế các địa phương. Được biết, trong năm học 2018 có 493 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp theo địa chỉ sử dụng, đạt 96,2%. Trong đó, 77,5% sinh viên tốt nghiệp loại khá và giỏi. Từ đó, thấy được chất lượng đào tạo theo địa chỉ sử dụng cao nguồn nhân lực không lớn nhưng đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao trong tỉnh, đảm bảo cho các tuyến, các chuyên khoa đặc biệt ở các tuyến khó khăn, các chuyên khoa khó tuyển.  

Mặc dù vậy, nhưng khả năng đào tạo và chỉ tiêu của trường đưa ra cũng chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, các tỉnh ĐBSCL có nhu cầu gần 2.000 bác sĩ, dược sĩ. Ước tính đến năm 2020 sẽ có 9 bác sĩ, 2 dược sĩ/ 1 vạn dân, trung bình mỗi năm tăng 0,4 bác sĩ và 0,25 dược sĩ/vạn dân

Nguồn nhân lực y tế các tỉnh ĐBSCL đang thiếu trầm trọng, các chuyên ngành hiếm lại càng ít ỏi, phải “đỏ mắt” đi tìm. Nhu cầu đào tạo 5 chuyên ngành khan hiếm của 13 tỉnh trong vùng ĐBSCL trung bình khoảng 250 bác sĩ/năm. Trong đó ngành có nhu cầu cao là Lao, ngành có nhu cầu thấp hơn là giải phẫu bệnh về pháp y.

Hiện nay, 13 tỉnh ĐBSCL đều có 13 trung tâm pháp y, nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành pháp y còn lại là bác sĩ chuyên khoa khác. Mặc dù 8 bệnh viện Lao và Phổi các tỉnh đi vào hoạt động từ lâu nhưng số bác sĩ chuyên ngành rất ít, nhiều tỉnh có trung bình 1-5 bác sĩ. Phần lớn các tỉnh không đủ nhân lực bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh để phục vụ chuyên ngành ung bướu của bệnh viện tỉnh.

Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là tỉnh sau cùng tách ra 2 bệnh viện chuyên khoa Tâm thần và Lao phổi. Hiện tại đây là 2  khoa của bệnh viện tỉnh. Tỉnh đã xây dựng xong 2 bệnh viện nói trên tuy nhiên nguồn nhân lực hiện tại lại rất ít. Số sinh viên đào tạo ngành hiếm lại chưa ra trường, các sinh viên y đa khoa thì từ chối không chịu về.

Tương tự, BS Nguyễn Minh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu cho biết, đầu năm tới, tỉnh sẽ đưa hoạt động Bệnh viện Lao Tâm thần tuy nhiên nguồn nhân lực các chuyên khoa này lại đang rất hiếm. Theo đó, ông Tùng đề nghị “Trường cần tăng thêm các chuyên khoa này để đáp ứng nhu cầu của tỉnh, đặc biệt là chuyên ngành giám định pháp y”.

Ngành y tế các tỉnh đều mong muốn trường ĐH Y dược Cần Thơ tăng số lượng chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng để đáp ứng nhu cầu của địa phương. Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, hiện nay tình hình bệnh tật và người dân đến các bệnh viện ngày càng đông. Y tế hiện nay còn rất khó khăn. Nhiều bệnh viện quá tải. Nguồn nhân lực chăm sóc đáp ứng nhu cầu người dân nhiều nơi không đủ. Trường cần nghiên cứu tăng thêm, xin thêm các chỉ tiêu để các tỉnh ĐBSCL đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Đồng thời giúp các địa phương giải quyết vấn đề “khó” về nhân lực.

Người mới chưa có…người cũ đã “dứt áo ra đi”.

Mặc dù tình trạng nguồn nhân lực khan hiếm, chỉ tiêu đào tạo tại các trường thấp nhưng trước đó tại các tỉnh khu vực ĐBSCL lại xảy ra tình trạng nhiều bác sĩ nghỉ việc hoặc các địa phương có nhiều chế độ ưu đãi thu hút nguồn nhân lực nhưng các bác sĩ, dược sĩ lại không chịu về.

Theo số liệu của bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long, năm 2017 có 6 bác sĩ được giải quyết cho nghỉ việc theo nguyện vọng. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, có 7 bác sĩ đã nghỉ, ngoài ra còn 11 trường hợp đang nộp đơn xin nghỉ. Nhân lực bệnh viện chỉ còn khoảng 140 bác sĩ nhưng hàng ngày phải điều trị ngoại trú cho khoảng 1.000 bệnh nhân và 600 trường hợp nằm viện. Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, trong năm qua có 19 y, bác sĩ ở các cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc. Trong đó có cả lãnh đạo phòng, khoa và trung tâm y tế. Hiện nay, các cơ sở y tế công đang thiếu hụt khoảng 300 y, bác sĩ

Tại Cà Mau, chỉ tính riêng năm 2016 và 2017, ngành y tế tỉnh có 74 bác sĩ, dược sĩ bỏ việc, hoặc tự ý nghỉ việc. Tập trung nhiều nhất tại những cơ sở y tế tuyến đầu của tỉnh.

Tương tự, ở Kiên Giang, từ đầu năm 2018 đến nay, ngành y tế Kiên Giang đã phải giải quyết cho 6 bác sĩ, 1 dược sĩ cao cấp và 1 thạc sĩ xin ra khỏi cơ sở y tế công lập. Trong các tỉnh có thể nói, Kiên Giang là một trong những địa phương có tình trạng dịch chuyển nhân sự ngành y tế từ “công” sang “tư” đáng quan ngại nhất. Từ năm 2001 đến nay, toàn ngành y tế Kiên Giang có 78 người trình độ từ đại học trở lên xin ra khỏi cơ sở công lập hoặc ra khỏi tỉnh Kiên Giang. Những năm gần đây, số người xin đi ngày một tăng, năm 2016 là 15 người, năm 2017 là 19 người. 

Để thu hút nguồn nhân lực, địa phương đã có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút người tài nhưng hiệu quả không cao. Được biết, tại Kiên Giang từ tháng 7/2017, tỉnh đã thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế đối với những thầy thuốc có trình độ từ bác sĩ đa khoa trở lên được đào tạo chính quy, cam kết làm việc tại tỉnh từ 5 năm trở lên sẽ được hỗ trợ một lần 150 triệu đồng. Nếu làm việc tại tuyến cơ sở, vùng khó khăn còn được hỗ trợ nhà ở công vụ, hoặc hỗ trợ chi phí thuê nhà. 

Đối với những sinh viên ngành y có hộ khẩu thường trú tại Kiên Giang sắp ra trường có nguyện vọng phục vụ cho tỉnh sẽ được hỗ trợ hai năm học cuối khóa, mỗi năm 20 triệu đồng. Đối với bác sĩ đào tạo chính quy theo địa chỉ sử dụng của các chuyên ngành hiếm, hoặc bác sĩ đa khoa đào tạo chính quy theo địa chỉ sử dụng nếu cam kết làm việc từ 5 năm, phục vụ đúng chuyên ngành hiếm thì được hỗ trợ một lần 100 triệu đồng.

Dù có nhiều chính sách và biện pháp giải quyết vấn đề này  nhưng “khát” nhân lực nguồn y tế vẫn là vấn đề nan giải của các tỉnh ĐBSCL./.

Đọc thêm