Nghi vấn siêu âm sai khiến bé trai tử vong

(PLO) - Một bé sơ sinh vừa chào đời đã tử vong khiến người nhà sản phụ vô cùng bức xúc. Điều đáng nói, kết quả siêu âm trước sinh của thai nhi là 3,7kg nhưng thực tế sau sinh bé trai cân nặng 4,5kg. Như vậy, có thể do không lường được thai nhi có trọng lượng lớn dẫn đến biến chứng.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, nơi xảy ra vụ việc.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, nơi xảy ra vụ việc.

Người nhà tố bác sĩ tắc trách

Theo anh Dương Đức Việt (ngụ tổ 2, phường Duy Tân, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum), khoảng 20h tối ngày 9/11, anh đưa vợ là chị Nguyễn Thị Hồng Linh (27 tuổi) đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum nhập viện với chẩn đoán: chuyển dạ 3, đủ tháng ngôi đầu, chuyển dạ tiềm thời (là giai đoạn chuẩn bị cổ tử cung và ngôi thai).

Anh Việt kể: “Sau khi đưa vợ tôi đến bệnh viện, thấy sức khỏe của vợ yếu, gia đình có yêu cầu bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà là người phụ trách ca hộ sinh mổ đẻ cho vợ tôi. Tuy nhiên, bác sĩ Hà cho rằng do trước đây vợ tôi sinh thường nên không cần mổ. Ngoài ra, không hề có bất kỳ một lời tư vấn lựa chọn cách thức sinh sản cho sản phụ hay trấn an gia đình”.

Đến 2h sáng ngày 11/11, anh Việt gặp bác sĩ Hà và đề nghị bác sĩ này xem hồ sơ bệnh án vì anh thấy vợ sức khỏe yếu. Tuy nhiên bác sĩ Hà không đồng ý và còn nói những lời khó nghe.

“Khoảng gần 4h ngày 11/11, có một nữ y tá đỡ đẻ cho vợ tôi, một lúc sau đó thì có thêm một y tá nữa đến. Hơn 1 giờ đồng hồ sau, y tá bế con tôi ra và nói cháu đã tử vong. Sự việc trên khiến tôi vô cùng đau lòng, bức xúc.

Gia đình cảm thấy bác sĩ thiếu trách nhiệm, không quan tâm đến sản phụ mới để xảy ra sự việc như thế này. Chúng tôi đã làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng làm rõ việc con tôi vừa chào đời đã mất”, anh Việt bức xúc nói.

Theo hồ sơ bệnh án, các bác sĩ theo dõi chuyển dạ tới 4h20 phút ngày 11/11, sản phụ Linh sinh thường 1 bé trai ngạt trắng. Các bác sĩ đã tiến hành bóp bóng hồi sức sau 45 phút nhưng không hiệu quả. Cháu bé tử vong vào lúc 5h5 cùng ngày. Ca trực lúc đó gồm bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng ca trực, cùng các nữ hộ sinh tên Thùy, Hưng, Bích.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, bác sĩ Nguyễn Duy Khánh - Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum - thừa nhận do phía bệnh viện sai sót mới dẫn đến sự việc đáng tiếc trên. 

Siêu âm 3,7kg, thực tế 4,5kg

Sau khi sự việc xảy ra, Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã tiến hành họp và xác định nguyên nhân dẫn đến việc cháu bé tử vong. Theo đó, nguyên nhân tử vong sơ sinh là ngạt trắng do thai lớn gây biến chứng kẹt vai khi sinh.

Đa số ý kiến thành viên Hội đồng chuyên môn của bệnh viện cho rằng, việc bác sĩ phiên trực lựa chọn phương pháp để sản phụ Linh đẻ đường dưới là phù hợp, vì sản phụ đã qua hai lần sinh (lần một thai nặng 3.200gr, lần hai 3.500gr) và đều sinh dễ dàng.

Bác sĩ Nguyễn Duy Khánh (đeo kính) làm việc với người nhà sản phụ Linh.
Bác sĩ Nguyễn Duy Khánh (đeo kính) làm việc với người nhà sản phụ Linh.

Trong lần sinh này, kết quả siêu âm trước sinh của thai nhi là 3,7kg. Tuy nhiên, trong khi thực tế sau sinh bé trai cân nặng 4,5kg. Như vậy, do sai số trong quá trình siêu âm, không lường được thai nhi có trọng lượng lớn dẫn đến biến chứng đáng tiếc. Toàn bộ kíp trực đã rất cố gắng để cứu bé sơ sinh nhưng thất bại và chỉ đảm bảo được an toàn cho người mẹ.

Bên cạnh đó, dựa trên các bản tường trình của kíp trực, Hội đồng chuyên môn của bệnh viện cũng kết luận: quy trình đón tiếp bệnh nhân là đúng và đầy đủ các quy định; quá trình thăm khám, chẩn đoán phù hợp, kịp thời đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; quá trình theo dõi diễn biến cuộc chuyển dạ, kết hợp với tiền sử sản khoa, cân nặng thai nhi trên siêu âm để quyết định theo dõi sinh đường âm đạo là phù hợp về chuyên môn.

Khi xảy ra sự cố kẹt vai, kíp trực đã xử lý bằng các kỹ thuật đúng quy trình chuyên môn để đưa thai nhi ra mà không gây thêm các biến chứng cho sản phụ. Bác sĩ và nhân viên kíp trực còn chưa dành nhiều thời gian để tư vấn giải thích cho người nhà hiểu rõ những nguy cơ có thể xảy ra trong tình huống thai nhi lớn.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Võ Văn Thanh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, cho biết: “Trường hợp này là một mất mát rất lớn của gia đình, để lại cho đội ngũ y, bác sĩ những trăn trở cũng rất nặng nề. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải kiểm tra lại tất cả các quy trình. Từ khâu tiếp đón, tư vấn và các khâu khám làm sao cho tỉ mỉ và chính xác hơn.

Đặc biệt, vai trò của người đứng đầu khoa ở đây luôn luôn phải quán xuyến công tác chuyên môn thật sự chặt chẽ, để làm sao khi có phương án xử lý sinh hay mổ đều có sự chuẩn bị tốt nhất nhằm hạn chế được tai biến xảy ra”.

Đọc thêm