Nghịch lý 35.000 quả thận được hiến tặng bị vứt bỏ mỗi năm

(PLVN) - Nghiên cứu mới của tạp chí JAMA Internal Medicine mới đây chia sẻ, hiện tại có tận 93.000 người ở Mỹ đang nằm trong danh sách chờ được hiến thận, nhưng trong khi đó, ít nhất tới 35.000 quả thận được hiến tặng lại bị bỏ đi mỗi năm. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo hãng tin CNN, hơn 37 triệu người Mỹ mắc bệnh thận mãn tính và khoảng 5.000 người chết mỗi năm trong danh sách chờ được hiến thận, tương đương 12 người chết mỗi ngày. Bệnh thận trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 9 ở Mỹ.

Cũng trong nghiên cứu tạp chí JAMA Internal Medicine được công bố hồi tuần qua, các nhà nghiên cứu đã xem xét số người chết đồng ý hiến thận từ năm 2004-2014. Theo đó trong 10 năm qua, có 156.089 quả thận đã được hiến tặng, 128.102 đã được cấy ghép, nhưng lại có tới 27.987 bị vứt bỏ. Điều đó có nghĩa hơn 17% số lượng thận được hiến ở Mỹ đã bị đem bỏ lãng phí. Các năm về sau, số thận bị vứt đã tăng lên. Năm 2016, 3.631 quả thận được hiến (khoảng 20%) đã bị vứt bỏ- các nhà nghiên cứu cho biết.

Truy tìm nguyên nhân, các tác giả nghiên cứu cho rằng vấn đề bỏ thận hiến tặng ở Mỹ có lẽ xuất phát từ tình trạng giám sát quá chặt chẽ các chương trình cấy ghép ở Mỹ, khiến các trung tâm cấy ghép có thể không thích rủi ro khi dùng nội tạng không ở trạng thái tốt nhất. Đã có các hướng dẫn, nhưng không có phương pháp được áp dụng phổ biến để xác định thận nào sẽ được ghép và thận nào sẽ bị loại bỏ. Do đó quyết định sử dụng hay bỏ đi các quả thận được hiến tặng có phần mang tính chủ quan.

Vấn đề tài chính cũng khiến thận hiến tặng bị loại, bởi một quả thận từ người hiến lớn tuổi hoặc người có bệnh không liên quan đến thận sẽ có chi phí cấy ghép cao  hơn, do bệnh nhân phải nằm viện lâu hơn và mất nhiều thời gian để hồi phục. 

Đem so sánh với Pháp, tỷ lệ thận hỏng tại Mỹ cao hơn nhiều. Chỉ có 9% số thận được hiến tặng ở Pháp bị loại trong cùng giai đoạn nghiên cứu, do bác sĩ sẵn sàng dùng thận của người cao tuổi hoặc bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp, để ghép cho người khác. Trưởng nhóm nghiên cứu Alexandre Loupy cho rằng: “Dù nguy cơ thất bại khi cấy ghép thận của những người hiến tặng lớn tuổi là cao hơn nhưng nhìn chung những bệnh nhân được cấy ghép tại Pháp đã duy trì được cuộc sống lâu hơn với chất lượng cuộc sống tốt hơn khi bệnh tật. Ngược lại, giới chức y tế Mỹ  vẫn tỏ ra thận trọng trong việc lựa chọn thận cấy ghép”.

Trước sự lãng phí này, trong nhiều năm qua, các tổ chức vận động thận cấy ghép đã kêu gọi chính phủ thay đổi các tiêu chuẩn để xác định một quả thận hiến tặng nên được ghép hay loại bỏ. Các chuyên gia cũng đề cập tới việc, các nước châu Âu nên dùng những quả thận được hiến tặng bởi người cao tuổi để ghép cho bệnh nhân cao tuổi khác, thay vì loại bỏ.

Theo Tổ chức National Kidney Foundation, một nhóm các chuyên gia cấy ghép đã xem xét các quả thận bị bỏ trong năm 2016 vì được cho là không phù hợp để cấy ghép. Kết quả xem xét lại cho thấy có đến 50% trong số này có thể được dùng để cấy ghép. Có thể thấy, việc thiếu nội tạng cho bệnh nhân suy thận là một vấn đề lớn của ngành Y tế Mỹ. Trước thực trạng này hồi tháng 7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh cải thiện chăm sóc các bệnh nhân thận và tăng gấp đôi số ca được cấy ghép từ nay tới năm 2030. 

Đọc thêm