Nghiên cứu gây chấn động: Sữa bột thay đổi hệ miễn dịch

(PLO) - Tác dụng của sữa mẹ đối với sức khỏe của trẻ là điều từ lâu đã được chứng minh. Mới đây, các nhà khoa học tại trường Đại học California của Mỹ tiếp tục góp một tiếng nói khoa học nữa khẳng định lập luận này trong một công trình nghiên cứu về tác dụng của sữa mẹ đối với hệ miễn dịch ở loài khỉ nâu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kết quả của nghiên cứu có tên “Sữa bột thay đổi hệ miễn dịch ở khỉ mới sinh” được đăng tải trên tạp chí Futurity – tạp chí chuyên đăng tải các bản tin nghiên cứu từ các trường đại học hàng đầu thế giới - cho rằng những chú khỉ nâu mới sinh được nuôi bằng sữa mẹ phát triển hệ miễn dịch khác với những chú khỉ được nuôi bằng sữa công thức.

Những điểm khác biệt ở 6 tháng

Trong nghiên cứu trước đó, nhóm các nhà khoa học ở trường Đại học California đã nhận thấy mối quan hệ giữa sữa mẹ, vi sinh vật và sự phát triển của hệ miễn dịch. 

Ví dụ, các loại đường có trong sữa mẹ giúp phát triển các vi sinh vật cụ thể hỗ trợ các tế bào miễn dịch nhất định. Nghiên cứu mới của họ, được đăng tải lần đầu tiên trên trang Science Translational Medicine, là một bước đi quan trọng nhằm xác định những yếu tố riêng biệt sữa mẹ, vi sinh vật và sự phát triển hệ miễn dịch đó có tác động đến nhau như thế nào và chúng có thể ảnh hưởng như thế nào đến hệ miễn dịch để đối phó với tình trạng nhiễm trùng hay vaccine.

Những chú khỉ được sinh ra hầu như không có tế bào TH17 và phải phát triển các tế bào này trong suốt 18 tháng đầu đời. Một số những chú khỉ phát triển một lượng lớn tế bào TH17 trong khi những con khác lại có ít tế bào này. Số lượng tế bào này có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng chống chọi lại tình trạng nhiễm khuẩn của những con vật, đặc biệt là SIV – một chủng virus tương tự như HIV.

Để tìm hiểu sự khác biệt này, các nhà nghiên cứu đã theo dõi 6 con khỉ được nuôi bằng sữa mẹ và 6 con bú bình từ giai đoạn 5 tháng đến 12 tháng. Đến 6 tháng, họ phát hiện những khác biệt đáng kể trong hệ vi sinh vật của 2 nhóm.

Dù đã giả định rằng các chế độ ăn khác nhau có thể thúc đẩy sự hoạt động của các loại vi khuẩn đường ruột khác nhau (vi sinh vật) nhưng khi thực hiện đánh giá cuối cùng, nhóm nghiên cứu phát hiện những chú khỉ bú sữa mẹ có nhiều tế bào “nhớ” T và tế bào giúp đỡ (TH17) – vốn là những tế bào chống chọi lại khuẩn salmonella và các mầm bệnh khác. 

Đặc biệt, những chú khỉ được nuôi bằng sữa mẹ có số lượng vi khuẩn prevotella và ruminococcus lớn hơn, trong khi nhóm khỉ nuôi bằng sữa công thức có lượng vi khuẩnlostridium lớn hơn. Nhìn chung, các vi sinh vật trong nhóm khỉ được nuôi bằng sữa mẹ đa dạng hơn nhóm được nuôi bằng sữa công thức.

Các vi khuẩn ruột

Điểm gây ngạc nhiên lớn trong nghiên cứu nói trên được phát hiện khi nhóm nghiên cứu kiểm tra hệ miễn dịch của 2 nhóm khỉ đối chiếu. Cụ thể, khi đến độ tuổi 12 tháng, 2 nhóm khỉ đã cho thấy sự đối lập đáng kể, trong đó sự khác biệt tập trung ở sự phát triển tế bào T. Nhóm bú mẹ có tỉ lệ tế bào T vốn giúp kích thích việc tiết ra các chất bảo vệ hệ miễn dịch được gọi là cytokines trong đó bao gồm tế bào TH17 và tế bào sản sinh interferon lớn hơn. 

Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy những sự khác biệt nói trên tồn tại trong nhiều tháng sau khi những chú khỉ đã được cai sữa và được áp dụng chế độ ăn giống hệt khỉ được cho bú bình với sữa công thức từ khi mới được sinh ra, cho thấy sự khác biệt ở chế độ ăn ở giai đoạn đầu có thể có ảnh hưởng lâu dài. 

“Chúng tôi nhận thấy sự phát triển hệ miễn dịch khác nhau giữa những con thú được cho bú sữa mẹ và những con thú được cho nuôi bằng sữa công thức. Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là tính bền vững của những khác biệt này” – ông Dennis Hartigan-O’Connor, giáo sư về miễn dịch học và vi sinh học y khoa ở trưởng Đại học California, đồng thời là một nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu linh trưởng quốc gia California, cho hay.

Còn ông Amir Ardeshir – đồng tác giả nghiên cứu – thì nói rằng đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu chứng minh rằng những đặc tính miễn dịch học đó có thể được định hình trong những tháng đầu đời. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng vi khuẩn ruột hiện diện ở đầu đời có thể có tác động lâu dài trong việc định hình khả năng của hệ miễn dịch về sau” – ông Ardeshir nói.

Nhóm nghiên cứu cho rằng các nghiên cứu sâu hơn có thể giúp nhận dạng được các chất đưa đến những khác biệt này. Ví dụ, axit arachidonic – chất kích thích việc sản sinh các tế bào TH17 và được phát hiện những chú khỉ được nuôi bằng sữa mẹ - có mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển của tế bào TH17. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những kết quả đã được kiểm nghiệm

Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả của công trình trên đã gợi mở khá nhiều về sự phát triển tế bào miễn dịch ở khỉ. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng để xác định được liệu các cơ chế tương tự có tồn tại ở người hay không thì cần phải có các nghiên cứu lâm sàng tương tự, với quy mô lớn hơn để làm rõ. 

Mặc dù vậy nhưng tác dụng của sữa mẹ đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ là điều đã được làm rõ trong nhiều nghiên cứu trước đây. Nghiên cứu được đăng tải trên trang web của Viện y tế quốc gia Mỹ khẳng định so với trẻ được bú sữa mẹ, trẻ phải uống sữa công thức đối mặt với rủi ro mắc các bệnh truyền nhiễm cao hơn trong 1 năm đầu đời. 

Nguyên nhân của khác biệt này được giải thích bằng các yếu tố miễn dịch đặc hiệu và bẩm sinh có trong sữa người. Ví dụ, các tế bào huyết tương trong ruột và phế quản của người mẹ di chuyển tới các tế bào biểu mô ở tuyến vú và sản xuất các kháng thể IgA riêng biệt với các kháng nguyên trong môi trường xung quanh, tạo sự bảo vệ chống lại các tác nhân trong môi trường xung quanh người mẹ. Các IgA bảo vệ này sẽ theo sữa mẹ được chuyển sang cho em bé. 

Thêm vào đó, các yếu tố miễn dịch bẩm sinh trong sữa mẹ cũng có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm như các bệnh hô hấp thông thường hay các mầm bệnh về đường ruột như tả, E. coli và rotavirus… Sữa mẹ cũng được chứng minh giảm tỉ lệ trẻ tử vong do suy dinh dưỡng, giảm tỉ lệ trẻ thừa cân hoặc béo phì…

Mới đây hơn, năm 2015, tờ The Guardian dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Brazil cho biết, trẻ được bú sữa mẹ có nhiều khả năng phát triển thành những người trưởng thành được giáo dục tốt và có thu nhập tốt hơn. 

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã theo dõi gần 6.000 trẻ được sinh trong vòng 3 thập kỷ qua để lần đầu tiên đưa ra được kết luận về những tác dụng lâu dài của việc cho trẻ bú sữa mẹ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người được bú sữa mẹ đã được chứng minh là thông minh hơn, học tốt hơn và kiếm được nhiều tiền hơn những người không được bú sữa mẹ. Cũng theo nghiên cứu, quãng thời gian được bú sữa mẹ càng dài, đứa trẻ khi lớn lên càng có xu hướng giỏi giang hơn. 

Theo Tổ chức y tế thế giới, 2 năm đầu tiên là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong cuộc đời của một đứa trẻ và một chế độ dinh dưỡng tối ưu trong giai đoạn này sẽ cải thiện tỉ lệ sống, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh. 

WHO khuyến cáo các bà mẹ cho con bú trong vòng 1 tiếng sau khi sinh và cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên. Từ 6 tháng trở đi có thể cho trẻ ăn các thức ăn bổ sung kết hợp với việc tiếp tục cho trẻ bú đến 2 tuổi hoặc hơn. 

Việc cho trẻ bú sữa mẹ cũng rất tốt cho sức khỏe người mẹ, giảm nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư vú, cũng như giúp người mẹ ngừa thai một cách tự nhiên trong 6 tháng đầu sau sinh dù tỉ lệ ngừa thai không đạt tuyệt đối.