Nghiên cứu tạo bé gái Trung Quốc chỉnh sửa gen bị phản đối quyết liệt

(PLO) - Vụ một nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố đã tạo ra được hai em bé chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới đã bị các nhà khoa học ngay tại Trung Quốc và trên thế giới đồng loạt lên án, xem đây là một hành động “trái với đạo lý” và “nguy hiểm”.
Nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê tại hội nghị quốc tế ở Hồng Kông ngày 28/11/2018.
Nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê tại hội nghị quốc tế ở Hồng Kông ngày 28/11/2018.

Hôm 26/11/2018, trên mạng Youtube, bác sĩ Hạ Kiến Khuê (He Jiankui), giáo sư của Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam, thành phố Thẩm Quyến, Trung Quốc, thông báo là cách đây vài tuần, 2 em bé song sinh có gen được chỉnh sửa để miễn nhiễm virus SIDA đã chào đời.

Ông nói thêm rằng bố của 2 em bé này là một người bị nhiễm HIV. Các nhà khoa học Trung Quốc đặt tên cho 2 bé gái được chỉnh sửa gen là “Lulu" và "Nana”.

Giáo sư Hạ Kiến Khuê cho biết ông đã sử dụng kỹ thuật CRISPR-Cas9, còn gọi là kỹ thuật “cắt dán gen”, cụ thể là cắt bỏ và thay thế một phần bộ gen, giống như ta sửa lỗi đánh máy trên máy vi tính. “Lulu” và “Nana” được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm từ một phôi đã được chỉnh sửa gen trước khi được cấy vào tử cung của người mẹ. 

Thật ra thì kỹ thuật CRISPR-Cas9 đã có từ lâu, nhưng cho tới nay, chưa một nhà khoa học nào dám sử dụng trên con người, vì không ai có thể dự đoán được tác động của việc chỉnh sửa gen như vậy.

Kết quả thí nghiệm của nhóm giáo sư Hạ Kiến Khuê chưa được đăng trên một tạp chí khoa học nào, nhưng thông báo của Hạ Kiến Khuê đã gây phản ứng mạnh từ giới khoa học tại Trung Quốc, kể cả từ những đồng nghiệp của vị giáo sư này trong Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam.

Một bài báo nước ngoài ghi nhận: “Chính Hội nghiên cứu sinh học tế bào Trung Quốc là tổ chức đầu tiên lên tiếng. Trong một thông báo với những lời lẽ nghiêm khắc, hiệp hội đặt trụ sở tại Thượng Hải cho rằng cuộc thí nghiệm này là trái với các chuẩn mực đạo đức, là một hành động cá nhân nguy hiểm, giống như là vượt qua một đường dây điện cao thế. Họ yêu cầu phải trừng phạt tác giả cuộc thí nghiệm này.

Giới học giả cũng có phản ứng tương tự. Trong một bức thư ngỏ, hàng trăm nhà nghiên cứu đã lên án một dự án hoàn toàn không tuân thủ các nguyên tắc của đạo lý y sinh học và xem hành vi của bác sĩ Hạ Kiến Khuê là điên rồ. 

Nhà sinh học của Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam, thành phố Thẩm Quyến dường như cũng đã bị chính phòng thí nghiệm của ông bỏ rơi. Cựu giám đốc bệnh viện tư Harmonicare, nơi mà Hạ Kiến Khuê làm nghiên cứu, khẳng định là ông không hề ký giấy cho phép cuộc thí nghiệm. 

Vụ này cũng đã bị công luận Trung Quốc lên án. Sau khi hoan nghênh một bước tiến quan trọng của nền khoa học Trung Quốc, các mạng xã hội đã thay đổi thái độ hoàn toàn. Nhiều cư dân mạng bày tỏ lo ngại cho tình trạng sức khỏe của “Lulu” và “Nana”, hai em bé song sinh mà bác sĩ Hạ Kiến Khuê đã chỉnh sửa gen để, theo ông, giúp cho hai bé này được miễn nhiễm suốt đời với virus HIV”. 

Giới khoa học quốc tế cũng lên án mạnh mẽ hành động của giáo sư Hạ Kiến Khuê. Tiến sĩ Sarah Chan, thuộc đại học Edimbourg, cho rằng thí nghiệm này gây ra “những lo ngại nghiêm trọng về đạo lý”. Theo bà, việc giáo sư Hạ Kiến Khuê dường như cố tình thông báo kết quả thí nghiệm để gây ra tranh cãi là một hành động “vô trách nhiệm”. 

Hơn nữa, theo lời giáo sư Dusko Ilic, một nhà nghiên cứu thuộc đại học King’s College, Luân Đôn, thí nghiệm của Hạ Kiến Khuê là hoàn toàn “vô ích”, bởi vì khi một người nhiễm HIV mà được điều trị đúng cách thì nguy cơ lây nhiễm cho em bé hầu như không có. Mặt khác, khả năng miễn nhiễm HIV nhờ chỉnh sửa gen “dường như không phải tuyệt đối”.

Sau đó, tại Hồng Kông hôm 28/11/2018, nhân một hội nghị quốc tế về bộ gen, giáo sư Hạ Kiến Khuê đã biện minh cho thí nghiệm của ông và tuyên bố ngưng thí nghiệm. Nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết đã có tổng cộng 8 cặp, toàn bộ đều có người cha bị nhiễm HIV, tình nguyện tham gia cuộc thí nghiệm của ông; nhưng có một cặp giờ chót đã đổi ý, xin rút ra. Ông Hạ Kiến Khuê khẳng định là các cặp bố mẹ tham gia thí nghiệm đều ý thức được những nguy cơ của việc chỉnh sửa gen.

Ông cũng nhắc đến một cặp thứ hai lẽ ra cũng đã sinh con đổi gen, và như vậy gián tiếp nhìn nhận là người mẹ đã bị sẩy thai rất sớm. Ông Hạ Kiến Khuê thú nhận rằng trường Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam không hay biết gì về thí nghiệm của ông. Trước làn sóng phản đối của giới khoa học trong và ngoài nước, nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố tạm ngưng cuộc thí nghiệm này.

Theo một đánh giá, Trung Quốc hiện đang muốn chiếm vị trí hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu gen và nhân bản, nhưng luật của nước này còn rất nhiều lỗ hổng, cho nên mới có những thí nghiệm gây tranh cãi như của ông Hạ Kiến Khuê.

Đọc thêm