Ngộ độc rượu: Hãi hùng khi ai cũng có thể là 'dược sỹ'

(PLO) -  Theo TS. Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương: Hiện nay có tình trạng rất nguy hiểm đó là, ai cũng có thể là dược sỹ. Họ sử dụng các con vật để ngâm rượu, con này tốt lắm, con này bổ lắm. Trong khi đó, hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Ngộ độc rượu: Hãi hùng khi ai cũng có thể là 'dược sỹ'

Sáng 23/3, tại Hà Nội, thực hiện Công điện của Chính phủ Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam đã tổ chức buổi Toạ đàm “Ngộ độc rượu methanol, thực trạng và giải pháp”. Toạ đàm thu hút được nhiều cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan báo chí, đông đảo khách mời từ các Sở, Ban ngành cho thấy đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây.

Tham dự buổi toạ đàm có đàm có Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế; Đại diện Vụ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương; Đại diện Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai; Đại học Y Hà Nội; Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội; Đại diện các doanh nghiệp sản xuất bia rượu và Đại diện các Sở Công Thương các tỉnh thành Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên...

PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam cho biết: “Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất rượu có cồn đã vào cuộc mạnh mẽ trong việc  truyền thông, khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng rượu bia một cách có trách nhiệm. Tuy nhiên việc làm dụng rượu và ngộ độc rượu có chứa methanol có nhiều diễn biến phức tạp. Buổi toạ đàm sẽ làm rõ tính độc hại của rượu có chứa methanol vượt tiêu chuẩn quy định, những hệ luỵ của nó đối với sức khoẻ và kinh tế”.

Buổi toạ đàm về ngộ độc rượu methanol thu hút được nhiều cơ quan liên quan tham dự.
Buổi toạ đàm về ngộ độc rượu methanol thu hút được nhiều cơ quan liên quan tham dự.

TS. Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương đã nêu rõ những quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm & sản xuất và kinh doanh rượu. Bên cạnh đó, methanol, cồn công nghiệp hiện tại VN chưa thể sản xuất được mà phải nhập khẩu. Vai trò chính là phải từ chính là từ chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền bảo vệ người tiêu dùng.

TS. Cường chia sẻ: “Hiện nay có tình trạng rất nguy hiểm đó là, ai cũng có thể là dược sỹ. Họ sử dụng các con vật để ngâm rượu, con này tốt lắm, con này bổ lắm, ai ai cũng có thể mua các con vật để uống rượu. Trong khi đó hoàn toàn không có cơ sở khoa học.”

BS. Nguyễn Trung Nguyên, đại diện Trung tâm chống độc – BV Bạch Mai cho biết, ngộ độc methanol tại Trung tâm chống độc tang dần qua các năm nhất là vào dịp trước và sau tết nguyên đán. Năm 2017, tổng số bệnh nhân được chuẩn đoán xác định là 34, tử vong 9 ca.

Ngộ độc methanol ở Việt Nam hầu hết là do các loại rượu chưa được kiểm soát. Thường đến viện muộn, tình trạng nặng và trường hợp tử vong rất cao.

BS. Nguyên đặt ra nhiều câu hỏi: Methanol trong các loại rượu gây ngộ độc có từ đâu? Ai sẽ chịu trách nhiệm giải quyết tình trạng này? Quyền lợi của người dân để được tiếp xúc với những loại rượu đảm bảo chất lượng?

Cũng theo BS. Nguyên nhất thiết phải đưa các loại rượu trắng (rượu quốc lủi, nút lá chuối…) vào kiểm soát.

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh thuộc Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa nêu những  công thức của methanol và những tác hại của methanol khi phá rượu với sức khoẻ của con người. Methanol rất dễ gây tử vong, tổn thương não, thị giác, nội tạng, tổn thương thần kinh.

Các biện pháp chống độc methanol được TS. Thịnh khuyến cáo là: Cần sử dụng men có chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ, các cơ sở phải đăng ký sản xuất, đăng ký chất lượng và có bao bì nhãn mác. Đối với người tiêu dùng chỉ mua và uống rượu khi biết rõ nguồn gốc xuất xứ, kiềm chế lượng rượu uống.

Qua buổi toạ đàm, nhiều ý kiến, đề xuất đã được nêu ra và thảo luận. Trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với báo chí để quản lý, tuyên truyền cũng như xử lý những cơ sở sản xuất rượu không nhãn mác, không đảm bảo chất lượng.

Đọc thêm