Người đàn ông mắc bệnh lạ, 15 năm 23 lần cắt bỏ tay, chân

(PLO) - Suốt hơn 15 năm qua, ông Nguyễn Hùng Hải (SN 1968, ở tổ dân phố Mỹ Trạch, phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) tay chân rụng dần vì căn bệnh vô phương cứu chữa. 
Ông Hải khi chưa bị bệnh.
Ông Hải khi chưa bị bệnh.
Rụng dần cơ thể
Trong căn nhà cấp 4 xây khá sơ sài, ông Hải  như chỉ còn là một khối thịt, duy có cánh tay trái là linh hoạt, đôi mắt đỏ hoe. Ông kể: “Hồi 31 tuổi, cứ chiều đi làm đồng về là mấy anh em tụ tập ở mấy đám ruộng trước nhà đá bóng. Trong một lần đá bóng, bàn tay, bàn chân của tôi tê mỏi, rồi chuyển sang lạnh, cứng. Thấy vậy mấy anh em trong xóm đưa tôi về nhà xoa bóp nên trở lại bình thường, nhưng không ngờ những tháng ngày sau đó, tay chân tôi lại có hiện tượng tê, lạnh. Đến cuối năm đó tôi đi khám, bác sĩ bảo tôi bị bệnh hoại tử do tắc động mạch. Bệnh này về sau tay chân sẽ rụng dần chứ không có thuốc chữa”.
Ông Hải thở dài: “Gần 15 năm qua, tôi đã trải qua 23 lần tháo khớp và cắt bỏ những phần thịt ở toàn bộ phần tay và chân. Lần đầu tiên là đầu năm 2000, trong lúc vợ tôi sinh đứa con trai út thì tay phải tôi đau dữ dội, anh trai tôi đưa tôi vào bệnh viện cắt bỏ bàn chân. Những năm sau đó, khi phần thịt trên cơ thể bầm tím và dần bị hủy hoại, lại phải đến bệnh viện cắt bỏ. Chân phải của tôi đã cắt đến 6 lần, chân trái cắt 3 lần. Còn tay thì không biết bao nhiêu mà tính, hễ ngón tay bị hủy hoại thì đi tháo khớp, rồi dần cũng cắt từng đoạn lên đến nách. Nhón đeo nhẫn của tay trái tôi đang hủy hoại, sắp tới phải vào bệnh viện tháo khớp nữa”.
Ông Hải bị tắc động mạch, dẫn đến hoại tử tay chân.
 Ông Hải bị tắc động mạch, dẫn đến hoại tử tay chân.
Mỗi lần nằm lên bàn để các bác sĩ cắt bỏ phần thịt bị hủy hoại, cơ thể ông nhức buốt lên tận óc, vô cùng đau đớn nhưng dần rồi quen. Dường như mỗi năm ông phải đối diện với việc cắt bỏ cơ thể từ 1 đến 3 lần.
Ông Hải cho biết: “Bây giờ, việc tôi đi cắt bỏ tay chân nó trở thành một chu kỳ rồi, dù mình không muốn vẫn phải làm. Nếu không cắt thì nó đau dữ lắm, cả ngày cả đêm không khi nào yên thân được với nó. Thà cắt đi để bớt đau và biết mình còn sống, chứ để nó như vậy chẳng khác nào một người chết cả. Mà bây giờ, tôi như thế này chẳng khác nào là người thực vật, chỉ làm khổ vợ khổ con thôi”.
Bà Sa - vợ ông Hải - nghẹn ngào: “Từ khi lấy nhau đến khi có 3 đứa con gái đầu, ổng có bị làm sao đâu. Thế mà đùng một cái, ổng lại bị bệnh như thế này. Lúc trước ổng khỏe mạnh lắm, ổng vừa làm thuê cho người ta vừa gánh vác việc nặng nhọc trong gia đình nên không ai nghĩ ổng bị bệnh cả. Những lần đầu đưa ổng đi cắt bỏ chân phải, tôi sợ lắm, nghĩ cơ thể con người mà cắt bỏ thế này thì còn sức đâu mà sống, nhưng rồi ổng cũng cố gắng vượt qua. Bây giờ thì ổng không làm gì được cả, mọi sinh hoạt ăn uống của ông tôi đều phải lo hết”.
Gia cảnh khốn khó  
Từ ngày mắc căn bệnh quái ác, cơ thể bị bào mòn, ông Hải thêm đau ốm liên miên. Nhiều đêm đang ngủ người bỗng co giật từng đợt. Hết sốt rồi lại khó thở, mấy lần gia đình cứ nghĩ ông buông xuôi cuộc đời này, nhưng rồi ông cũng cố gắng vượt qua. Hằng ngày, vợ ông phải chăm chút cho ông từng muỗng cơm, ly nước. Ăn uống vốn đã khó lắm rồi, đến cả vệ sinh cá nhân thấy còn nhọc nhằn hơn. Hầu như mọi sinh hoạt đều được làm tại giường, do một tay bà Sa bồng bế, nâng đỡ.
"Tôi đã bán hết tài sản giá trị để mua thuốc cầm cự, điều trị cho chồng, đến nay gia đình gần như khánh kiệt.
"Tôi đã bán hết tài sản giá trị để mua thuốc cầm cự, điều trị cho chồng, đến nay gia đình gần như khánh kiệt.
Từ ngày chồng bị bệnh, bà Sa chỉ ở nhà tất tả lo cho chồng chứ không làm được việc gì. Bà cho biết: “Ruộng vườn thì cũng không có, mà đi làm thuê thì bỏ ông ở nhà ai lo nên mười mấy năm nay tôi chỉ ở nhà lo cho ổng. Ngoài số tiền của con gái tôi đi làm gửi về, một tháng ổng được Nhà nước cấp 540 ngàn đồng tiền cho người tàn tật, rồi mấy anh chị giúp đỡ thêm nhưng cũng chẳng đủ thiếu vào đâu”.
Theo bà Sa, ông Hải có bảo hiểm y tế dành cho người tàn tật nên hàng tháng được Nhà nước cấp thuốc. Tuy nhiên, bà cũng phải mua thêm thuốc ở ngoài cho chồng uống, những lần mua thuốc cũng ngốn không ít tiền của gia đình, rồi những lần đi khám bệnh, mọi chi tiêu đều phải đụng đến tiền nên đến giờ gia đình bà gần như khánh kiệt, nợ nần chồng chất. 
Bà Sa nói: “Gần 15 năm nuôi chồng bệnh tật, tôi đã bán hết tài sản giá trị để mua thuốc cầm cự, điều trị cho chồng, đến nay gia đình gần như khánh kiệt. Tôi thiếu nợ nhiều quá, đi vay người ta sợ quỵt luôn nên họ từ chối. Bây giờ tôi còn nợ Nhà nước 20 triệu đồng, nợ bên ngoài 80 triệu đồng nhưng không biết lấy gì để trả đây. Tôi chỉ mong là có ai đó giúp cho khoản tiền nhỏ để tiếp tục lo thuốc men, điều trị cho chồng tôi”. 
Theo ông Nguyễn Thảo, Tổ trưởng tổ dân phố Mỹ Trạch: “Gia đình ông Hải thuộc diện những hộ nghèo nhất trong tổ. Địa phương và bà con chòm xóm vẫn thường xuyên đến nhà hỏi thăm, động viên, giúp đỡ gia đình. Chúng tôi mong sắp tới đây, các mạnh thường quân, các tấm lòng vàng khắp cả nước sẽ cứu giúp gia đình ông Hải dù ít dù nhiều”.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Hữu Chính, Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Trường hợp của ông Hải là bị bệnh viêm khô hoại tử do tắc động mạch.
Nguyên nhân là do nguồn cung cấp máu cạn kiệt dần theo năm tháng, do đóng cặn trong lòng động mạch (xơ vữa động mạch), co thắt (động mạch bị co thắt lâu ngày dẫn đến thiếu máu cục bộ gây hoại tử dần), viêm lòng động mạch rải rác (lòng động mạch rơi ra rồi tích tụ dần gây tắc động mạch)”.
Cũng theo bác sĩ Chính, hiện tại không có thuốc hoặc phương pháp nào điều trị triệt để, chỉ có thể dùng thuốc giãn mạch để nở lòng mạch máu, cắt hạch giao cảm ở góc chi để làm giảm sự co thắt của động mạch.
Những đoạn động mạch hẹp quá sẽ cắt bỏ rồi ghép động mạch nhân tạo hoặc mạch máu còn mềm của bệnh nhân. Cuối cùng dùng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ từng phần, hoại tử tới đâu cắt bỏ tới đó.

Đọc thêm