Người nghiện ma túy tổng hợp ở TP HCM gia tăng

(PLVN) - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM vừa cho biết, công tác điều trị, cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua đã được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, đa dạng hóa các loại hình cai nghiện từ cộng đồng đến các cơ sở cai nghiện ma túy.
Các bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho học viên cai nghiện.
Các bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho học viên cai nghiện.

Thành phố cũng từng bước thực hiện xã hội hóa công tác điều trị, cai nghiện ma túy nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, huy động được sự đóng góp của gia đình, cộng đồng và xã hội. Hiện thành phố có 15 cơ sở cai nghiện ma túy với tổng công suất tiếp nhận là 23.340 người.

Tuy nhiên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng nhìn nhận, bên cạnh mặt tích cực, thành phố phải đối mặt với tình hình phức tạp của tệ nạn ma túy; tình hình mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gia tăng. Có nhiều loại ma túy mới xuất hiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ... 

Sở LĐ-TB&XH cho biết thêm, hiện nay, công tác điều trị nghiện còn nhiều hạn chế, chưa nghiên cứu bổ sung, đổi mới phương pháp điều trị nghiện để đạt được hiệu quả, đặc biệt là chưa có phác đồ điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp, trong khi người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng.

Mặt khác, theo Sở LĐ-TB&XH, công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, dự phòng và điều trị nghiện cho người dân ở một số địa phương cũng chưa được quan tâm thường xuyên, chưa sâu rộng và cụ thể, tài liệu còn thiếu và phương pháp tuyên truyền chưa sáng tạo...

Trước tình hình này, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã đề xuất lên cơ quan chức năng một số biện pháp, trong đó, cần nâng cao hơn nữa chất lượng dự phòng và điều trị nghiện ma túy. Tập trung nguồn lực cho các mô hình điều trị nghiện hiệu quả, chú trọng phát triển các hệ thống dịch vụ hỗ trợ xã hội dành cho người nghiện ma túy… để họ tái hòa nhập tốt với cộng đồng.

Cũng theo Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, các cơ quan chức năng cần sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, lực lượng phòng chống ma túy. Xây dựng mạng lưới chuyên trách cơ sở đủ năng lực theo dõi, nắm bắt tình hình, quản lý các đối tượng. Tập trung đào tạo nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhất là lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống ma túy và lực lượng tham mưu, quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.

Một điểm quan trọng nữa là phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới. Quán triệt và triển khai kịp thời các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy. 

Cuối cùng, cơ quan chức năng phải xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện có trọng tâm, trọng điểm gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, các chương trình an sinh xã hội của địa phương. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công tác đấu tranh, phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy. 

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP HCM, số người nghiện ma túy khi có Quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thi hành kịp thời từ 2016 - 2020 là trên 29.000/30.298 người, đạt tỷ lệ 96% (vượt chi tiêu 6% so với mục tiêu đề ra là đến năm 2020 là 90%).

Tỷ lệ số người nghiện có hồ sơ quản lý được điều trị trong năm 2019 là trên 20.000/25.132 người, chiếm tỷ lệ 81,10% (mục tiêu đề ra đến năm 2020 là 80%).  Tỷ lệ người nghiện ma túy được dạy nghề là 17.500/25.132 người, chiếm tỷ lệ 69,64% (vượt 9,64% so với mục tiêu đề ra là đến năm 2020 là 60%).

Đọc thêm