Nguy cơ bùng phát dịch HIV/AIDS do tập tục sinh nở tại nhà?

(PLO) - Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), số ca HIV/AIDS, tử vong do AIDS đang tiếp tục giảm. Tuy nhiên, tích lũy số người nhiễm HIV ngày càng gia tăng. Đáng lưu ý hơn khi, trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao có xu hướng giảm, nhưng lại gia tăng ở nhóm nguy cơ thấp, đặc biệt là phụ nữ mang thai…
Tập tục sinh nở tại nhà đã cản trở việc tiếp cận với dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Tập tục sinh nở tại nhà đã cản trở việc tiếp cận
với dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
(Ảnh chỉ có tính chất minh họa) 
Nhiều tỉnh, gần một nửa phụ nữ đẻ tại nhà
Đại diện Phòng Điều trị, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết như vậy tại cuộc gặp mặt báo chí nhân Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vừa được Bộ Y tế tổ chức hôm qua (13/5) tại Hà Nội. 
Cụ thể, theo bác sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Phòng Điều trị, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tuy được triển khai từ năm 2009 nhưng hoạt động dự phòng lây truyền mẹ con vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn và còn tồn tại không ít các thách thức vì nhiều lý do như: độ bao phủ xét nghiệm còn hạn chế, xét nghiệm trước sinh vẫn rất thấp, đặc biệt số phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV quá muộn đã dẫn đến việc gia tăng nguy cơ lây truyền mẹ con. 
Bên cạnh đó, việc một số cán bộ y tế chưa nhận thức được lợi ích của việc xét nghiệm HIV sớm; can thiệp phòng lây truyền mẹ con chưa được thực hiện thường quy như là một phần của gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn diện, chỉ được triển khai hiệu quả tại một số điểm dự án; kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS… đã cản trở việc tiếp cận với dịch vụ phòng lây truyền mẹ con.  
Cũng theo bác sỹ Lan Hương, một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc không xét nghiệm HIV, xét nghiệm muộn hoặc biết kết quả xét nghiệm muộn là do thiếu thông tin về hiệu quả của các can thiệp phòng lây truyền mẹ con; thời gian trả kết quả xét nghiệm lâu; đặc biệt là vì tập tục đẻ  tại nhà của phụ nữ các tỉnh miền núi. 
Không khỏi sốc khi đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, qua đánh giá nhanh tình hình phòng lây truyền mẹ con tại các tỉnh miền núi năm 2012, kết quả cho thấy tỷ lệ phụ nữ đẻ tại nhà tại nhiều địa phương vẫn còn khá cao. Cao nhất phải kể tới Lai Châu (63,1%), Lào Cai (53,8%), Hà Giang (43,7%), Thái Nguyên (36,4%)…
Đi cùng với đó là việc xét nghiệm và dự phòng lây truyền mẹ con quá muộn là nguyên nhân chính tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng… 
Cả nước có khoảng 3.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, tuy đã được can thiệp từ rất sớm nhưng do những lý do kể trên, đến hết năm 2014, ước tính cả nước có khoảng 3.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. 
Tuy nhiên, việc điều trị, hiệu quả điều trị dự phòng lây truyền mẹ con  ở các địa phương lại khác nhau, dẫn đến việc kết quả lây truyền mẹ con ở các địa phương không giống nhau. Có những nơi tỷ lệ lây truyền mẹ con lên tới 7,7% (có trường hợp chỉ điều trị cho con mà không điều trị cho mẹ), nhưng cũng có nơi theo dõi tốt hơn tỷ lệ này chỉ khoảng 3%.
Theo ông Võ Hải Sơn - Phòng Giám sát, theo dõi, đánh giá, xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, để khắc phục tình trạng phụ nữ có thói quen đẻ tại nhà nhằm phát hiện và ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con, Chiến lược 2.0 đã can thiệp thí điểm tại một số địa bàn trọng điểm, kết quả cho thấy tình hình này đã được cải thiện đáng kể. 
Đơn cử, nhờ được sàng lọc HIV tại xã, giám sát mới đây tại Bản Bọ, huyện Mường Lát, Thanh Hóa cho thấy, không có trường hợp trẻ em nào bị nhiễm HIV từ các bà mẹ mang thai nhiễm HIV, trong khi trước đó tỷ lệ này ở địa bàn tương đối cao. 
Cũng nhờ được sàng lọc kỹ lưỡng, tỷ lệ lây truyền mẹ con trong nhóm phụ nữ mang thai ở TP.HCM cũng giảm đi đáng kể (năm 2009 tỷ lệ lây truyền mẹ con ở TP.HCM là 7,30% đến năm 2014 chỉ còn 4,60%). Thực tế trên cũng cho thấy, Chương trình phòng lây truyền mẹ con có thể đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ lây truyền mẹ con xuống dưới 2% và còn cao hơn nếu chúng ta thực hiện triệt để các biện pháp dự phòng. 
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để hướng tới 100% trẻ em không bị nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV, cùng với việc tuân thủ các quy định về xét nghiệm, điều trị, dự phòng…, các chuyên gia y tế nên cân nhắc tư vấn cho các bà mẹ trong việc nên hay không nên cho con bú. 
Hiện, WHO đưa ra hai phương án để các bà mẹ lựa chọn: một là, cắt đứt đường lây truyền HIV bằng việc nuôi con bằng sữa ngoài thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn như tiếp cận được với nguồn sữa, điều kiện nước sạch, cách pha chế sữa.
Hai là, với những trường hợp gia đình không có điều kiện kinh tế, không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh… thì họ buộc phải lựa chọn phương án tiếp tục cho con bú, để duy trì sự sống của đứa trẻ, sau đó mới tính đến việc nó có bị nhiễm hay không nhiễm. 
Sau khi đã lựa chọn, cộng với việc tiếp cận với điều trị ARV, CD4 cải thiện, sức khỏe tốt, đặc biệt tuân thủ các giai đoạn bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, nguy cơ lây truyền mẹ con cũng sẽ giảm đi rất nhiều.

Đọc thêm