Nguy hại “chết người” từ thói quen “tự làm bác sĩ”

(PLVN) - Khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe như sốt, ho, sổ mũi,... nhiều người dân thường ra hiệu thuốc kể bệnh và lấy thuốc về điều trị. Có người còn lên mạng xã hội xin đơn thuốc của những người có biểu hiện bệnh tương tự để mua thuốc, dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện, gây nên tình trạng kháng thuốc… Đây là những thói quen “chết người” trong việc chăm sóc, điều trị sức khỏe.
Vẫn còn nhiều hiệu thuốc bán kháng sinh không cần đơn (ảnh minh họa).
Vẫn còn nhiều hiệu thuốc bán kháng sinh không cần đơn (ảnh minh họa).

Khí hậu Việt Nam nhiệt đới gió mùa, thời tiết thay đổi liên tục, độ ẩm không khí cao nên người dân rất dễ mắc các bệnh  như cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng do virút hoặc ho do dị ứng thời tiết, khói bụi... Khi có những dấu hiệu trên, thay vì đi khám bác sĩ thì nhiều người dân đã ra các tiệm thuốc gần nhà kể bệnh, mua thuốc nhằm tiết kiệm kinh phí và thời gian.

Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, ở Việt Nam, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn, chiếm 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn. Trong tổng số doanh thu của cơ sở bán lẻ thuốc ở thành thị thì thuốc kháng sinh chiếm 13,4% (ở nông thôn là 18,7%).

Bị bệnh, ra hiệu thuốc là xong

Trong vai người đi mua thuốc, người viết dễ dàng mua được thuốc kháng sinh tại nhiều nhà thuốc khác nhau trên địa bàn Hà Nội. Có nơi mua bằng cách đọc tên thuốc. Có nhà thuốc thì bán ngay thuốc kháng sinh sau khi nghe yêu cầu: bán cho thuốc tốt chữa cảm cúm mà không cần biết người mua có đơn thuốc hay không. 

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Bích (một người khách cùng mua thuốc,  sống tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) nói: “Tôi hay ốm vặt, nhất là bị cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi. Mỗi lần như vậy mà chạy đi khám đợi kê đơn thì vừa mất thời gian, vừa tốn tiền. Thế nên tôi hay ra các tiệm thuốc để mua thuốc về dùng. Chỉ mấy hôm là khỏi”.

Cùng quan điểm, anh Trịnh Đình Vũ (sống tại Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Ai cũng biết là ốm đau đi khám, kiểm tra tại bệnh viện rồi mua thuốc sẽ tốt hơn. Nhưng  như vậy thì rất phiền phức. Cá nhân tôi và gia đình bị mấy bệnh lặt vặt hay tự lấy thuốc, ví dụ như bị cúm thì ra nói cho người bán thuốc biểu hiện bệnh. Lấy 3-4 liều thuốc là khỏi. Mỗi liều cũng chỉ 5.000 đến 10.000”. 

Hậu quả về mặt y tế khi dùng kháng sinh không đúng

 Tùy tiện dùng thuốc kháng sinh sẽ gây hậu quả khó lường như: Không khỏi bệnh (rất nhiều trường hợp khi dùng kháng sinh mãi không khỏi mới tới bệnh viện khám bệnh, làm cho các bác sĩ chẩn đoán bệnh sẽ khó khăn hơn, bởi việc dùng kháng sinh tùy tiện trước khi đến bệnh viện khám sẽ làm cho hầu hết bệnh nhiễm trùng đều giảm hoặc mất triệu chứng đặc thù của bệnh); bị tác dụng phụ do thuốc (việc dùng kháng sinh tùy tiện, ngoài việc giết chết những vi khuẩn gây bệnh thì kháng sinh còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể ví dụ như vi trùng đường ruột tạo men tiêu hóa, vì vậy, khi dùng kháng sinh, người bệnh thường hay bị tiêu chảy, đau bụng... 

Thuốc kháng sinh còn có thể gây ra những tai biến như dị ứng, nhẹ chỉ nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, buồn nôn, nôn, nặng có thể gây độc cho gan, thận, sốc phản vệ gây nguy hiểm cho tính mạng), gây kháng thuốc (việc dùng thuốc kháng sinh bừa bãi có nguy cơ dẫn đến cơ thể người bệnh phát sinh những loại vi khuẩn đề kháng kháng sinh và sản sinh ra chủng loại vi khuẩn thế hệ sau có mức độ đề kháng cả với loại kháng sinh cực mạnh, khi bị bệnh nặng sẽ không có loại kháng sinh mạnh hơn để dùng. Người bệnh thậm chí sẽ tử vong bởi những nhiễm khuẩn thông thường)…

Người mua, người ốm nghĩ rằng cứ mua thuốc làm sao thuận tiện, tiết kiệm mà điều trị khỏi bệnh là tốt rồi. Thế nhưng, chính những người bán cũng rất quan ngại về việc các liều thuốc bán ra sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị sau này của người bệnh.

Chị N.T.T (là dược sỹ,  đồng thời là chủ một hiệu thuốc) chia sẻ: “Theo nguyên tắc thì khi bán, mua kháng sinh phải theo chỉ định, có đơn của bác sỹ. Thế nhưng, thực tế không phải vậy. Người ốm thì lười đi khám, người bán thuốc lại vì lợi nhuận, vì sự cạnh tranh mà bán thuốc trái quy định. Bây giờ nó là cái điều hiển nhiên rồi. Cứ cúm ra hiệu thuốc là có thuốc uống rất nhanh khỏi. Việc nguy hại nhất là từ việc quá nhanh khỏi bệnh, uống 1-2 liều thuốc đã khỏi và ngừng uống”.

Việc bán thuốc, đặc biệt là các loại kháng sinh mà không kê đơn là rất nguy hiểm, bởi ngoài việc không theo dõi được tình trạng bệnh còn dẫn đến nhiều hệ lụy. Người bệnh không có đơn thuốc sẽ không có căn cứ uống đúng liều lượng thuốc, thời gian, những thức ăn kiêng kỵ, chống chỉ định với thuốc và có thể gặp rủi ro do phản ứng phụ từ thuốc gây ra.

Chưa kể, việc điều trị tại nhà kéo dài không đúng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, gây tốn kém về kinh tế. Mua và dùng thuốc kháng sinh không có đơn của bác sĩ cũng như dùng không đủ liều sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Khi đã bị kháng thuốc, việc dùng thuốc kháng sinh và các liệu pháp điều trị người mắc bệnh do nhiễm khuẩn sẽ không còn hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

“Báo động” tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh

Trong buổi họp báo “Quản lý sử dụng kháng sinh cho tương lai: Không lạm dụng, không dùng sai chỉ định” diễn ra mới đây, PGS.TS Lương Ngọc Khuê -  Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng, thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi và càng đáng báo động hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái.

Theo ông Khuê, sau 5 năm thực hiện kiểm soát chặt, hiện nay tỷ lệ bác sĩ, cơ sở y tế kê đơn kháng sinh bừa bãi, sử dụng thuốc sai nguyên tắc đã giảm; hàng ngàn bác sĩ, dược sĩ cam kết không sử dụng thuốc kháng sinh sai nguyên  tắc. Song, khi chấn chỉnh được việc kê đơn trong bệnh viện thì hệ thống cửa hàng thuốc vẫn chưa quản lý chặt việc bán thuốc kháng sinh nên ở nhiều nơi, thuốc kháng sinh được bán dễ dàng mà không cần đơn thuốc, khiến cho việc lạm dụng vẫn phổ biến.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê mong muốn người bệnh, thầy thuốc, các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ quan quản lý, không chỉ ngành Y tế mà các bộ, ngành liên quan cùng chung tay thực hiện cam kết không lạm dụng, không sử dụng thuốc kháng sinh sai chỉ định, để đẩy lùi nguy cơ kháng thuốc, cứu sống người bệnh.

Còn GS.TS Ngô Quý Châu – Phó Giám đốc Phụ trách Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, nhiều bệnh nhân chỉ mới chớm ho, hơi sốt thì ngay lập tức đi mua thuốc về uống, mà không cần thăm khám; có bệnh nhân được bác sĩ kê đơn, rồi khi bệnh tái phát, họ đi mua lại theo đơn thuốc cũ. Vì người dân tự mua thuốc kháng sinh, sử dụng không đúng nên thuốc không phù hợp với tình trạng bệnh, đặc biệt là liều lượng sử dụng. 

Đơn cử, có thuốc phải dùng tới 3g/ngày, nhưng người dân tự uống chỉ dùng 1,5g/ngày. Hậu quả, khi sử dụng thuốc kháng sinh không đủ liều, vi khuẩn sẽ thích nghi với thuốc kháng sinh đó, thay vì bị tiêu diệt, đồng thời làm yếu sức đề kháng của cơ thể. Một số bệnh nhân tự dùng thuốc trong 2 - 3 ngày, khi thấy đỡ thì bỏ thuốc, làm lan tràn vi khuẩn kháng thuốc do kháng sinh không đủ liều lượng để diệt hết vi khuẩn.

Ông Châu cũng nhấn mạnh, đối với các bệnh nhân mắc nhiều bệnh, việc sử dụng thuốc kháng sinh không phù hợp dẫn tới không khỏi bệnh, không thể hấp thu thuốc và nhiều tác dụng không mong muốn khác.

TS. Kidong Park - Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam:

Ứớc tính, ở Việt Nam, tình hình kháng thuốc trở nên báo động. Thống kê của cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2018 cho thấy, kháng sinh là một trong những loại thuốc bảo hiểm y tế chi trả cao nhất. Việt Nam đứng thứ 11 trong những quốc gia có tần suất sử dụng kháng sinh nhiều nhất.

Càng sử dụng nhiều thuốc kháng sinh thì càng có nguy cơ kháng thuốc. Nếu không hành động ngay từ hôm nay, kháng thuốc sẽ gây ra hệ lụy. Đó là từ nay đến năm 2050 có trên 10 triệu ca tử vong mỗi năm, cao hơn số ca tử vong vì ung thư.

Kháng thuốc tạo gánh nặng kinh tế  toàn cầu, tiêu tốn khoảng 100 tỷ USD, đồng thời, từ nay đến năm 2030 24 triệu người sẽ rơi vào tình trạng đói nghèo.  Để giảm tỷ lệ kháng thuốc, ngay từ bây giờ, phải cùng nhau giảm thiểu nhất có thể việc sử dụng kháng sinh không cần thiết. 

PGS-TS Nguyễn Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP HCM:

60% bệnh nhân điều trị nội trú ở các bệnh viện được kê đơn sử dụng thuốc kháng sinh. Còn trong phẫu thuật, 95% bệnh nhân được cho dùng kháng sinh. Chi phí cho thuốc kháng sinh chiếm đến 45% trong tổng số chi phí bình quân cho một đợt điều trị.

Nguy hiểm hơn 50% trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh tại Việt Nam là không hợp lý. Việc sử dụng sai, lạm dụng kháng sinh dẫn đến tình trạng vi khuẩn, vi trùng nhờn (đề kháng) với thuốc kháng sinh, làm giảm hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian chữa trị, tăng chi phí cho người bệnh. 

T.Anh (t/h)

Đọc thêm