Nhận biết đúng về suy tim và nhồi máu cơ tim

(PLO) -Suy tim và nhồi máu cơ tim là mối nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng con người. Nhiều người nhầm lẫn cho rằng suy tim và nhồi máu cơ tim là một, tuy nhiên đây lại là hai bệnh lý có những nguyên nhân, triệu chứng hoàn toàn khác nhau. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tim của mỗi người hoạt động như một cái máy bơm, bơm máu đi nuôi các bộ phận khác trong cơ thể. Tim được cấu tạo bởi loại cơ đặc biệt, có nguồn máu riêng cung cấp năng lượng để duy trì nhịp đập liên tục. 

Do đó, nếu tim bạn phải hoạt động quá sức mà lượng máu cung cấp đáp ứng không đủ, sẽ dẫn đến các bệnh tim nguy hiểm.Trong đó, chủ yếu là nhồi máu cơ tim và suy tim.

Suy tim là gì?

Suy tim là một tình trạng tiến triển mạn tính mà trong đó cơ tim không thể bơm đủ lượng máu từ tim tới các cơ quan trong cơ thể nhằm đáp ứng nhu cầu máu và oxy. Về cơ bản, tim không thể theo kịp với khối lượng công việc của mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nguyên nhân gây suy tim

Suy tim là kết quả cuối cùng của hầu hết các bệnh của tim và mạch máu. Nó làm cho cơ tim, van tim yếu đi và giảm khả năng bơm máu theo nhiều cách khác nhau. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy tim :

- Bệnh động mạch vành: Khi động mạch vành bị thu hẹp bởi các mảng xơ vữa, lưu lượng máu cung cấp cho tim bị giảm và làm tim suy yếu.

- Bệnh tăng huyết áp (cao huyết áp) không được kiểm soát tốt, gây dày thất trái, làm giảm sức co bóp và giãn nở của buồng tim.

- Bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu cao gây tổn thương cơ tim và các mạch máu quanh tim, gây suy tim.

- Bệnh tim bẩm sinh 

- Đau tim, nhồi máu cơ tim

- Bệnh van tim: Hẹp hở van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi.

- Viêm cơ tim, màng tim do vi rút, vi khuẩn

- Một số loại nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim)

- Bệnh viêm tắc phế quản phổi mãn tính

- Bệnh tuyến giáp (bướu cổ): Suy giáp hoặc cường giáp

- Thiếu máu nặng hoặc dư thừa sắt trong máu.

- Một số bệnh tự miễn

Triệu chứng của suy tim

- Khó thở : Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện suy tim, khó thở ở đây có nghĩa là bệnh nhân phải khó nhọc mới thở được, có thể cảm thấy hụt hơi, ngắn hơi, thở gấp, tức thở. 

Khó thở là dấu hiệu cảnh báo suy tim
Khó thở là dấu hiệu cảnh báo suy tim

Thông thường, người ngoài nhìn cũng sẽ thấy bệnh nhân mệt mỏi, thở nhanh, nông và khó nhọc hơn nhất là những khi gắng sức. Trường hợp suy tim cấp có thể khó thở dữ dội, co kéo và suy hô hấp nặng. Một số trường hợp có khó thở khi nói chuyện hoặc hoạt động nhẹ.

- Ho : Ho là một triệu chứng không thường xuyên của suy tim, ho là do ứ máu trong phổi. Có thể là những cơn ho khan hoặc ho ra máu nhất là khi gắng sức, khi nằm. Tiểu đêm: Là do bài tiết dịch còn ứ lại trong ngày và tưới máu thận tăng lên trong tư thế nằm là một triệu chứng thường không đặc hiệu của suy tim.

- Trống ngực : Thông thường, những triệu chứng của suy tim còn là những cơn đánh trống ngực, đập nhanh, hồi hộp…

- Mệt mỏi, yếu cơ : vì máu không thể đến tim, những bệnh nhân suy tim cũng thường than phiền mệt mỏi và không thể gắng sức được. Các triệu chứng này liên quan đến rối loạn chức năng tim gây ra một phần do những thay đổi ở dòng máu ngoại vi và dòng máu tới hệ xương mà những thay đổi này là một phần của hội chứng suy tim.

Bệnh nhân suy tim có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, yếu cơ
Bệnh nhân suy tim có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, yếu cơ

Những bệnh nhân suy tim nặng lâu ngày có thể xuất hiện toàn trạng suy mòn và tím tái. Ngoài ra, bệnh nhân thường có dấu hiệu cường thần kinh giao cảm như lạnh đầu chi, vã mồ hôi...

- Đau hạ sườn phải : Những bệnh nhân suy tim phải có thể bị đau ở hạ sườn phải do ứ máu ở gan quá mức.

- Dấu hiệu tiêu hóa : Chán ăn, buồn nôn do phù ruột và tưới máu đường tiêu hóa giảm...Khám thực thể:

- Phổi : Do sung huyết ở phổi nên nghe có tiếng ran ẩm ở đáy phổi. Nếu có phù phổi, ran ẩm xuất hiện rất nhiều ở cả hai phổi.

- Gan : Gan to, ấn hơi đau tức, ứ máu ngoại biên, phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính.

- Nghe tim : Tim đập nhanh kể cả khi nghỉ ngơi, tiếng tim mờ, có tiếng ngựa phi, điện tim to, mạch nhanh, yếu.

- Phù : Có thể chỉ phù nhẹ ở mi mắt, đến phù to ở chi dưới. Một số trường hợp suy tim lâu không hồi phục có thể có cổ trướng.

- Trụy mạch : Trong trường hợp nặng, Người bệnh ở tình trạng vật vã, lo sợ hoặc lờ đờ, da xanh tái, đầu chi lạnh, nổi vân tím, mạch nhỏ hoặc khó bắt, huyết áp hạ dưới 50 mmHg, tiểu ít.

Nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim còn được gọi là cơn đau tim, đứng tim (MI). Nó xảy ra khi mạch máu đi tới tim bị nghẽn bất ngờ, gây ra tình trạng thiếu ôxy và làm chết phần này của tim.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mức độ khốc liệt của nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào việc một ống dẫn máu lớn nào đó bị khóa như thế nào và phần nào của cơ tim bị chết.

Nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim

- Huyết khối tại một vùng của động mạch vành đã bị hẹp do xơ vữa động mạch.

- Xuất huyết dưới màng trong động mạch vành của một mảng xơ vữa.

- Nghẽn mạch vành do cục nghẽn từ xa đưa tới (trong viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, hẹp van hai lá).

- Hẹp lỗ vào động mạch vành do một tổn thương ở động mạch chủ (nguyên nhân chủ yếu là do bệnh giang mai hoặc do vữa xơ).

- Viêm mạch trong các bệnh tự miễn, dị dạng động mạch vành, chấn thương tim.

Biểu hiện của nhồi máu cơ tim

Biểu hiện của bệnh nhồi máu cơ tim
Biểu hiện của bệnh nhồi máu cơ tim

Đau tim có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong ngày với những biểu hiện khác nhau trên mỗi bệnh nhân, nhưng đa số đều xuất hiện vào đầu buổi sáng.

Mặc dù các biểu hiện của cơn nhồi máu cơ tim cấp rất đa dạng nhưng nó sẽ có một số triệu chứng đặc trưng như sau:

-  Đau ngực: Cảm giác như có vật nặng, áp lực lớn đè lên ngực.

-  Cơn đau bóp nghẹt lan lên xương hàm, răng, vai, cánh tay, sau đó có thể quay trở lại vùng ngực. 

-  Tim đập nhanh, trống ngực

-  Huyết áp tăng do co mạch

-  Tăng nhịp thở nhưng có cảm giác ngột thở, thiếu dưỡng khí.

-  Có thể xuất hiện sự khó chịu ở vùng thượng vị, kèm theo cảm giác buồn nôn hoặc nôn.

-  Đổ mồ hôi, ngất 

-  Ho, thở khò khè, có thể tăng tiết đờm dãi.

-  Mất khả năng nhận thức mà không phải do nguyên nhân khác.

-  Sốt xuất hiện trong vòng 24 - 48 giờ sau cơn nhồi máu cơ tim cấp, nhiệt độ cơ thể tăng theo mức độ cơ tim bị hủy hoại. Thân nhiệt có thể cao lên trên 39oC.