Những “bác sĩ tinh thần” ở bệnh viện Bạch Mai

(PLO) - Bệnh tật có thể khiến con người suy nghĩ cùng quẫn mà tìm đến những hành động dại dột. Hơn lúc nào hết họ cần sự chia sẻ, đôi khi chỉ cần một câu nói đồng cảm, một cái bắt tay động viên. Đó cũng là công việc thường ngày của các thành viên phòng Công tác xã hội (CTXH) Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Bác sĩ Mận tìm hiểu thông tin về một trường hợp bệnh nhân khó khăn
Bác sĩ Mận tìm hiểu thông tin về một trường hợp bệnh nhân khó khăn
Ba lo lắng khiến bệnh nhân dễ suy nghĩ tiêu cực
Ít ai biết rằng tại một số bệnh viện hiện nay có đội ngũ nhân viên chuyên tìm gặp động viên, hỗ trợ người bệnh và thân nhân lạc quan tâm lý. Ở bệnh viện nhỏ, đó là  là những bác sĩ điều trị “kiêm nhiệm” nhân viên tư vấn tâm lý. Còn ở những bệnh viện lớn, đó là các tổ, phòng CTXH. 
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Phạm Thị Bích Mận, Trưởng phòng CTXH bệnh viện Bạch Mai giới thiệu, từ tháng 6/2015, phòng CTXH của bệnh viện được thành lập với chín nhân viên nòng cốt.
Đó là các cử nhân chuyên ngành xã hội học, y tá, điều dưỡng, bác sĩ và các nhân viên truyền thông. Riêng ở bệnh viện Bạch Mai (trực thuộc Bộ Y tế), do số lượng bệnh nhân rất đông nên phòng CTXH được tổ chức gồm: Tổ trực tiếp trợ giúp bệnh; Tổ truyền thông và quan hệ công chúng; Tổ hành chính.
Kể về công việc của đội CTXH, Bác sĩ Mận tóm lược: “Chúng tôi tìm kiếm và giúp đỡ những bệnh nhân gặp khó khăn về tài chính, thủ tục hành chính hoặc sang chấn tâm lý”. 
Nữ bác sĩ chia sẻ, xuất phát từ thực tế nhiều bệnh nhân khi nhập viện điều trị gặp khó khăn vật chất, tâm lý mà buông xuôi. Thậm chí có người tìm đến cái chết để giải thoát bản thân, mà những vụ tự vẫn tại các bệnh viện là minh chứng. Vì vậy, lãnh đạo bệnh viện quyết định thành lập phòng CTXH chuyên đảm nhận công tác hỗ trợ người bệnh và thân nhân. 
“Hàng ngày, thành viên của phòng sẽ đến các khoa trong bệnh viện khảo sát, tìm gặp những người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có người thiếu thốn tiền bạc nhưng cũng lắm bệnh nhân mất cân bằng tâm lý, suy nghĩ tiêu cực. Từ suy nghĩ tiêu cực họ dễ hành động tiêu cực”, Bác sĩ Mận phân tích. 
Nữ bác sĩ giải thích tiếp: “Do lực lượng còn mỏng, số lượng bệnh nhân lại quá đông nên mỗi khoa đều đã có bác sĩ, y tá là cộng tác viên của phòng CTXH. Những người này trong lúc tiếp nhận, thăm khám sẽ thông báo cho đội ngũ CTXH những người bệnh cần trợ giúp”. 
Tại phòng, bảng “danh sách đỏ” được sàng lọc, ưu tiên người dân tộc thiểu số, người mắc bệnh nan y, người bệnh thuộc hộ nghèo. Để đảm bảo giúp đỡ đúng địa chỉ, các cán bộ phòng không chỉ tìm hiểu qua hồ sơ bệnh án mà còn gọi điện về tận địa phương nơi bệnh nhân cư trú xác minh.
Sau đó những trường hợp bệnh nhân thực sự khó khăn được đăng tải trên website bệnh viện, trang mạng xã hội… kêu gọi những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ. Với những trường hợp cấp cứu, cần trợ giúp “nóng”, thành viên phòng CTXH phải “cầu cứu” đến mạng lưới quan hệ cá nhân. Đó cũng là lí do trong túi xách Bác sĩ Mận luôn “thủ” sẵn bảng danh sách các “cứu tinh” có thể kêu gọi bất cứ lúc nào.
Cộng tác viên CTXH hỗ trợ một bệnh nhân
 Cộng tác viên CTXH hỗ trợ một bệnh nhân    
Gắn bó nhiều năm ở bệnh viện Bạch Mai trước khi phòng CTXH ra đời, Bác sĩ Mận đúc kết rằng mỗi bệnh nhân thường gặp ba khó khăn sau: Lo lắng tình trạng bệnh, tinh thần suy sụp, hoặc khó khăn về tiền bạc. Thực tế rất nhiều bệnh nhân không vượt qua áp lực. 
Ở mức độ nhẹ, họ không hợp tác hoặc từ chối điều trị, nặng hơn có thể tìm đến cái chết. “Có thể do bệnh nhân nghĩ rằng đã hết phương cứu chữa, nếu tiếp tiếp tục sống sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình mà nảy sinh ý định tự tử”, Bác sĩ Mận nói.
 “Lợi thế của chúng tôi là trong Bệnh viện Bạch Mai có Viện sức khoẻ tâm thần, khi cần thiết bệnh nhân sẽ được hội chẩn, thăm khám, đánh giá mức độ sang chấn tâm lý để được chủ động can thiệp kịp thời. Tâm lý suy sụp là nguyên nhân chính khiến người bệnh rơi vào trạng thái bất mãn, buông xuôi” 
Bí quyết vực dậy tinh thần bệnh nhân
Để giải toả tâm lý bệnh nhân, giúp họ vững tin điều trị, theo Bác sĩ Mận, trước tiên phải tạo được lòng tin với người bệnh. 
Chia sẻ kinh nghiệm, nữ bác sĩ nói rằng trước khi gặp bệnh nhân, chị đều tham khảo trước thông tin cá nhân lưu tại hồ sơ bệnh án, hỏi thăm điều dưỡng về tính cách, sở thích cũng như hoàn cảnh từng người rồi mới tiếp cận. Tuỳ mỗi bệnh nhân mà chị làm quen theo cách khác nhau, có thể là lời chào trực tiếp hoặc thông qua cầu nối là các bác sĩ trực tiếp điều trị. 
Chị bộc bạch: “Không phải cứ nghĩ mình đi giúp người khác mà trò chuyện “trên cơ” bệnh nhân. Có bệnh nhân khó khăn vật chất; nhưng nhiều bệnh nhân chỉ cần một câu nói, cái bắt tay thôi đã giúp họ phấn chấn”. 
Với những bệnh nhân có suy nghĩ tự ti bản thân trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội thì cán bộ CTXH phải kéo cả người nhà bệnh nhân vào cuộc. Điều kiện trước tiên mà các tư vấn viên đặt ra là thân nhân người bệnh hãy luôn cười lạc quan trước mặt họ. 
Mỗi cán bộ tư vấn có một cách trò chuyện khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng như lời Bác sĩ Mận, phải giúp bệnh nhân giải toả được gánh nặng tâm lý: “Y học hiện đại có thể chữa khỏi các chứng bệnh; khó khăn về tiền bạc có thể vay mượn, cầm cố tài sản. Còn người còn làm ra của cải. Người bệnh cần nhớ rằng quá trình điều trị sẽ đạt hiệu quả cao khi có sự phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc để bệnh nhân có tinh thần thật thoải mái”, Bác sĩ Mận đưa lời khuyên với tất cả những ai đang mang gánh nặng bệnh tật.
Kinh nghiệm nữa của Bác sĩ Mận, đó là dẫn chứng những người nổi tiếng, những thầy thuốc giỏi không may mắc bệnh hiểm nghèo hiện đang sống khoẻ mạnh ra làm gương động viên tinh thần. Để làm được những điều đó, nữ bác sĩ cho rằng kĩ năng giao tiếp cộng với trình độ chuyên môn quyết định thành bại. 
Nguyên tắc được chị đúc kết bao năm qua là khi tiếp cận bệnh nhân luôn đặt lợi ích của họ lên trên, tạo cho bệnh nhân lòng tin nhân viên tư vấn sẽ giúp được gì đó. Liên quan vấn đề này, chị cũng trăn trở một điều là hiện nay nhiều bạn tình nguyện viên trẻ tuổi, kĩ năng tiếp xúc còn “non” nên chưa gây được lòng tin với người bệnh. Khó khăn nữa là các nhân viên CTXH tốt nghiệp chuyên ngành CTXH lại thiếu kiến thức về y tế nên chưa thực sự tự tin khi trò chuyện với bệnh nhân.
Ở bệnh viện Bạch Mai, ngoài các nhân viên CTXH, hàng ngày còn có hơn 30 sinh viên tình nguyện tỏa đi đến các vị trí “nóng” để hướng dẫn bệnh nhân làm các thủ tục, chỉ dẫn đến các địa điểm thăm khám, hỗ trợ họ lên xuống xe nhằm tạo cho người bệnh tâm lý được sẻ chia. Đối với trường hợp khó khăn, bệnh nhân không chỉ được trợ giúp trong quá trình điều trị mà phòng CTXH đều lưu lại số điện thoại liên hệ thăm hỏi, động viên.
Một vấn đề khác, CTXH sẽ khó thành công nếu không có các “mạnh thường quân” đứng sau. Đó cũng là lí do Bác sĩ Mận đặt ra tiêu chí hàng đầu phải giữ được chân “mạnh thường quân”. Chị luôn nhắc nhở nhân viên phải minh bạch thu chi, đảm bảo mọi sự giúp đỡ của nhà hảo tâm đến tận tay bệnh nhân: 
“Nếu ở gần, nhà hảo tâm sẽ trao quà trực tiếp cho bệnh nhân hoặc người nhà. Trường hợp họ nhờ bệnh viện trao giúp, đều có xác nhận, chữ kí người làm chứng và hình ảnh kèm theo. Ngoài ra chúng tôi cũng cập nhật thường xuyên tình hình sức khoẻ của bệnh nhân để các nhà hảo tâm dễ dàng nắm bắt”. 
Chìa khoá để kéo các nhà hảo tâm vào công tác từ thiện như lời nữ bác sĩ chia sẻ là phải tạo được lòng tin, biến hoạt động từ thiện thành nhu cầu của xã hội.
Một trong những thành công lớn của CTXH ởBbệnh Bạch Mai là đã tổ chức CLB bệnh nhân sinh hoạt với 3 nội dung: Tư vấn giáo dục sức khỏe, tặng quà và rèn tập kĩ năng thư giãn, tập yoga cười. Đầu tháng 11 vừa qua, buổi sinh hoạt đầu tiên của CLB Thận nhân tạo với ba nội dung trên diễn ra sôi nổi, thu hút gần 50 bệnh nhân tham gia. “Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức đều đặn những hoạt động này hàng tháng và mong muốn nhân rộng mô hình này trong bệnh viện”, Bác sĩ Mận cho biết./.

Đọc thêm