Những câu chuyện của người cận tử và quan điểm nhẹ nhàng về cái chết

(PLO) - Trở về từ Áo sau nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, TS Đặng Hoàng Giang đã liên tục cho ra mắt những cuốn sách tựa những trang phóng sự đầy nhân văn về xã hội đương đại, là những nhân vật có thực, hiện hữu trong cuộc đời. Sau Thiện ác và smathphone, Bức xúc không làm ta vô can và gần đây nhất là cuốn Điểm đến của cuộc đời… Ở đó, tác giả đã có một thời gian dài với những nhân vật là những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ung thư, trong hành trình cận tử của họ…
TS. Đặng Hoàng Giang trong một cuộc trò chuyện về 'Điểm đến của cuộc đời'.
TS. Đặng Hoàng Giang trong một cuộc trò chuyện về 'Điểm đến của cuộc đời'.

Sống, không phải dài hay ngắn

Thưa anh, tại sao anh bước vào hành trình không dễ dàng này, bởi cái chết là điều  không ai mong muốn và với những bệnh nhân ung thư càng là những ám ảnh khôn nguôi?

- Bố mẹ tôi cũng đã gần 80 tuổi nên tôi đã chuẩn bị tâm thế để chấp nhận được sự ra đi của họ và giúp họ chấp nhận sự ra đi của họ. Tôi không biết thần chết có thể đến với tôi, với vợ tôi hay với con tôi? Chúng ta sẽ đối mặt với nó như thế nào, chúng ta suy sụp, giận dữ, hoang mang, hay là chúng ta hiểu được quy luật của cuộc sống để xem nó như một trải nghiệm hoặc thử thách trong cuộc sống của chúng ta.

Trong triết lý nhà Phật có câu: “Đau một giây, chết một giờ”. Đó là mong muốn một cái chết nhanh chóng không đau đớn, ai cũng sẽ phải chết nhưng mỗi người sẽ chết trong một hoàn cảnh khác nhau. Có những người chết vì tuổi già, cũng có những người chỉ đau đớn một vài tiếng trước khi chết nhưng đối với những bệnh nhân ung thư, họ phải nếm trải sự đau đớn của thể xác lẫn sự cô đơn về mặt tinh thần trong một thời gian dài.

Đó là những mảnh đời “bị ẩn” dưới mọi lớp cắt của xã hội, bị đè nặng bởi 2 chữ: ung thư, là khoảng không gian của những sinh mệnh trẻ đang dằn vặt, hối tiếc, lo toan cho mục đích sống cuối cùng trong những giờ, những phút sau cùng ấy. Là câu chuyện của người mẹ trẻ Hoàng Vân, dành phần sức lực cuối cùng của mình để ghi âm vào điện thoại những lời dặn dò dành cho 2 đứa con 8 tuổi và 3 tuổi. Tất cả tình yêu của người mẹ trong vòng 18 năm tới dồn cả vào đoạn ghi âm 30 phút ngắn ngủi ấy. Bà mẹ ấy cũng đã chấp nhận sống trong mù lòa ở những ngày cuối đời sau khi thực hiện tâm nguyện để hiến giác mạc còn lành lặn cho những người còn sống.

Là chuyện của cô gái tên Huế, khi cuộc đời của cô ở tuổi 21 vẫn đang cố gắng hoàn thành lớp đại học, cố mang lại niềm vui cho người thân, bạn bè. Và điều kì lạ, cô bị bệnh đã 5 năm nay, vượt qua những tháng ngày đồng hành, hỗ trợ cùng những bệnh nhân ung thư khác. Như Huế chia sẻ, những bệnh nhân K như cô, họ không sợ chết, họ chỉ sợ những cơn đau đớn mà thôi… 

Và tôi cũng thấy được nhu cầu của chúng ta cần nói chuyện về cái chết. Hiện nay xã hội rất ngại nói về cái chết, người nhà và bác sĩ không dám nói về cái chết, sợ xui xẻo. Nhưng chúng ta cần nói về cái chết và có một khái niệm đó là “những trao đổi cuối đời”. Chúng ta sẽ xem những bệnh nhân có nguyện vọng gì, mong muốn gì vào những ngày cuối đời của họ, họ muốn làm gì và họ cần làm một số việc để khép lại cuộc đời của họ cho có ý nghĩa. Ví dụ họ cần tha thứ cho ai đấy và cần được xin tha thứ từ ai đấy. Họ phải nhìn lại cuộc đời của mình và cho nó một ý nghĩa.

Anh đã ghi lại tỉ mỉ những nỗi đau, những “thiên sứ” trong những phút giây sinh tử khi đồng hành với các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, với các câu chuyện về chị Hà và Nam - con trai 9 tuổi bị ung thư xương chày của chị, Liên (cô gái vừa tròn 22 tuổi khi bị chẩn đoán ung thư, mới có người yêu), và Vân (28 tuổi, có một gia đình nhỏ, rất nghèo, với người chồng thương yêu tên là Hoàng và hai con gái nhỏ). Lý do nào khiến “người lạ” tin tưởng trải lòng với anh?

- Tôi đã gặp khá nhiều người. Có những người không dám đối mặt với các trải nghiệm của chính họ. Có những người nói chuyện một lần với tôi, như một biện pháp trị liệu, nhưng họ không muốn mất thêm thời gian, không muốn hồi tưởng lại tỉ mỉ nữa. Chị Hà, Liên và Vân là những người đủ dũng cảm mở hết lòng mình, và tin tưởng để cho tôi tham dự vào cuộc sống của họ. 

Tôi gặp nhiều cản trở về tâm lý, lúc gặp gỡ những con người mà họ đã trải qua cảm giác mất mát hay khi chứng kiến những mảnh đời đang bị tàn lụi đi, tôi cảm thấy bất lực, tội lỗi vì đứng trước mặt họ mà chẳng thể giúp gì. Bệnh nhân ung thư họ luôn có tâm lý mặc cảm, tự ti, luôn nghĩ rằng sự tồn tại của họ trên đời này là vô nghĩa, họ không dám chia sẻ những suy nghĩ của họ cho người thân nhưng lại sẵn sàng nói hết với một người lạ. Là người ngoài cuộc, tôi hiểu được nỗi cô đơn trong họ, thứ họ cần là sự an ủi, được lắng nghe, khao khát được nghĩ, được sống cuộc sống ý nghĩa, nhưng họ lại đang thiếu những thứ đó bởi người thân họ luôn lảng tránh khi nói đến cái chết. Và từng bước một, họ đã tin tưởng và chia sẻ, khi họ cảm nhận được sự trân trọng và thấu hiểu của tôi.

Cuốn sách Điểm đến của cuộc đời.
Cuốn sách Điểm đến của cuộc đời.

Chấp nhận hơn là “chống chọi vô vọng”

Dường như qua đó, anh cũng “ngộ” ra những điều mới mẻ mà không phải thương theo truyền thống “còn nước, còn tát”?

- Trong hành trình đó, tôi đã nhìn thấy những nỗi đau rất kinh khủng. Điển hình là khi đứa con của chị Hà nói với mẹ: “Con chỉ cần mẹ thôi, con không sợ chết, đi đâu có mẹ là được," cái tuổi của bé, chưa hiểu nỗi đau của sự chia ly với cái chết. Tôi đã nhìn thấy nỗi đau thân xác hết sức kinh khủng của mọi người. 

Trong xã hội hiện đại thì người ta sẽ hành hạ người bệnh bằng những ca mổ, xạ trị, thuốc men cho đến phút cuối cùng bởi vì triết lý còn nước còn tát, nếu như dừng có nghĩa là đầu hàng. Làm như vậy, là chúng ta đã khước từ cái chết của người bệnh, đến khi người ta chết, mọi người vẫn không thể chào từ biệt nhau, không thể nói lời vĩnh biệt nhau được.

Người ta hay nói, anh hùng là người chống chọi với bệnh tật. Cũng có cái đúng, nhưng mặt khác chúng ta cũng cần thay đổi quan điểm về anh hùng. Người anh hùng là người nhận ra rằng đây là lúc cần phải đón chào cái chết, bắt tay với cái chết và chấp nhận nó, chứ không thể chống chọi một cách vô vọng. Bạn Liên ở Đà Nẵng đã làm được điều đó một cách tuyệt vời, bạn chỉ mới 28 tuổi, khi ung thư bị di căn thì bạn không hóa trị tiếp, vì bạn nói rằng: “Tôi muốn chất lượng cuộc sống của tôi, nếu tôi được sống 6 tháng bình yên, tôi có thể cười và nói rằng tôi không đau, không bị các biến chứng phụ, nó tốt hơn là trải qua 2 năm đầy những đau đớn”.

Và đấy là cái quan niệm rất là mới mà y học không chấp nhận và bạn ấy bị coi là người chống đối lại y học. Nhưng với tôi bạn ấy là một anh hùng, đã bình tĩnh nhìn vào cái chết của mình, chấp nhận nó, dùng thời gian cuối của mình một cách hợp lí nhất, vui vẻ nhất, thậm chí còn hài hước nữa cơ. Và khi bạn ấy chấp nhận cái chết và hài lòng với nó thì bạn ấy là con người tự do.

Điều anh đã học được sau một “hành trình” thấm đẫm nỗi đau này?

- Người ta không có tự do để khước từ bi kịch, không thể chạy trốn bi kịch, nhưng có tự do để lựa chọn thái độ của mình. Sống có nghĩa là vượt qua những thử thách mà cuộc đời đưa cho mình với sự đàng hoàng, nhân phẩm và lòng tự trọng. Tôi nhớ tất cả những lời tâm sự, những khoảnh khắc mà nhân vật của mình đã tin cậy chia sẻ với mình…

Nhiều khoảnh khắc, tôi thấy mình như một nhà sử học, tìm cách lưu lại dấu vết của họ, lịch sử của họ trên cõi đời này. Cảm giác ấy trỗi dậy khi tôi tìm hiểu rất cụ thể là ngày hôm đó họ mặc gì, nói câu gì lúc mấy giờ…Bên cạnh đó, tôi có cảm giác bất lực, tôi nhìn họ đuối dần, nhìn họ đau đớn khủng khiếp do bệnh tật hành hạ mà không giúp đỡ được gì… 

Bên trong bất cứ một người vô danh nào cũng là một vũ trụ rộng lớn. Sau “điểm đến của cuộc đời” tôi càng thấm thía rằng cuộc đời ai cũng có thể lấp đầy một cuốn sách. Va chạm nhiều với cái chết, tôi thấy mình bớt ghét người khác hơn, kể cả những người khiến mình phát điên. 

Hàng ngày, tôi tập trung hơn trong những chuyện trò với mọi người, vì tôi không biết sẽ gặp người ta nữa hay không? Tôi cũng cẩn trọng để giữ lời hứa hơn, kể cả những lời hứa nhỏ. Và nhiều lúc tôi nhìn thế giới qua con mắt của người cận tử, của người chỉ còn một vài năm để sống. Cây cỏ, người xa lạ, cái gì cũng rực rỡ lên, đẹp lên, trìu mến lên. Mỗi sự kiện, dù tầm thường hay nhỏ bé trở nên đặc biệt, vì có khả năng đó là sự kiện cuối cùng mà họ được trải qua. Tôi sắp xếp lại những ưu tiên. Tôi thấy mình bình tĩnh hơn, ít bị lôi kéo bởi ham muốn, bởi những nhốn nháo, nhớn nhác trong xã hội.

Tôi cũng có những thay đổi trong việc nhìn nhận người khác. Trước đây, tôi khâm phục những người làm được việc lớn lao như: chính trị gia, nhà khoa học, nhà thám hiểm… Giờ đây tôi thấy những người như Hoàng, thợ sửa xe máy, người đã chăm sóc, lau chùi cho vợ trong suốt 10 tháng (Hoàng là chồng của Vân, một trong ba nhân vật chính trong cuốn Điểm đến của cuộc đời) là một người anh hùng thực sự. Tôi thấy cậu ấy thật là đáng ngưỡng mộ.

Và kết thúc hành trình 1 năm này thì gia đình tôi đi đăng ký hiến tạng, trong đó có cả đứa con gái 11 tuổi của tôi. Chúng tôi cũng nói chuyện rất nhiều với nó, khi mà nó đặt bút xuống, tick vào những ô như “gan”, “phổi”, và đến “tim” thì nó ngừng lại, bảo là: “Con sợ!”. Nhưng cuối cùng nó cũng vượt qua được nỗi sợ và đặt bút tích vào ô đấy, nó cũng hiểu rằng đến lúc nào đấy tôi sẽ biến mất, nó sẽ biến mất…

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Đọc thêm