Những nghịch lý trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam

(PLO) - Mặc dù số người hút thuốc lá đã bắt đầu có chiều hướng giảm dần nhưng Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có số người hút thuốc lá ở mức cao trên thế giới. Cùng với đó, trong hơn hai năm, tổng số tiền xử phạt vi phạm thuốc lá mới được hơn 400 triệu đồng, qua đó có thể thấy chế tài xử phạt vi phạm về phòng chống tác hại thuốc lá còn chưa mạnh, hoạt động thanh, kiểm tra còn mỏng, lẻ tẻ ở một số địa phương. 
Một cuộc diễu hành tuyên truyền, phổ biến tác hại của thuốc lá
Một cuộc diễu hành tuyên truyền, phổ biến tác hại của thuốc lá

Hiệu quả luật chưa đạt như mong muốn

Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực từ năm 2013, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị định hướng dẫn thi hành luật, trong đó quy định rõ địa điểm cấm hút thuốc lá, việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm…

Thế nhưng qua năm năm, việc thực thi vẫn kém hiệu quả, tại các địa điểm công cộng, tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra tràn lan. Đơn cử như trong khuôn viên của các bệnh viện, người nhà lẫn bệnh nhân vẫn hút thuốc bình thường mặc dù nhiều người biết có quy định cấm hút thuốc nhưng vẫn bất chấp. Và cũng có không ít người vô tư hút mà không hề biết tới quy định cấm đó.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Ước tính có khoảng trên 20 triệu nam giới hút thuốc lá, đây là một con số rất lớn. Tuy nhiên, chế tài xử phạt chưa đạt được như mong muốn. Ở các nước thì xử phạt nghiêm khắc, còn ở Việt Nam việc xử phạt khó khăn, mặc dù chúng ta đã có luật rồi”.

“Bước ra khỏi máy bay của Việt Nam vào sân bay của Singapore thì chẳng ai dám hút thuốc vì luật rất nghiêm. Nhưng ở Việt Nam bước ra khỏi sân bay Nội Bài là hút nhưng chưa thấy ai phạt. Có thể thấy chế tài còn khá khó khăn cho nước ta mặc dù trong Luật đã nêu”, Cục trưởng Khuê dẫn chứng. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, những con số về việc thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cho thấy, hoạt động này mới chỉ diễn ra ở một số địa bàn nhất định, không thường xuyên, kết quả thu được không nhiều. 

Năm 2015, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 191 triệu đồng do thanh tra Bộ Y tế, công an và đoàn kiểm tra liên ngành các tỉnh thực hiện. Năm 2016, Thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra tại ba tỉnh, thành (Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế), xử phạt 16 cơ sở với số tiền 136 triệu đồng. Trong ba tháng đầu năm 2017, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra của UBND quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ kiểm tra tại 171 nhà hàng, khách sạn, phạt 23 đơn vị với số tiền phạt gần 60 triệu đồng. Tại Hải Phòng, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 62 đơn vị, cơ sở kinh doanh, các khách sạn nhà hàng, cửa hàng bán lẻ thuốc lá, phạt 12 đơn vị với số tiền 30 triệu đồng. Bộ Công an phạt 15 trường hợp, phạt 13,5 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền phạt tính đến nay là 430 triệu đồng. 

Cùng với đó, theo báo cáo tổng kết hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá từ năm 2014 - 2016 của Bộ Công an (do Cục Y tế làm đầu mối), tổng số các vụ buôn lậu thuốc lá bị bắt và xử lý: 1.532 vụ, phạt tiền: 19,44 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bày bán các sản phẩm thuốc lá lậu vẫn diễn ra khá phổ biến tại các thành phố lớn.

Đề xuất tăng thuế để giảm tỷ lệ người hút

Theo mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, ngày 25/01/2013, của Thủ tướng Chính phủ: “Sẽ phải giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới còn 39% vào năm 2020, tức là giảm 6,3% so với năm 2015”. Để đạt được mục tiêu quốc gia của Chính phủ và đồng thời giảm tỉ lệ mắc và tử vong do thuốc lá gây ra, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc tăng thuế có thể có hai phương án:

Phương án 1: Từ năm 2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ở mức 2.000 đồng/bao. Với mức tăng thuế như trên, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 3%; giúp tránh được 300.000 ca tử vong sớm do thuốc lá; tăng doanh thu thuốc lá thêm 6.300 tỷ/năm.

Phương án 2: Từ năm 2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ở mức 5.000 đồng/bao. Với mức thuế tăng như trên, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,3%; giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do thuốc lá; tăng doanh thu thuốc lá thêm 10.700 tỷ/năm. 

Tăng thuế thuốc lá có hai lợi ích cơ bản, làm giảm sử dụng thuốc lá, ngăn ngừa thanh, thiếu niên hút thuốc và giúp tăng thu thuế cho ngân sách nhà nước. Theo tổng kết của WHO từ kinh nghiệm của các quốc gia, trung bình khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trên phạm vi toàn cầu khi tăng thuế 10% sẽ giúp tăng thu thuế thuốc lá của Chính phủ thêm 7%.

Tuy nhiên, với những đề xuất tăng đó, có nhiều lo ngại rằng tăng thuế thuốc lá sẽ làm tăng thất nghiệp, gia tăng buôn lậu và tăng thất thu ngân sách, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, người kiêm nhiệm chức Giám đốc Quỹ phòng chống thuốc lá cho rằng điều này là thiếu cơ sở.

Lý giải cho vấn đề đó, ông Khuê cho rằng ngành sản xuất thuốc lá điếu sử dụng nhiều máy móc và rất ít lao động. Số lượng lao động chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong các nền kinh tế. Nghiên cứu của Trường Đại học Thương mại năm 2014 cho thấy nếu tiêu dùng thuốc lá giảm, người tiêu dùng sẽ chuyển sang các loại hàng hóa khác và tạo thêm nhiều việc làm hơn ở các ngành sản xuất khác, số việc làm tạo thêm lớn hơn số việc làm mất đi.

Số liệu trên thế giới cho thấy buôn lậu thuốc lá không liên quan tới việc tăng thuế. Ở nhiều nước, ví dụ Brazil, khi giảm thuế thuốc lá, buôn lậu không giảm; khi tăng thuế, buôn lậu không tăng. Quy mô của buôn lậu phụ thuộc chủ yếu vào các hoạt động phòng chống buôn lậu và sự minh bạch trong công tác quản lý. 

Tại Việt Nam buôn lậu thuốc lá có ba nguyên nhân chính: Hàng rào thuế nhập khẩu, gu hút thuốc và kiểm soát buôn lậu còn nhiều thách thức. Gu hút thuốc thể hiện rất rõ: Theo số liệu của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, 90% thị phần thuốc lá lậu tập trung ở 5 nhãn hiệu Jet, Hero và giá thuốc lá lậu tại Việt Nam cao hơn thuốc lá hợp pháp. Bên cạnh đó, thuốc lá lậu hiện vẫn chưa được kiểm soát tốt ở khâu bán lẻ tại thị trường trong nước. 

“Tại Thái Lan, tỷ lệ thuế rất cao, chiếm tới 70% giá bán lẻ (tương đương với việc Việt Nam đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 600-700%). Với tỷ lệ thuế này, Thái Lan đã chặn được tốt độ tăng của tỷ lệ hút thuốc. Mặc dù vậy, do thuốc lá là sản phẩm gây nghiện nên việc tăng thuế chủ yếu có tác dụng ngăn ngừa người hút mới là thanh, thiếu niên và người nghèo nên ngành công nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều vì doanh số không giảm mạnh. Sản lượng thuốc lá điếu của Thái Lan là 2 tỷ bao tức là bằng một nửa Việt Nam. Nhưng số thu thuế của Thái Lan đạt 2 tỷ USD, gần gấp 3 lần số thu của Việt Nam là khoảng 700 nghìn USD”, PGS Khuê dẫn chứng./.