Nhũng nhiễu - biến tướng của văn hóa quản lý?

(PLO) - Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có một đợt kiểm tra 4 bệnh viện, chứng kiến cảnh 4 người một giường bệnh, nghe ý kiến người dân phản ảnh về thái độ phục vụ của đội ngũ y tế. Sau việc kiểm tra này, kết quả của một cuộc khảo sát nhanh, đã có một danh sách bác sỹ, điều dưỡng viên,... nhũng nhiễu bệnh nhân.
Bộ trưởng Y Tế thăm hỏi người bệnh và người nhà
Bộ trưởng Y Tế thăm hỏi người bệnh và người nhà

Nhũng nhiễu đã trở thành một hành vi quá quen thuộc trong mọi lĩnh vực chứ không cứ chỉ trong bệnh viện. Nếu làm được như ngành Y tế là lập danh sách các cán bộ nhũng nhiễu dân thì sẽ có một danh sách dài vô tận.

Ví dụ, phương tiện giao thông đang lưu hành bình thường thì bị “tuýt” lại và cái động thái vô lý (và vô pháp nữa) được khoác cho cái áo hợp pháp là “kiểm tra hành chính”, nghĩa là nếu đầy đủ giấy tờ, có gương, lốp không non hơi,... thì cho đi, cố ý “bới lông tìm vết” ra một cái lỗi gì đó thì phạt. Chỉ thế thôi nhưng làm mất thời gian của người ta và gây nên tâm lý ức chế cho người bị dừng phương tiện.

Ví dụ nhỏ đó để thấy rằng những người thi hành công vụ tạo ra rất nhiều cái cớ để nhũng nhiễu và cũng minh họa cho hành vi nhũng nhiễu là như thế nào. Tại kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh đang diễn ra, sự nhũng nhiễu của cán bộ bị phản ảnh tại diễn đàn này khá nhiều, chẳng hạn xây một cái nhà cấp 4 mà bị Thanh tra xây dựng “hỏi thăm” đến 3, 4 lần thì đó là gì?

Nhũng nhiễu càng trở nên phổ biến khi thực hiện những việc thuộc về chức năng quản lý xã hội, quản lý nhà nước. Điển hình nhất là việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở đã trở thành mảnh đất béo bở cho sự nhũng nhiễu. Đây là việc phải làm, là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, chính quyền nhưng người ta lại lợi dụng để làm khó dễ người dân nhằm mục đích kiếm tiền, thật tệ hại!

Các việc khác cũng tương tự vậy như cấp giấy tờ tùy thân, cấp chứng nhận sở hữu tài sản,... hoàn toàn thuộc lĩnh vực quản lý, nhiệm vụ của các nhà chức trách địa phương, thế mà lại là địa hạt cực tốt để nhũng nhiễu hoành hành. Chỉ cần một chủ trương rất nhỏ là phạt xe không chính chủ thôi mà lập tức, công an vào tận nhà trọ thu giữ giấy tờ xe của sinh viên, của người lao động tỉnh xa với cái cớ “không chính chủ”. Pháp luật nào cho phép để cơ quan chức năng thực hiện những hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu của công dân đến vậy?

Đã trở thành tâm lý phổ biến trong xã hội là làm bất cứ điều gì có quan hệ đến sự quản lý của chính quyền hoặc cơ quan chức năng là phải có tiền. Hiện trạng đáng buồn này nhiều năm trước, ông Nguyễn Bá Thanh từng cảnh báo, đại ý: “Cán bộ ta đừng như con cá heo, cứ phải nhét thức ăn vào mồm thì mới biểu diễn!”.

Tiếc thay, tình trạng đó không bị chấm dứt mà nó cứ tiếp diễn ngày càng sâu rộng hơn. Văn hóa quản lý với nguyên tắc “Vì nhân dân phục vụ”, chủ trương xây dựng một chính quyền phục vụ, tất cả vì lợi ích của nhân dân rất tốt đẹp nhưng bị phá hỏng hình ảnh bởi sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong chính bộ máy đó!  

Đọc thêm