Những sự thật thú vị về não bé

(PLO) - Nếu không phải vì bị giới hạn bởi kích thước cửa mình của mẹ thì có lẽ các bé sẽ tiếp tục ở trong bụng mẹ và phát triển thêm một khoảng thời gian khá dài nữa...
Những sự thật thú vị về não bé

Bé yêu nào trông cũng thật bụ bẫm, xinh xắn với cái đầu lơ thơ tóc và những câu nói bi bô. Cha mẹ luôn tự hỏi không biết bé đang nghĩ gì, não bộ của bé hoạt động ra sao? Dưới đây là 11 điều về bộ não của bé mà cha mẹ nên biết:

1. Tất cả em bé đều được sinh ra quá sớm

Theo các nhà sinh học, nếu không phải vì bị giới hạn bởi kích thước cửa mình của mẹ thì có lẽ các bé sẽ tiếp tục ở trong bụng mẹ và phát triển thêm một khoảng thời gian khá dài nữa.

Theo nhà thần kinh học Lise Eliot, tác giả của các cuốn sách What's Going on in There? How the Brain and Mind Develop in the First Five Years of Life (Bantam, 2000), khung xương chậu của phụ nữ tương đối hẹp..., để lọt qua được cửa mình của mẹ, bộ não của bé chỉ đạt kích cỡ bằng ¼ não người trưởng thành.

Theo đó, một số nhà nhi học cho rằng 3 tháng đầu đời của bé là “thai kỳ thứ tư” của quá trình mang bầu để nhấn mạnh rằng bé còn thiếu và cần các kỹ năng xã hội ở tầm tuổi này. Những nụ cười đầu tiên không xuất hiện cho tới khi bé được 10 tới 14 tuần tuổi và chỉ tới khi đạt 5 tháng bé mới biết theo.

2. Não của bé nương theo phản ứng của người chăm sóc để phát triển

Theo nhà nghiên cứu phát triển ngôn ngữ Michael Goldstein từ ĐH Cornell, não bộ của bé sử dụng phản ứng của người chăm sóc để phát triển. Ở thời điểm này bé chưa kiểm soát được não bộ, do đó những nỗ lực áp dụng kỷ luật hay lo lắng về việc làm hư bé là không cần thiết. Đây là thời điểm bé học về đói, cô đơn, khó chịu, mệt mỏi và cảm giác giải tỏa cơn đau. Các chuyên gia gợi ý rằng cha mẹ có thể giúp bé trong giai đoạn này bằng cách đáp ứng lại các nhu cầu của bé.

Tuy nhiên, khóc là hiện tượng hoàn toàn bình thường mà bố mẹ dù có chăm sóc bé thế nào bé vẫn khóc, đỉnh điểm là khoảng thời gian được 46 tuần tuổi (tính cả tuổi thai).

Các chuyên gia cho rằng tiếng khóc gắn liền với quá trình phát triển thể chất và do đó đỉnh điểm của việc bé khóc là như nhau (46 tuần kể cả tuổi thai), cho dù bé ra đời sớm hay muộn.

3. Làm mặt xấu và bi bô là những hành vi quan trọng

Theo bà Alison Gopnik, khi bé bắt chước khuôn mặt của người chăm sóc, nó kích thích những cảm xúc ở bé. Nó giúp bé xây dựng những hiểu biết về giao tiếp cảm xúc và có thể giải thích tại sao cha mẹ thường làm mặt vui và mặt buồn với bé, như vậy làm bé dễ bắt chước hơn. Bi bô là một phản ứng bản năng khác mà các nhà nghiên cứu cho rằng rất quan trọng với sự phát triển của bé sơ sinh. Nó giúp bé thực hành ngôn ngữ và nối các từ với nhau.

4. Bộ não phát triển rất nhanh

Khi mới được sinh ra, bộ não người, tinh tinh giống nhau hơn là khi nó đã phát triển đầy đủ.

Sau khi sinh ra, bộ não người nhanh chóng phát triển, được một năm tuổi là lúc kích cỡ của nó đạt gấp hơn hai lần - bằng 60% của kích cỡ trưởng thành. Khi đến tuổi mẫu giáo, bộ não đã đạt kích cỡ cực đại nhưng vẫn chưa hoàn thiện cho tới khi đạt 20 tuổi. Ngay cả khi đó bộ não vẫn không ngừng thay đổi theo cuộc sống.

5. Nhận thức chưa rõ ràng
Não bộ của bé có nhiều liên kết nơron hơn rất nhiều so với não bộ của người lớn, đồng thời có ít dẫn truyền thần kinh ức chế hơn. Do đó các nhà nghiên cứu như Gopnik đã gợi ý rằng khả năng nhận thức thực tế của bé không tập trung bằng người lớn. Bé nhận thức mọi thứ kém rõ ràng hơn, bé chưa đánh giá được điều gì là quan trọng. Khả năng nhận thức của bé lúc này chỉ như ánh đèn lồng chấp chới, trong khi nhận thức của người lớn như ánh đèn pin, biết tập trung vào những điều cụ thể và bỏ qua những tiểu tiết xung quanh.
Khi bé lớn lên, bộ não sẽ được gọt giũa, kinh nghiệm sẽ giúp hệ thần kinh của bé được điều chỉnh và phát triển phù hợp. Những người có khả năng sáng tạo có thể giữ lại những khả năng suy nghĩ như những bé sơ sinh.

6. Bi bô thể hiện bé đang học hỏi

Trong “ánh sáng chập chờn của đèn lồng”, đôi lúc bé vẫn có khả năng tập trung. Mỗi khi tập trung, bé sẽ bi bô để thể hiện sự hứng thú và rằng bé đã sẵn sàng học hỏi. Eliot nói điều duy nhất ta biết có thể giúp bé thông minh hơn là nói chuyện với bé, tốt nhất là khi bé đang thể hiện sự quan tâm và dừng lại để lắng nghe.

7. Không nên phản ứng thái quá

Khi cha mẹ nắm lấy mọi cơ hội để đáp ứng các biểu hiện của bé và được đáp ứng 100%, bé sẽ chán và bỏ đi.

Cha mẹ chỉ phản ứng lại tầm 50-60% những biểu hiện bi bô của bé. Trong phòng thí nghiệm, Goldstein phát hiện ra rằng phát triển ngôn ngữ có thể tăng lên khi bé được đáp ứng tầm 80%. Trên mức này, khả năng học tập của bé lại giảm xuống.

Cha mẹ cũng có thể giúp bé học ngôn ngữ dần bằng cách giảm phản ứng với những âm thanh vô nghĩa bé đã lặp lại nhiều lần mà tăng phản ứng với những âm thanh mới, gần với từ ngữ hơn của bé, thể hiện sự thích thú, như vậy dần dần bé sẽ đáp ứng lại và ghép các mẩu từ với nhau, bé sẽ học nói nhanh hơn.

8. Băng, đĩa giáo dục không có tác dụng

Khác với khi mới sinh, để học ngôn ngữ, bé rất cần những phản ứng xã hội. Goldstein nỏi rằng bé chia thế giới thành 2 nhóm, nhóm phản ứng với chúng và nhóm không phản ứng. Những gì không phản ứng với chúng không dạy được chúng điều gì. Và vì băng đĩa giáo dục không tương tác, do đó chúng hoàn toàn không có tác dụng với não bộ của bé. Muốn bé thông minh, cha mẹ nên bỏ những thứ này đi mà chơi với bé.

9. Bé cần được trấn an và đối xử dịu dàng

Nhu cầu được giao tiếp của bé không có nghĩa lúc nào bé cũng cần có người trêu chọc cả ngày. Bé chưa có khả năng tập trung cao và dễ bị quá khích. Do đó đôi khi bé chỉ cần được trấn tĩnh bằng cách ôm ấp, rung nhẹ, đung đưa, với ánh sáng dịu và bao bọc lại những bộ phận cơ thể bé chưa làm chủ được. Được trấn tĩnh và ngủ được vào ban đêm sẽ giúp bé tăng khả năng học hỏi, ít nhất với bé từ 12 tháng tuổi trở lên, theo gợi ý từ một nghiên cứu năm 2010 công bố trên tờ journal Child Development.

10. Thích ứng với tiếng ồn

Bé nghe chưa tốt, cũng chính vì lý do này mà tiếng khóc của bé chẳng làm bé khó chịu như người lớn. Và khác với người lớn, bé chẳng phân biệt được âm thanh với những tiếng động xung quanh. Chính vì thế mà bé sơ sinh vẫn có thể ngủ ngon lành ở nơi đông người hay cạnh máy chạy ro ro.

Cũng vì thế mà việc bật tivi hay nhạc thường xuyên sẽ khiến bé khó học ngôn ngữ và phân biệt các âm thanh hơn. Dù bé thích âm nhạc, âm nhạc phải được lắng nghe tập trung chứ không nên dùng làm âm thanh nền.

11. Không chỉ cần bố mẹ

Bé không chỉ cần bố mẹ mà còn cần nhiều mối quan hệ xung quanh. Theo một nghiên cứu công bố trên tờ Monographs of the Society for Research in Child Development năm 1995, bé sẽ học được nhiều nhất khi chung quanh có ít nhất 3 người lớn luôn bên cạnh.

Các nhà nghiên cứu như Sarah Hrdy, tác giả của cuốn Mothers and Others xuất bản năm 2009 cho rằng việc ở bên những người chăm sóc không phải là bố mẹ như ông bà hay cô giáo, bạn bè của gia đình… giúp bé sơ sinh học, hiểu những biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt và tăng khả năng hiểu những người xung quanh hơn. Theo các nhà nghiên cứu, bé có khả năng giải mã cảm xúc của người khác khi được 7 tháng tuổi.


Đọc thêm