Nỗ lực phòng ngừa giúp người già thanh thản tuổi xế chiều

(PLO) - Nhiều công ty bảo hiểm và các trung tâm chăm sóc sức khỏe ở Đức đang tích cực đầu tư vào các biện pháp chăm sóc sức khỏe mang tính phòng ngừa nhằm cải thiện sức khỏe của người già, từ đó vừa giúp nhóm nhân khẩu học này có được cuộc sống dễ chịu hơn ở tuổi xế chiều, vừa giúp tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe trong dài hạn cho ngân sách.
Hình minh họa
Hình minh họa

Hướng điều trị thay thế phẫu thuật

Bác sỹ người Đức Dieter Hotzelmann tỏ ra thất vọng khi nói về cách tiếp cận mặc định trong chăm sóc sức khỏe cho người già, tức cách chăm sóc với những cuộc phẫu thuật, tuhoocs men, rồi lại phẫu thuật mà đôi khi mọi việc đã là quá muộn. 

“Thật vô nghĩa khi thực hiện phẫu thuật thay hông mới cho một người đã 90 tuổi. Việc đó là quá ngu ngốc”, ông nói. Bác sỹ Hotzelmann lấy một trong những khách hàng mới nhất của ông làm dẫn chứng. Đó là bà Ingeborg Meier, 86 tuổi. 

Hồi đầu năm nay, phần hông của bà Meier đột ngột bị đau nhức. Sau khi nghe lời khuyên của bác sỹ, bà đã quyết định tiến hành phẫu thuật thay khớp hông. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật không khiến những cơn đau của bà biến mất.

Trên thực tế, trong nhiều tháng sau đó, bà đã phải dùng đến nạng để di chuyển – một việc vô cùng khó chịu với một người vốn lâu nay quen độc lập, thích làm vườn như bà.

Theo bác sỹ Hotzelmann, các khớp của bà Meier vẫn hoạt động tốt. “Nếu gặp bà ấy trước cuộc phẫu thuật, tôi sẽ cản lại vì tôi nghĩ vẫn có thể làm gì đó thay vì thay khớp”, ông nói. “Làm gì đó” mà vị bác sỹ nói đến ở đây chính là các bài tập thể dục và các liệu pháp phục hồi chức năng mà phòng khám của ông vẫn sử dụng để ngăn chặn  và đẩy lùi những rắc rối về sức khỏe thường gặp ở người già. 

Phòng khám của bác sỹ Hotzelmann cũng là một trong những nơi đầu tiên ở Đức thực hiện việc điều trị cho người già theo hướng này tích cực cải thiện tình hình thông qua tập luyện, trị liệu thay vì mổ xẻ.

Ý tưởng mở phòng khám Pro Mobil được bác sỹ Hotzelmann – một bác sỹ đa khoa chuyên về lão khoa và nắn xương nhận thấy có lỗ hổng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là người già là chỉ điều trị bệnh tình khi các triệu chứng bệnh đã tăng mạnh. 

Logic của bác sỹ Hotzelmann khá đơn giản, đó là cố gắng hướng người già tập luyện để duy trì sức khỏe càng lâu càng tốt. Theo hướng này, nhóm các chuyên gia trị liệu và bác sỹ của ông đã tích cực hướng dẫn người già tập luyện các bài tập tăng cường sức khỏe với máy móc, bóng nảy… để giúp họ có thể tiếp tục sống độc lập và di động lâu nhất có thể kể từ khi phát sinh các vấn đề về sức khỏe. 

Ông Hotzelmann cho rằng, cách thức điều trị theo hướng này có thể giúp Chính phủ tiết kiệm hàng tỉ USD tiền chi phí chăm sóc sức khỏe cho người già. “Nếu một khóa điều trị kéo dài 4 tuần có thể giúp cải thiện những triệu chứng bệnh ở người già, giúp họ có thể tiếp tục sống ổn định tại nhà trong 3 đến 4 tuần thì đó sẽ là một khác biệt đáng kể so với việc tiến hành phẫu thuật hay các biện pháp can thiệp ngay từ đầu, nhất là khi đối tượng là người bệnh đã ngoài 80 tuổi”, ông nói.

Trong trường hợp của bà Meier, trước đây, để đi được 6m bà phải mất 31 giây nhưng chỉ sau 2 tuần tập vật lý trị liệu tích cực, bà đã có thể tự đi không cần dùng nạng chỉ trong 24 giây. Cảm giác thăng bằng của bà cũng đã được cải thiện đáng kể. Một bệnh nhân vốn bị liệt một bê người vì đột quỵ cũng đã có thể đi lại được sau một thời gian được trị liệu tích cực. 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo các nhà quan sát, đây là vấn đề rất quan trọng bởi chỉ sau 1 thập kỷ, số người già đã chiếm 1/3 dân số Đức. Các nhà làm luật của nước này đã nhận ra rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe phổ quát hiện đã có những bất cập, cần có một mô hình mới để chăm sóc cho nhóm dân số già. 

Các số liệu thống kê cho thấy người Đức đóng góp khoảng 21% thu nhập cho an sinh xã hội, trong đó mức đóng góp cho bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe dài hạn lần lượt là 7,3 và 1,275%. Trong số những nước châu Âu, đến  năm 2060, Đức dự kiến sẽ trở thành một trong những nước có sự gia tăng chi phí công cho chăm sốc sức khỏe dài hạn lớn nhất.

Đó là lý do tại sao năm 2015, Đức thi hành đạo luật Chăm sóc sức khỏe dự phòng, trong đó nhấn mạnh những trách nhiệm mà các nhà cung cấp bảo hiểm y tế ở nước này phải thực hiện nhằm đảm bảo người Đức có được sự khỏe mạnh nhiều nhất có thể và không phải tới các cơ sở y tế để điều trị bệnh. 

Hình minh họa
Hình minh họa

Đến nay, một số công ty tại Đức đã đi đầu trong việc thực hiện việc này. Ví dụ, công ty AOK đã có nhiều biện pháp để khuyến khích 24 triệu thành viên của công ty duy trì lối sống khỏe mạnh ngay từ khi còn trẻ.

Công ty này cũng cung cấp hàng loạt những khóa học về các vấn đề, từ dinh dưỡng tới ngăn ngừa tình trạng trầm cảm, và mới đây nhất là ứng dụng tập thể dục với nhiều chương trình hấp dẫn để khuyến khích các thành viên tích cực vận động, nâng cao sức khỏe. 

“Khi người ta ít cần tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe thì số viện dưỡng lão cũng ít đi, từ đó giúp nền kinh tế tiết kiệm được những khoản tiền lớn”, bác sỹ Hotzelmann phân tích. 

Theo ông Hotzelmann, để giúp người già có được cuộc sống tự lập nhiều nhất có thể cần bắt đầu với việc thay đổi cách thức chăm sóc người già tại gia đình. “Nhiều người thường lo sợ người thân của mình bị ngã, bị mệt nên giành làm hết mọi việc. Đó là quan niệm sai lầm”, ông nói.

Vị bác sỹ này cho rằng người già nên được khuyến khích tự làm mọi việc nhiều nhất có thể, dù việc này có thể khó khăn và mất thời gian. “Nếu họ chỉ ngồi, cơ bắp của họ sẽ yếu đi, cảm giác thăng bằng cũng tệ dần. Dần dần, họ sẽ mất đi sự độc lập của mình”, bác sỹ Hotzelmannn phân tích. 

Để khắc phục tình trạng này, trung tâm Pro Mobil ở thị trấn Waren của Đức của ông đã tích cực hướng dẫn người già với các bài tập trị liệu Ví dụ, cụ bà Gertrude Fiege được hướng dẫn nặn một cục bột thành các hình dạng theo chỉ dẫn của chuyên gia trị liệu Ulrike Baumotte.

Nhờ kiên trì tập luyện mà cụ đã cải thiện được đáng kể tình trạng mất sức cầm nắm và sự linh động của những ngón tay – một hiện tượng khá phổ biến ở người già, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. 

“Khi bạn không thể mở được nắp một chiếc bình, không thể đổ được nước từ nồi khoai tây luộc hay không thể tự mở được cửa, cuộc sống hàng ngày sẽ trở nên vô cùng khó khăn”, chuyên gia Baumotte phân tích. Trong trường hợp của bà Fiege, bà được hướng dẫn tập trị liệu khá sớm, trước khi tay chân của bà trở nên quá yếu đến mức không thể làm gì nên hiệu quả được dự báo sẽ khá tốt.

Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng việc chăm sóc sức khỏe mang tính phòng ngừa cần phải thực hiện sớm chứ không phải khi đã già. “Bệnh tật có thể đến bất cứ lúc nào chứ không chỉ tuổi già. Vì vậy, tôi đã luôn nghĩ về các biện pháp để có thể tránh các  vấn đề về bệnh tật dù tuổi già còn cách tôi khá xa”, một thanh niên 20 tuổi tên Hanes Kolbe cho biết. 

Chuyên gia về chăm sóc sức khỏe Werner Mall cũng cho rằng việc đầu tư vào các biện pháp chăm sóc sức khỏe với ngay từ người trẻ là cần thiết. “Điều đó cũng tương tự như việc đầu tư vào thế hệ tiếp theo. Chắc chắn làm tốt việc đó sẽ giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe trong dài hạn”, ông nói.

“Nhân khẩu học đang thay đổi nên nhiều người có thể sống đến cả 30 năm sau khi đã nghỉ hưu. Nhưng người đó có sống 30 năm đó trong khỏe mạnh hay lúc nào cũng cần có người chăm sóc đều phụ thuộc vào việc chăm sóc sức khỏe mang tính phòng ngừa”, chuyên gia Thomas Meisner tổng kết.

Đọc thêm