PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn: Hành trình một trái tim vì vạn trái tim

(PLO) -Với tâm huyết của người luôn lấy tính mạng người bệnh làm lẽ sống, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội luôn tâm niệm: “Đứng trước người bệnh, người thầy thuốc chỉ có một sự lựa chọn là làm thế nào để mang tới niềm hạnh phúc cho họ, đó là khỏi bệnh, là kéo dài sự sống”.
 
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn: Hành trình một trái tim vì vạn trái tim

Ước mơ của cố GS.Tôn Thất Tùng

Nguyễn Quang Tuấn sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội. Ngay từ khi còn là cậu học trò cấp 3, anh đã thần tượng cố GS.Tôn Thất Tùng, cha đẻ của chuyên ngành tim học Việt Nam - đồng thời ấp ủ mang lại hi vọng sống, được làm người bình thường cho các bệnh nhân tim. Từ hoài bão đó, anh sớm xác định con đường nghề nghiệp cho mình và quyết tâm thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội.

Nhưng chỉ ít ngày trước khi trở thành tân sinh viên trường Y, anh nhận được lệnh nhập ngũ lên biên giới phía Bắc. Phải mất hơn 3 năm trong quân ngũ, anh lính trẻ mới quay trở về giảng đường đại học vẫn với niềm háo hức và khát vọng tràn đầy...

Anh bảo, những năm quân ngũ đã giúp anh có sự tự tin, dạn dày của một người đã từng ở rất gần lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, giúp anh nhìn cuộc sống thật hơn. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, anh tiếp tục học bác sĩ nội trú chuyên ngành tim mạch, sau đó đi tu nghiệp về tim mạch can thiệp tại Pháp.

Tốt nghiệp xuất sắc tại trường Đại học Toulouse (Pháp), BS Tuấn nhận được lời mời từ giáo sư của trường ở lại làm việc. Nhưng với mong muốn đem trí tuệ và tâm huyết cống hiến cho y học nước nhà, anh quyết định về Việt Nam vào năm 1997. Dù cho lúc ấy, trình độ kỹ thuật của Việt Nam còn non nớt, trang thiết bị y tế còn lạc hậu.

Năm 2005, BS Tuấn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Y Hà Nội và 4 năm sau, anh được phong hàm phó giáo sư. Trong thời gian này, anh đã tham gia biên soạn, xuất bản nhiều sách và có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên ngành tim mạch.

Ngoài thời gian làm quản lý, trực tiếp thực hiện các ca phẫu thuật hay hội chẩn những ca bệnh khó, BS Tuấn còn tham gia công tác đào tạo, giảng dạy. Nói về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, anh quan niệm một bác sĩ giỏi chỉ chữa được cho một số người bệnh, còn nếu đào tạo được 5 hay 10 bác sĩ giỏi thì sẽ có thêm rất nhiều người khỏi bệnh.

Chính vì thế, BS Nguyễn Quang Tuấn luôn dành thời gian, tâm huyết đào tạo nhiều thế hệ BS trẻ trưởng thành, góp phần phục vụ và cứu sống nhiều bệnh nhân. Anh thường căn dặn các học trò: “Làm người thầy thuốc phải có một nội lực thật mạnh mẽ, nội lực đó chính là một cái đầu trí tuệ và một trái tim nhân từ”.

Anh cho rằng, nếu đã xác định theo nghề y, điều cần đầu tiên chính là cái tâm. Chuyên môn theo thời gian học tập sẽ có, nhưng ngay từ đầu nếu cái tâm không có sẽ lái cuộc đời theo hướng khác. Người thầy thuốc làm giàu trên bệnh tật của bệnh nhân là thất đức. Đứng trước người bệnh, người thầy thuốc chỉ có một sự lựa chọn là làm thế nào để mang tới niềm hạnh phúc cho họ, chữa họ khỏi bệnh.

BS Tuấn còn là một người đam mê nghiên cứu khoa học, với nhiều đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước được nghiệm thu đưa vào áp dụng. Đáng chú ý, đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông” của anh đã mở ra một hướng mới cho ngành tim mạch nước ta, đưa lĩnh vực tim mạch can thiệp trở thành mũi nhọn của y học Việt Nam hiện đại, là một trong số ít các lĩnh vực y học có trình độ ngang tầm với y học các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

BS Tuấn luôn kiên định quan điểm: “Phải tập trung vào ngành mũi nhọn. Nếu không có mũi nhọn, thế giới sẽ không biết Việt Nam là ai. Ta cũng không thể “ngoi lên mặt đất” để người ta nhìn thấy mình”. Đây cũng chính là chiếc cầu nối giúp người bệnh tiếp cận các kỹ thuật can thiệp hiện đại với chi phí thấp hơn, không phải tốn kém đi ra nước ngoài.

Có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần làm rạng rỡ nền y học Việt Nam trước thế giới, nhưng chia sẻ về mình anh Tuấn lại vô cùng khiêm nhường: “Nếu tôi làm được một điều gì đó, thì trước hết không phải là do tôi thông minh xuất chúng, đột phá sáng tạo cái hoàn toàn mới, mà là do tích lũy được tri thức và kinh nghiệm từ thực tế công việc”.

Bệnh viện Tim Hà Nội phối hợp với quỹ bảo trợ khám Tim mạch học đường cho trẻ em vùng cao.
Bệnh viện Tim Hà Nội phối hợp với quỹ bảo trợ khám Tim mạch học đường cho trẻ em vùng cao.

Tư duy nghiên cứu khoa học dựa trên thực tiễn ấy, anh học được từ GS.Tôn Thất Tùng. Trong cuốn hồi ký “Đường vào khoa học của tôi”, thầy ghi: “Nghiên cứu khoa học là một vấn đề lao động bằng mười ngón tay liên tục trong hàng năm, rồi sau đó vào vỏ não mới có thể nhận định ra một cái gì mới. Cái khó là mỗi lần lao động như thế, phải suy nghĩ ngay, rút kinh nghiệm ngay, để luyện tập các tế bào não... Nghiên cứu khoa học tuyệt đối không phải chỉ là một vấn đề đọc sách trong một căn phòng ấm cúng và tĩnh mịch”.

Mặt khác, BS Tuấn cũng thừa nhận, nếu như ngày xưa, anh hay “ôm” niềm tự hào, mãn nguyện khi bản thân làm hài lòng một vài bệnh nhân hay sau khi thực hiện thành công những ca mổ khó thì đến nay, anh sẽ chỉ tự hào và hạnh phúc khi đại đa số người dân được tiếp cận dịch vụ tốt nhất, khi họ nói với anh rằng “tôi tự hào được chữa bệnh tại đây”.

Anh tâm niệm, “hạnh phúc đó không phải dễ dàng có được, nó là quá trình mà mình phải học tập, nghiên cứu, lao động không mệt mỏi, phấn đấu, thậm chí chiến đấu để có được”. Trên tinh thần đó, từng ngày trôi qua, anh vẫn miệt mài làm việc với lòng say mê, sự kiên nhẫn, sẵn sàng vượt qua những trở ngại, và hơn tất cả là tình yêu thương con người.

“Nhũng nhiễu bệnh nhân, tôi đuổi việc ngay”

Theo BS Tuấn, thời gian qua, chính phủ đã làm rất tốt vấn đề liên quan tới bảo hiểm, thay vì bao cấp cho bệnh viện thì chuyển vào bảo hiểm để người dân được hưởng lợi ích đó, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo. Các BV tự chủ về tài chính như BV Tim Hà Nội không còn bao cấp, BV phải tự hạch toán, năng động phát triển để làm sao có được bệnh nhân.

Tự chủ là tác nhân “châm ngòi” cho một cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các BV. Qua đó, mỗi BV đều phải cố gắng tạo uy tín, tiếng tăm bằng cách không chỉ chú trọng vấn đề chuyên môn mà còn phải nâng cao chất lượng dịch vụ, tinh thần, thái độ phục vụ và văn hóa ứng xử để tăng sự hài lòng của người bệnh.

“Khi đã tự chủ tài chính, làm gì có quan điểm xin cho mà là phục vụ. Bệnh nhân là người nuôi BV, nuôi thầy thuốc, BS phải phục vụ lại khách hàng của mình”, vị BS đã cứu tính mạng vô số bệnh nhân tim mạch nói.

Với cương vị là Giám đốc BV, BS Tuấn luôn phấn đấu để thật sự là tấm gương về đạo đức, lối sống, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm và làm có hiệu quả. Anh đề ra và cùng tập thể cán bộ, nhân viên BV thực hiện phương châm 3H (Head, Hand, Heart - làm việc với trí tuệ, kỹ năng và cái tâm) và 3 TH (Bệnh viện thân thiện, dịch vụ thuận tiện, nhân viên thanh lịch); không ngừng cải tiến các thủ tục khám, chữa bệnh để khắc phục kẽ hở có thể phát sinh tiêu cực.

Cũng theo BS Tuấn, y đức không chỉ là yêu cầu tiên quyết trong nhân cách của người thầy thuốc mà còn là vấn đề sống còn của một cơ sở dịch vụ y tế trong cơ chế thị trường. Nếu chỉ hô khẩu hiệu không nhận phong bì chung chung, hoặc giải pháp cực đoan ở một số nơi (khâu kín túi áo của bác sĩ) vừa không kết quả, vừa rất phản cảm. Y đức phải ở trong cái tâm, trong suy nghĩ, trong hành động của mỗi người thầy thuốc, nó phải “tự nhiên như hơi thở”, chứ không thể giáo điều răn đe, áp đặt, hay ép buộc từng người phải thế này hay thế khác.

“Bất kỳ trường hợp y, bác sĩ nào bị phát hiện là cố tình nhũng nhiễu, vòi vĩnh, “làm tình làm tội” bệnh nhân để lấy phong bì, tôi đuổi việc ngay. Nhưng theo tôi, cũng cần phân biệt “loại phong bì tồi tệ” với “phong bì văn hóa” là món quà thể hiện sự ghi nhận, cảm ơn. Nếu nhân viên y tế hết lòng cứu chữa, tận tình chăm sóc bệnh nhân giúp cho bệnh nhân khỏe mạnh, khi ra viện, bệnh nhân tặng cho những người đã chăm sóc mình một bó hoa, một giỏ trái cây hay một chiếc phong bì thì tôi cho rằng đó cũng là điều rất đáng để trân trọng”, BS Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm y đức, việc chăm lo đời sống cho cán bộ, nhân viên cũng được người đứng đầu BV quan tâm bởi khi ổn định đời sống, các “tật xấu” sẽ tự ắt hạn chế. Cụ thể, BV Tim Hà Nội đã tạo cơ chế cho BS khám tư ngay tại viện nhằm tạo điều kiện có thêm thu nhập cho anh chị em công tác tại đây.

BS Tuấn giải thích: “Đằng nào để có thêm thu nhập thì họ cũng phải làm thêm. Nếu phải ra ngoài thì anh em vừa mang danh bệnh viện đi làm cho một nơi khác mà bệnh viện lại không có thu nhập và mất thương hiệu. Vậy chúng tôi để anh em làm ngoài giờ ngay tại bệnh viện. Họ vừa không phải đi xa, vừa có thêm khoản cho bệnh viện vì chúng tôi có quy định công khai, rạch ròi về tỷ lệ chia thu nhập. Ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Chính cơ chế tự chủ khiến anh em sống “khỏe” và hiện tượng phong bì sẽ tự bị triệt tiêu!”.

“Trái tim vàng” của nhà quản lý

BS Tuấn yêu cái đẹp, vì thế từng vết mổ trong cơ thể bệnh nhân, với anh cũng phải đẹp. Mỗi ca bệnh theo anh là một cuộc sát hạch khác nhau, nếu không chú ý hoặc không nghiên cứu kỹ kỹ thuật mổ thì chỉ trở thành “thợ mổ” thông thường.

Trong một cuộc phẫu thuật, BS không chỉ mổ bằng tay, mà cần phải mổ bằng cái đầu. Vì cùng vào cuộc phẫu thuật như nhau, nhưng nếu phán đoán giỏi, phát hiện nhanh tổn thương, đưa ra được chiến thuật hợp lý thì sẽ có một đường mổ đẹp, động tác khẩn trương, rút ngắn thời gian mổ, bớt chảy máu, bệnh nhân sẽ phục hồi tốt hơn.

BS Tuấn bảo rằng, làm thầy thuốc, chữa bệnh được cho mọi người, y thuật giỏi mới chỉ là một phần. “Quan trọng là quyết tâm, niềm tin của chính người bệnh. Cứu được người muốn sống, chứ đâu cứu được người muốn chết”.

Chính niềm tin và nghị lực đã giúp BS Tuấn và nhiều bệnh nhân cùng chữa khỏi những ca bệnh khó. Cũng chính niềm tin giúp anh xây dựng được BV từ gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất lẫn trang thiết bị, là BV phẫu thuật tim nhưng lại không có nội khoa, can thiệp trở thành BV hạt nhân của Bộ Y tế, BV chuyên khoa hạng I đầu ngành tim mạch thành phố, BV chuyên khoa tuyến cuối của cả nước.

Với phương châm bệnh nhân là khách hàng và phải được chăm sóc bằng dịch vụ tốt nhất, BV đã cải tiến quy trình khám bệnh và cấp cứu để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Tất cả bệnh nhân đều được khám trong ngày, kiểm tra tim mạch thông thường trong vòng 90 phút, các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp cần can thiệp tim mạch cấp cứu sẽ được thực hiện trong vòng 60 phút từ khi đến BV, bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật được tiến hành thủ thuật chậm nhất trong vòng 3 ngày.

Bên cạnh đó, BV còn là một trong những nơi đi đầu về việc phát triển các bệnh viện vệ tinh, chuyển giao và thực hiện các kỹ thuật mới, y học chuyên sâu vào phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. BV đã hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho 34 tỉnh, thành với gần 50 BV, gồm cả tuyến trung ương, tỉnh và ngành, mở các khóa đào tạo tại BV cho các bác sĩ, điều dưỡng như tim mạch học cơ bản, điện tâm đồ trong thực hành lâm sàng, cấp cứu tim mạch, siêu âm tim...

Các thầy thuốc của BV Tim Hà Nội luôn quyết tâm vươn lên, tiến mạnh vào khoa học kỹ thuật, đem kiến thức mới phục vụ bệnh nhân. Mới đây, ngày 26/4/2016, BS Tuấn đã ký kết hợp tác với Bệnh viện Perigueux (Pháp), nhằm tăng cường hợp tác trao đổi về trang thiết bị y tế hiện đại và nâng cao trình độ, tay nghề của các y bác sĩ giữa hai bệnh viện. Trước đó, anh cũng đã ký kết hợp tác với nhiều bệnh viện lớn ở một số nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản…

Nhiều kỹ thuật tim mạch hàng đầu đã và đang được thực hiện tại BV giúp điều trị thành công và đem lại cuộc sống cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như: kỹ thuật đặt Stent mạch vành, can thiệp động mạch vành qua da, can thiệp các động mạch ngoại biên... Đáng chú ý, BV đã phẫu thuật hầu hết các bệnh lý tim mạch bẩm sinh, kể cả phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ nhẹ cân và trẻ mới sinh, phẫu thuật bệnh lý van tim, phẫu thuật mạch vành không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể... Đặc biệt, có một số trường hợp vỡ tim đã được cấp cứu và cứu sống tại BV.

Mỗi năm, BV có vài chục cuộc hành quân đi khám chữa bệnh miễn phí, tặng quà, tặng trang thiết bị y tế cho địa phương, cho trường học... BS Tuấn còn cho biết, một trung tâm đào tạo cho người bệnh và người nhà của họ sẽ được BV thành lập để giáo dục, phổ biến, tuyên truyền cho người dân biết cách phòng, chống các bệnh tim mạch, cách phát hiện sớm để được điều trị kịp thời.

Bệnh viện tim Hà Nội và các nhà tài trợ tặng quà cho học sinh vùng cao
Bệnh viện tim Hà Nội và các nhà tài trợ tặng quà cho học sinh vùng cao

“Là người bác sĩ, nhiệm vụ cao cả nhất, giỏi nhất và cần làm nhất là hướng dẫn người dân biết cách chăm sóc sức khỏe để không mắc bệnh. Đừng tự hào mình giỏi, mình phẫu thuật giỏi nhất, mình chữa được bệnh hiểm nghèo mà hãy trăn trở, tìm cách hạn chế việc mắc bệnh của người dân. Đó mới là cái tâm của người làm nghề y”, BS Tuấn tâm sự.

Suốt thời gian trò chuyện cùng vị Giám đốc, điện thoại của anh đổ chuông liên hồi, cánh cửa phòng làm việc cũng đóng mở liên tục với người ra người vào. Ngày nào, căn phòng làm việc của BS Nguyễn Quang Tuấn cũng tấp nập như thế cho đến 20 giờ, khi anh trở về bên bữa cơm gia đình…

BS Nguyễn Quang Tuấn vừa trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Anh ý thức rằng, trở thành ĐBQH đồng nghĩa với việc anh có điều kiện mang tiếng nói từ cơ sở, những kinh nghiệm thực tiễn đến với diễn đàn lớn của nhân dân. Do đó, có điều kiện góp phần đưa y tế đến gần nhân dân hơn và phục vụ tốt cho nhân dân hơn. Đương nhiên là khi đó trách nhiệm sẽ nặng nề hơn. Nhưng cũng giống như công việc hàng ngày của một người bác sĩ, nếu như có sự gắn kết, giải quyết mọi khúc mắc từ công tác khám chữa bệnh đến khâu quản lý thì mọi việc đều ổn thỏa.

Hơn 20 năm khoác áo blouse trắng, BS Tuấn không nhớ được đã phẫu thuật cho bao nhiêu ca bệnh, cứu sống bao nhiêu bệnh nhân. Anh được đồng nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những người có nhiều đóng góp tích cực cho ngành Tim mạch.

Những cống hiến của anh đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào năm 2015; Danh hiệu Nhân tài đất Việt năm 2010; Nhiều Bằng khen của Bộ Y tế, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và các Bộ, Ngành…

Những năm qua, BV Tim Hà Nội cũng đã đạt được nhiều thành tích: Nhiều năm liền được Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2014 bệnh viện được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba… Đặc biệt, Cơ sở 2 BV Tim Hà Nội (đường Võ Chí Công, Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) được thành lập và đi vào hoạt động hơn 1 năm qua càng góp phần nâng cao khả năng phục vụ nhân dân với nhiều trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y bác sĩ có trình độ cao, hết lòng vì người bệnh.

Đọc thêm