“Phấn tiên” nhuộm tóc chứa hóa chất cực độc

Gần đây, giới trẻ đang “phát sốt” với trào lưu nhuộm tóc tạm thời bằng “phấn tiên”, dầu gội đầu tạo màu… mà không biết đang tự đầu độc mình.
Vừa lạ vừa rẻ
Gặp lại cô bạn cùng quê trong một đám cưới, tôi không tin vào mắt mình khi mái tóc đen bóng ngày nào của bạn đã chuyển thành xoăn bồng, mỗi lọn tóc một màu, trông rất bắt mắt. Khi hỏi tiệm nhuộm tóc ở đâu mà khéo tay, bạn hào hứng cho biết tóc này bạn tự nhuộm bằng “phấn tiên” tại nhà.
Bạn khuyên, nếu có đi đám tiệc hoặc muốn thay đổi mình thì mua “phấn tiên” về nhuộm, vừa rẻ, vừa nhanh chóng. Một thỏi phấn nhuộm vài chục lần tùy theo tóc nhiều hay ít, điều chỉnh màu sắc nhuộm ở mọi vị trí, muốn tóc trở về trạng thái cũ chỉ cần gội đầu là xong.
Theo lời mách bảo của bạn, chúng tôi tìm đến địa chỉ bán “phấn tiên” trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM. Nhân viên bán hàng tên T. xách ra hai hộp phấn không nhãn mác, không bất kỳ thông tin nào, mỗi hộp có 24 thỏi, 48 màu, mỗi thỏi nặng 10 - 15g. Giá mỗi thỏi phấn nhuộm khá “mềm”: 30.000đ. "Phấn tiên" không khác gì phấn viết bảng, phấn vẽ. 
Nhân viên bán hàng hướng dẫn, người nhuộm chỉ cần làm ẩm tóc bằng nước, cầm viên phấn theo chiều ngang chà xát lên phần tóc muốn nhuộm. Sau đó dùng lược chải tóc lại một lần để gạt bỏ bụi phấn thừa. Chỉ cần để tóc khô là có một mái tóc nhuộm mới. Để giữ màu lâu, nên xịt thêm một lớp keo bên ngoài. Muốn màu đẹp, không “đụng hàng”, có thể dùng nhiều thỏi khác nhau để trộn màu.
“Phấn tiên” nhuộm tóc tạm thời thật ra là phấn vẽ chứa nhiều hóa chất cực độc
“Phấn tiên” nhuộm tóc tạm thời thật ra là phấn vẽ
chứa nhiều hóa chất cực độc 
Theo tìm hiểu, “phấn tiên” bắt nguồn từ trào lưu nhuộm tóc nhiều màu, nhuộm cột (tie-dye), nhuộm nhúng (dip-dye). Là phương pháp nhuộm màu ngẫu hứng, phá cách bắt nguồn từ những tộc người cổ ở châu Phi và trở nên phổ biến ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Tuy “phấn tiên” mới nhập vào Việt Nam nhưng đã tạo thành cơn sốt, nhất là với tuổi teen. Sản phẩm hiện có mặt tại các tiệm mỹ phẩm, phụ kiện dành cho teen và các tiệm bán phấn vẽ tranh.
Ngoài “phấn tiên”, nhiều nơi còn quảng cáo rầm rộ hình thức nhuộm tóc tạm thời bằng dầu gội, “hàng Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc được chiết xuất từ thảo dược nên hoàn toàn vô hại”, giá từ 350.000 - 500.000đ/chai, với đủ các màu đỏ, nâu, hạt dẻ, vàng, ánh bạc, ánh tím. Nhân viên bán hàng trên đường Bà Hạt (Q.10) cho biết: “Dầu gội tạo màu này bán rất chạy vì bắt màu luôn cả tóc bạc, dùng lâu dài sẽ giảm tóc bạc đáng kể". 
Tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận), nhân viên còn giới thiệu thêm loại dầu gội tạo màu dạng gói, xuất xứ từ Trung Quốc, có giá 89.000đ/hộp 10 gói và hướng dẫn: “Mỗi tuần có thể gội từ một - hai lần, tùy thích đậm nhạt. Do được chiết xuất từ thảo dược: hà thủ ô, nhân sâm, tinh dầu ô liu, tạng hồng hoa, mạc hạn liên, ngũ bồi tử… nên không hại da đầu, không kích ứng da”.
Nhiều hóa chất độc hại
Phần lớn người tiêu dùng cho rằng nhuộm tóc tạm thời không độc hại. Tuy nhiên, theo TS-BS Lê Ngọc Diệp - Trưởng phòng Khám da liễu cơ sở 2, ĐH Y Dược TP.HCM, “phấn tiên”, dầu gội tạo màu, và một số sản phẩm nhuộm tóc tạm thời có màu sắc bắt mắt là do có chứa chất tạo màu azoic. Ngoài ra, trong chúng còn chứa một số thành phần như cadmi, axit citric, gum arbic, tartric, hàn the, glycol, cồn… Do chỉ là màu nhuộm tạm thời, khi gội đầu hoặc ra mồ hôi, các hóa chất này dễ tiếp xúc với da hơn. 
Theo nghiên cứu của Cơ quan kiểm soát thực phẩm - dược phẩm Mỹ, không chỉ làm khô tóc, rụng tóc, các chất này còn gây ngứa, dị ứng, nhức đầu, ù tai, ung thư.
Bác sĩ Quách Minh Phong - Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt cảnh báo: "Cadmi là chất được dùng để sản xuất pin, mạ kim loại. Do là chất bám dính nên nhiều nhà sản xuất đã sử dụng trong thuốc nhuộm tóc. Đây là một hóa chất cực độc, gây nhiều tác hại đến phổi, tiêu hóa, thần kinh, tim, thận. 
Đối với “phấn tiên”, khi chải tóc, bụi phấn rớt xuống, nếu hít phải với nồng độ cao, từ 4 - 20 giờ sau, triệu chứng đầu tiên là đau thắt ngực, khó thở, tím tái do thiếu ôxy, sau đó triệu chứng viêm phổi sẽ xảy ra. Lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng suy tim, ung thư phổi. 
Riêng ở trẻ em, do niêm mạc hô hấp chưa hoàn thiện, cadmi lại là một chất bám dính sẽ làm niêm mạc hô hấp bị xơ, lông mao mất đi độ rung chuyển và giảm mức độ ngăn chặn vi khuẩn nên nguy cơ bị bệnh về đường hô hấp và một số bệnh khác càng cao".

Đọc thêm