Pháp luật về VS ATTP mới chỉ nằm trên giấy?

(PLO) - Vụ ngộ độc thực phẩm làm 7 người chết do uống rượu ở Lai Châu được Phó Chủ tịch Quốc hội  Phùng Quốc Hiển đặt ra như lời báo động đỏ về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành về chính sách pháp luật lĩnh vực ATTP giai đoạn 2011-2016.
Pháp luật về VS ATTP mới chỉ nằm trên giấy?

Điều nghịch lý là theo như 3 báo cáo (của 3 Bộ: Y tế, Công Thương, NN&PTNT) đều nói đã ban hành quy phạm đầy đủ, tiêu chuẩn, quy trình, định mức ngưỡng an toàn đều có cả và công tác kiểm tra là thường xuyên. Thế nhưng, tình hình ATTP ở rất nhiều địa phương vẫn mức báo động đến giới hạn đỏ.

Cũng cần nói thêm, theo như các bộ hữu trách, công tác kiểm tra rất nhiều, đã tổ chức 150 ngàn đoàn, bình quân 30 ngàn đoàn thanh tra, kiểm tra trên 3 triệu cơ sở sản xuất thực phẩm nhưng ATTP vẫn làm thiên hạ giật mình.

Dẫn lại vụ việc gần đây nhất ở Lai Châu 7 người chết, Phó Chủ tịch Quốc hội hỏi: “Câu chuyện ấy thế nào, đến chết người thì có nghiêm trọng không, xử lý đã đủ độ để đưa tất cả vi phạm đó vào xử lý nghiêm minh, có làm được điều đó không?”. Ông thắc mắc về câu chuyện một xã bán ruốc 120 ngàn/kg (trong đó 2/3 là bột), cả xã biết nhưng khi hỏi lãnh đạo chính quyền không biết. Cái gọi là “hệ thống chính trị” quan liêu đến thế là cùng.

Nhắc lại một chút là năm 2015 dẫn ra nhiều ví dụ về tình trạng thực phẩm nhiễm chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật trong bữa ăn hàng ngày, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Quốc hội khóa XII) cảnh báo nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe của người dân đang ở mức trầm trọng. Ông nói một câu nổi tiếng: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và ngay cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng “vi hành” về chuyện ATTP. Tháng 8 năm 2016 khi kiểm tra ở Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, vệ sinh ATTP là vấn đề không mới nhưng tình hình chưa chuyển biến được. “Đây vừa là phạm trù tuân thủ pháp luật, vừa là phạm trù đạo đức, văn hóa. Liên quan đến đạo đức, văn hóa thì phải kiên trì, phải dựa trên pháp luật và dựa vào vận động’, ông nhận định.

Chúng ta có một hệ thống pháp luật về vệ sinh ATTP nhưng hầu như mới chỉ nằm trên giấy?

Tất nhiên không phải tất cả những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn đều nhẫn tâm tiêu diệt giống nòi Việt. Phần lớn họ hám lợi và mù về pháp luật. Điển hình “mù pháp luật” là bà con nông dân gần như chưa có đủ thông tin về nguồn cung cấp thuốc bảo vệ thực vật nên mua ở đâu, sự độc hại của thuốc bảo vệ thực vật và trách nhiệm pháp luật của họ trước việc dùng thuốc bảo vệ thực vật quá giới hạn trong việc sản xuất thực phẩm. 

Tức là bên cạnh “khoảng trống” về trách nhiệm, có “khoảng trống” rất nguy hiểm về thông tin. Chúng ta nói quá nhiều về “xây” và “chống” nhưng buồn thay, chưa ai lo “xây” và “chống” thì quá “chèo chống”. 

Đọc thêm