Phẫu thuật thẩm mỹ - một dạng bạo hành với phụ nữ

(PLO) - Các học giả, nghệ sĩ và nhóm hoạt động ở Hàn Quốc đang đấu tranh để thay đổi quan niệm về phẫu thuật thẩm mỹ - điều họ coi là một dạng bạo hành  với phụ nữ, khi người phụ nữ phải chịu áp lực nằm lên bàn mổ để có vẻ ngoài hoàn hảo. Phẫu thuật thẩm mỹ là một lựa chọn, nhưng đây không nên là một lựa chọn vì lời chế nhạo hay những biển quảng cáo lung linh trên phố.
Kim Bok-soon chỉ là một trong số các nạn nhân của phẫu thuật thẩm mỹ thất bại.
Kim Bok-soon chỉ là một trong số các nạn nhân của phẫu thuật thẩm mỹ thất bại.

“Đất sống” của các thẩm mỹ viện

Ở Gangnam, quận nổi tiếng của giới thượng lưu ở phía Nam sông Han, Seoul, Hàn Quốc, bằng chứng về sự ảnh hưởng của phẫu thuật thẩm mỹ với cuộc sống thường nhật của con người xuất hiện khắp nơi. Trên các con phố, bệnh nhân ra ngoài với mũi hay gương mặt băng kín. Chỗ nào bạn cũng có thể thấy những tấm biển quảng cáo khổng lồ với hình ảnh những phụ nữ có gương mặt trẻ trung, xinh đẹp như đúc từ cùng một khuôn. Tất cả đều tỏa ra một thông điệp hấp dẫn: bạn có thể trông như thế này nếu đến đúng phòng khám.

Ước tính, chỉ riêng ở Gangnam có tới 500 phòng khám, thực hiện gần một triệu cuộc phẫu thuật mỗi năm. Một khảo sát vào năm 2015 của Gallup Korea cho thấy, cứ ba phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19 đến 29 thì có một người từng phẫu thuật thẩm mỹ. Khảo sát trên trang mạng khác cho kết quả cao hơn, lên tới 50%.

Christina Lim, 19 tuổi, là một trong những phụ nữ đó. Cô cho biết: “Phẫu thuật thẩm mỹ là chuyện thường. Bạn tôi bảo đi nghỉ, sau đó lại quay về với một gương mặt mới”.

Lim thi thoảng xuất hiện trên truyền hình Hàn Quốc với vai trò phiên dịch và có ý định theo đuổi nghề này. Tuy nhiên, cô cảm thấy áp lực phải thay đổi nhiều về ngoại hình: “Tôi gặp nhiều bình luận ác ý như “Sao cô ta lại lên vô tuyến được chứ? Sao cô ta béo vậy”, hay tôi không có ngoại hình, không có thân hình như thần tượng hay khuôn mặt xinh đẹp”.

Cô muốn làm thon gọn hàm và chỉnh lại mũi. Lim nói: “Tôi nghĩ mọi người đều muốn có vẻ ngoài như thần tượng K-Pop. Bạn phải thật xinh đẹp, bạn phải có mắt hai mí, mặt v-line, bạn phải thon thả nhưng vòng một phải to...

Ở Hàn Quốc, bạn bước xuống phố và thấy một cô gái. Lúc sau, bạn thấy cô gái đó ở phố khác. Trên thực tế, đó là hai người khác nhau, chỉ đơn giản là được phẫu thuật theo một khuôn chuẩn”.

Phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành chuyện thường ngày ở Hàn Quốc. Bạn có thể thấy hàng loạt quảng cáo ở ga tàu, trên xe bus hay khắp đường phố. Các phụ huynh “tặng” con cái một vài quy trình thẩm mỹ sau kỳ thi vào đại học hay khi chính thức trở thành người trưởng thành. Một số ứng viên tìm việc phẫu thuật để có cơ hội trúng tuyển cao hơn. Những chương trình truyền hình như “Let Miin” (“miin” trong tiếng Hàn nghĩa là “người đẹp”) tập trung vào sự đau đớn và buồn bực của các bệnh nhân để thể hiện sự đổi đời kỳ diệu nhờ phẫu thuật thẩm mỹ.

“Phương thuốc” giúp tự tin…

Với một số bệnh nhân, những người bị dị tật hay có ngoại hình khác lạ, phẫu thuật thẩm mỹ có thể là công cụ giúp họ tự tin hơn. Tuy nhiên, một xã hội  buộc con người phải tuân theo một chuẩn mực vẻ đẹp hay chế giễu họ khi không phẫu thuật thẩm mỹ lại là một thảm họa.

Một phụ nữ bước qua ảnh quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ ở Seoul, Hàn Quốc.
Một phụ nữ bước qua ảnh quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ ở Seoul, Hàn Quốc.

Không chỉ phụ nữ Hàn Quốc cảm thấy thế. Nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đổ về Seoul để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ do tin tưởng tay nghề bác sĩ và giá cả hợp lý.

Jessica Choi, 33 tuổi, quản lý của một công ty bất động sản tại Los Angeles (Mỹ), bay tới thủ đô của Hàn Quốc để thực hiện “tu sửa” ngoại hình. Cô cho biết: “Tôi luôn cảm thấy mắt mình không đủ to. Hồi bé, tôi hay bị chế nhạo vì có cặp mắt châu Á. Tôi nghĩ sửa mắt ở Hàn Quốc sẽ tốt hơn, vì họ hiểu rõ hơn về gương mặt của người châu Á”.

Cả Choi và Lim tìm tới bác sĩ Joo Kwon, nhà phẫu thuật hàng đầu ở một phòng khám nổi danh tại Hàn Quốc. Họ trải qua 6 quy trình, với gần 10 tiếng đồng hồ trên bàn mổ. Choi làm lại mũi, gọt hàm, làm to mắt, hút mỡ bụng để bơm lên trán. Lim cũng thực hiện sửa mũi và làm thon gọn hàm.

Vài ngày sau, họ chờ bình phục trên hai chiếc giường sát nhau trong đau đớn khó bút nào tả xiết. Lim cho biết cô sẽ không bao làm lại điều này. Cô nói: “Thật sự rất đau. Đau không tả nổi. Vào buổi tối, khi hết thuốc, tôi cảm thấy như đang có dao cắt vào xương. Tôi không thể nói gì vì mồm tôi phải há ra, nước bọt chảy ròng ròng, mũi đầy bông băng sau phẫu thuật. Đó là một cơn ác mộng”.

Choi cũng cảm thấy hối hận: “Tôi chưa sinh lần nào nên không biết chuyển dạ đau cỡ nào, nhưng tôi cảm thấy đây là lần tôi đau nhất trong đời. Tôi như nghe thấy Chúa nói: “Con yêu, sao con lại làm thế này? Ta sinh ra con vốn đã hoàn hảo””.

Vài ngày sau, Choi ghi lại quá trình hồi phục. Khi đau đớn giảm đi, cô cũng không còn cảm thấy ân hận nữa. Cô hào hứng: “Tôi rất thích gương mặt mới. Tôi cảm thấy mình nữ tính hơn, tự tin hơn khi đối mặt với thế giới bằng một vẻ ngoài mới”.

Ba tháng sau khi thực hiện các quy trình, Lim vẫn phải nằm viện với cơn đau dữ dội, nhưng cô cũng cảm thấy hài lòng hơn với diện mạo mới của mình. Lim nói: “Tôi không nghĩ mình xinh đẹp, nhưng rõ ràng là trông tôi đã khá hơn. Tôi hài lòng với gương mặt này. Đau đớn cũng đáng. Nhưng tôi muốn nói với bạn bè mình rằng nếu họ thấy mặt mình chẳng có vấn đề gì thì đừng phẫu thuật. Họ nên tìm người thích gương mặt to của họ”.

… hay một dạng bạo lực văn hóa?

Choi và Lim nằm trong số những người may mắn khi có kết quả như ý sau phẫu thuật. Tuy nhiên, không ít người đã phải mang theo gương mặt hay hình thể biến dạng do biến chứng. Ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ trị giá 5 tỷ USD của Hàn Quốc cũng vấp phải nhiều chỉ trích do các ca phẫu thuật hỏng và sự nở rộ của bác sĩ thiếu tay nghề.

Kim Bok-soon không thích chiếc mũi của mình, do quan niệm rằng kiểu mũi hếch sẽ khiến cô tiêu tán tiền tài. Cô ấp ủ ý định phẫu thuật dù gia đình phản đối. Khi chờ đến lượt ở tiệm làm tóc, cô đọc thấy mẩu quảng cáo trên một tạp chí và quyết định đi sửa mũi. Lúc tháo băng và nhìn vào gương, cô biết có điều gì đó không ổn. Sau đó, Kim được biết rằng bác sĩ thực hiện cho cô không phải chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ.

Ám ảnh về vẻ đẹp chuẩn mực khiến nhiều cô gái cắn răng chịu đựng những quy trình phẫu thuật thẩm mỹ.
 Ám ảnh về vẻ đẹp chuẩn mực khiến nhiều cô gái cắn răng chịu đựng những quy trình phẫu thuật thẩm mỹ.

Năm năm sau, Kim gặp hàng loạt vấn đề về sức khỏe, từ không thể nhắm mắt tới nước mũi chảy liên tục không ngừng. Cô đã ly hôn, thất nghiệp và mắc bệnh trầm cảm. Ngồi trong căn phòng chật hẹp ở Seoul, cô đau đớn nói: “Ông ta đã hủy hoại gương mặt tôi. Đây không phải mặt người. Mặt tôi còn đáng sợ hơn quái vật. Thật kinh khủng”.

Nhiều bác sĩ Hàn Quốc đã lên tiếng cảnh báo về sự xuất hiện của những bệnh viện không được cấp phép, các tay cò mồi và bác sĩ không chuyên trước nhu cầu tăng cao của khách hàng. Để đáp ứng lượng bệnh nhân quá cao, nhiều cơ sở tuyển dụng bác sĩ của nhiều lĩnh vực khác để thực hiện phẫu thuật sau khi bác sĩ trên quảng cáo tư vấn xong cho bệnh nhân. 

Một phần xã hội Hàn Quốc đã nhận thấy sự phát triển ồ ạt của phẫu thuật thẩm mỹ là một vấn đề nghiêm trọng. Các ga tàu ở Seoul đang tiến hành lộ trình xóa bỏ quảng cáo phẫu thuật trước năm 2020. Bộ Y tế Hàn Quốc cũng mạnh tay hơn với các phòng khám quảng cáo sai lệch. Các công ty và hệ thống chính quyền dần bỏ yêu cầu phải gửi ảnh trong lý lịch ứng viên. Trước đó, việc kèm ảnh trong CV là điều gần như hiển nhiên.

Các học giả, nghệ sĩ và nhóm hoạt động ở Hàn Quốc đang đấu tranh để thay đổi quan niệm về phẫu thuật thẩm mỹ - điều họ coi là một dạng bạo hành với phụ nữ, khi người phụ nữ phải chịu áp lực nằm lên bàn mổ để có vẻ ngoài hoàn hảo. Phẫu thuật thẩm mỹ là một lựa chọn, nhưng đây không nên là một lựa chọn vì lời chế nhạo hay những biển quảng cáo lung linh trên phố.

Đọc thêm