Phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2018: Nhiều nguy cơ khó lường

(PLO) -Mùa đông- xuân thời tiết lạnh, ẩm, bên cạnh đó nhu cầu đi lại, buôn bán gia cầm tăng nhanh và đây cũng là thời điểm tập trung đông người ăn uống làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy, liên cầu lợn. Cùng với đó, các dịch bệnh như: cúm H7N9, sốt vàng, Mers-Cov... vẫn đang rình rập xâm nhập nước ta, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Bệnh nhân sốt xuất huyết biến chứng nặng trong vụ dịch năm 2017 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Bệnh nhân sốt xuất huyết biến chứng nặng trong vụ dịch năm 2017 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Chống tốt nhưng phòng chưa triệt để

Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu,  hiện nay cả nước đã bắt đầu vào mùa đông-xuân 2018, thời tiết lạnh ẩm, cũng là mùa tập trung đông người, gia tăng đi lại, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, tiêu chảy và liên cầu heo. Cùng với đó, các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam như: cúm A (H7N9), sốt vàng, dịch hạch. Trong khi đó, hiện nay việc phòng dịch của chúng ta còn không ít những hạn chế, bất cập. Kinh nghiệm như vụ dịch sốt xuất huyết vừa qua tại Hà Nội, khi dịch bùng phát dữ dội thì UBND TP Hà Nội đã triển khai rất quyết liệt nhiều biện pháp chống dịch để dập dịch, nhưng việc phòng dịch để dịch không bùng phát trước đó lại chưa được quan tâm đúng mức. 

Tại Hà Nội, các chuyên gia dự báo tình hình dịch sởi và ho gà có thể diễn biến phức tạp trong mùa đông xuân 2017 – 2018. Sở y tế Hà Nội cho biết đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch sởi mùa đông xuân 2017 – 2018 chỉ đạo các đơn vị ngành quyết liệt tổ chức tốt việc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ dưới 5 tuổi đồng thời thực hiện tốt công tác tiêm chủng thường xuyên theo quy định (các Trạm y tế của Hà Nội triển khai tiêm chủng thường xuyên hàng tuần thay bằng hàng tháng như trước đây). Hiện tại, bệnh sởi và ho gà trên địa bàn TP Hà Nội vẫn đang được kiểm soát tốt, chỉ ghi nhận các ca bệnh đơn lẻ, rải rác tương tự như một số năm trở lại đây, không ghi nhận các ổ dịch lớn. 

Tại TP HCM, để giảm mắc và khống chế dịch lan rộng, Sở Y tế cho biết thực hiện kiểm soát bệnh truyền nhiễm xâm nhập tại các cửa khẩu, thực hiện tờ khai y tế đối với hành khách nhập khẩu từ các quốc gia đang có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải kiểm dịch theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (như MERS-CoV, Cúm độc lực cao, Ebola, Lassa...), kiểm soát trung gian truyền bệnh dịch hạch tại các cảng hàng hóa đường biển, đường sông...; thực hiện cách ly điều trị ca bệnh, kích hoạt quy trình kiểm dịch người tiếp xúc, người về từ vùng dịch; thực hiện vệ sinh khử khuẩn đối với phương tiện vận chuyển bệnh nhân hoặc có mang trung gian truyền bệnh...

Mặt khác, điểm đáng lo ngại nổi bật ở nước ta, tỷ lệ tiêm chủng chưa bao phủ được trên 95% quy mô xã phường, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, khu vực có dân di biến động lớn. Do đó, nếu không thực hiện tốt công tác phòng chống, đặc biệt là tiêm chủng vaccine để ngăn chặn thì dịch bệnh dễ bùng phát. 

Lo ngại dịch bệnh bùng phát mùa lễ hội

PGS.TS Trần Đắc Phu  cho biết, thời tiết lạnh, ẩm của mùa đông-xuân là khoảng thời gian rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người và lây lan trong cộng đồng. Dự đoán mùa đông - xuân năm nay, đặc biệt là thời gian Tết và dịp lễ hội đầu năm dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp.

Do đó, người dân ở cả 3 miền đều nên đặc biệt lưu ý đến các bệnh mang tính chất “đến hẹn lại lên”. Đó là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh cúm gia cầm độc lực cao, cúm A(H7N9), A(H5N1), tiêu chảy do vi rút Rota… Riêng đối với khí hậu miền Bắc, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý, đây là nơi chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi thời tiết mùa đông - xuân lạnh hơn so với miền Nam và miền Trung. Tuy nhiên, các khu vực có hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt lại đối diện với nguy cơ mắc các dịch bệnh do muỗi truyền.

Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo nguy cơ về các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm không đạt vệ sinh. Thời điểm Tết, thói quen sinh hoạt, ăn uống của nhiều người dân thường bị đảo lộn. Có cái quá thừa hoặc quá thiếu dẫn tới bộ máy tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng. Thậm chí, một số người sử dụng phải các thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh nên dễ dẫn đến mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Đơn cử như số ca bệnh liên quan đến liên cầu khuẩn (lợn) do người dân ăn phải các sản phẩm từ lợn mà chưa được nấu chín, nhất là tiết canh lợn vẫn xuất hiện. Vì thế, người dân cần phải biết nói không với các loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh, nên ăn các thực phẩm đã được nấu chín để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. 

Đọc thêm