Quản lý thị trường thực phẩm chức năng: Chờ một công cụ pháp lý đủ sắc…

(PLO) - Năm 2000, chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có gần 4.000 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu mặt hàng này với hơn 20.000 sản phẩm đã được công bố. 
Thực phẩm chức năng được phát hiện có sai phạm (Ảnh: VOV)
Thực phẩm chức năng được phát hiện có sai phạm (Ảnh: VOV)

Điều đáng nói là sự phát triển “vũ bão” của thị trường TPCN một phần nhờ tác dụng thần dược của TPCN thông qua quảng cáo kiểu “lập lờ”, trong khi đó, việc quản lý lỏng lẻo khiến TPCN nhái, giả, kém chất lượng vẫn “chui” vào túi người tiêu dùng với những hậu quả khôn lường.

Thị trường hỗn loạn vì nhập nhằng khái niệm

Những thông tin về việc bắt giữ hàng tấn TPCN nhập lậu, không rõ nguồn gốc, triệt phá những cơ sở sản xuất TPCN giả, kém chất lượng vẫn thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nghĩa là thị trường TPCN hiện rất hỗn loạn, khó có thể phân biệt được hàng thật – hàng giả. Không chỉ có vậy, ngay cả chất lượng của TPCN cũng là một “câu hỏi lớn” đối với người tiêu dùng bởi trên thị trường TPCN hiện nay, chưa có thống kê chính thức nào về chủng loại TPCN cũng như tác dụng thực sự của chúng thông qua các kết quả nghiên cứu khoa học chính thống hay xác nhận nào của cơ quan chức năng. Đa số tác dụng của các TPCN chỉ được khẳng định qua quảng cáo. 

Trong số các TPCN nhập khẩu thì phần lớn là “hàng xách tay”, nghĩa là rất ít sản phẩm có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Người phân phối sản phẩm cũng không có kiến thức về TPCN mà chỉ biết về tác dụng của sản phẩm qua “lời giới thiệu” của chủ hàng. Hơn nữa, mặc dù có tác dụng trực tiếp đến sức khỏe nhưng TPCN lại được phân phối như những mặt hàng tiêu dùng thông thường khác, không cần hướng dẫn của bác sỹ, dược sỹ. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong các cơ sở sản xuất TPCN có mặt hàng ở Việt Nam thì nhập khẩu chiếm 43%, 57% là sản xuất trong nước với hơn 3.000 sản phẩm. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN.

Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, TPCN là thực phẩm (hay sản phẩm) có tác dụng hỗ trợ (phục hồi, duy trì hoặc tăng cường) chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có hoặc không tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Còn Bộ Y tế định nghĩa về TPCN là “thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng những cơ quan bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ gây bệnh”. 

Giữa 2 định nghĩa này chỉ khác nhau về “tác dụng dinh dưỡng” của TPCN, còn với những tác dụng được nêu của TPCN thì thực sự rất tốt khi “tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật”. Vì vậy, TPCN vẫn đến với người tiêu dùng như thần dược nhờ niềm tin “không có tác dụng phụ” như dược phẩm hay chí ít thì dùng TPCN “không bổ trước thì bổ sau”. 

Cùng sự nở rộ của dịch vụ bán hàng trực tuyến, các sản phẩm TPCN cũng trở nên phong phú hơn và đương nhiên tác dụng của chúng cũng lại chỉ dựa vào những lời “rỉ tai” nhau hay những lời quảng cáo được “thổi” lên như những thần dược phòng và chữa bách bệnh, giúp người sử dụng đạt được mục đích thẩm mỹ mong muốn. Không có nguồn gốc, phương thức bán trao tay nên giá của TPCN cũng rất phong phú, song phần lớn là rất cao, thậm chí có cả “giá trên trời” vì đều là hàng “xin, xách tay từ nước ngoài”. 

“Dao chưa đủ sắc” để kiểm soát TPCN

PGS.TS Lê Văn Truyền – nguyên thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, TPCN là nhóm nằm ở biên giới giữa thuốc và thực phẩm nên việc quản lý thuốc TPCN cần có sự kết hợp nhưng khó phân định ranh giới. Nếu các cơ quan chức năng không phối hợp với nhau thì sẽ xuất hiện nhiều khoảng trống quản lý đối với TPCN và việc doanh nghiệp “lách” vào đó để sản xuất – kinh doanh các sản phẩm TPCN không đạt chất lượng là điều khó tránh khỏi. Hậu quả cuối cùng thì người tiêu dùng phải gánh chịu.

Nhưng theo TS. Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), giữa thuốc và TPCN là sự giao thoa cho nên ở trong phần chồng lấn thì người này hiểu là thuốc, người kia hiểu TPCN. “Khi quản lý chúng ta có thể biết được và có sự phối hợp giữa các bên. Cơ bản, hiện hệ thống pháp luật về an toàn TPCN đã có các văn bản đáp ứng. Luật An toàn thực phẩm đã có quy định về thuốc, TPCN.  

Một trong những vấn đề bức xúc gần đây là vấn đề quảng cáo TPCN điều trị được nhiều bệnh. Quảng cáo đó phải được cơ quan chức năng phê duyệt và phù hợp với nội dung công bố. Tuy nhiên, các DN vẫn đang lách bằng quảng cáo qua mạng thông tin, xã hội. Do đó, chúng tôi có phân công người rà soát các sản phẩm đăng giới thiệu trên mạng, nếu quảng cáo sai sự thật sẽ làm việc với các DN”. Trong năm 2016, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý 89 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với tổng số tiền phạt hơn 5,7 tỷ đồng, trong đó có 54 cơ sở vi phạm các quy định về quảng cáo (60,6%). Tuy thanh tra y tế đã có nhiều hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý những sai phạm về TPCN nhưng ông Long nhấn mạnh, “giữa việc quản lý, an toàn và gian lận là hai mặt của một vấn đề”.

Còn GS. Trịnh Quân Huấn - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, hiện mới chỉ có Thông tư 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý TPCN (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2015. Vốn được coi là “con dao sắc” của nhà quản lý đối với TPCN khi được ban hành, Thông tư này dường như đang “cùn” dần trước sự tràn lan của các loại TPCN trên thị trường  nên dẫn đến việc giám sát các hoạt động sản xuất, bảo quản TPCN chưa được chặt chẽ. Và cũng do chưa có những quy định, chế tài cụ thể, trong khi công tác quản lý còn nhiều hạn chế nên lợi dụng kẽ hở này, nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh TPCN đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, không đúng với quảng cáo khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận TPCN thật – giả, thậm chí có phản ứng tiêu cực đối với TPCN, dù đây thực sự là một sản phẩm có thể hỗ trợ cho sức khỏe.

Theo bác sỹ Nguyễn Hưng Củng - Tổng Thư ký Hiệp hội TPCN, để góp phần quản lý tốt hơn TPCN thời gian tới, cần phải có quy định chặt chẽ không để TPCN đi “ngoài luồng” quản lý của Nhà nước. Do vậy, các chuyên gia y tế đều cho rằng, cần có một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn Thông tư 43 để thị trường TPCN không còn trong cảnh tự do, bát nháo, mạnh ai nấy làm như hiện nay.

Đọc thêm