Quyết định sinh tử trong ca ghép gan kỳ tích

(PLO) - Giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, anh Dương Văn Tiến (39 tuổi) đã quyết định hiến 60% gan của mình để cứu cô con gái bị bệnh suy gan cấp trên nền bệnh gan mãn tính, rối loạn đông máu nặng… 

 

Bé Phương Mai trước được phẫu thuật ghép gan
Bé Phương Mai trước được phẫu thuật ghép gan

1 phần sống 9 phần chết

Phương Mai năm nay 15 tuổi quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa là một bệnh nhi mắc nhiều bệnh hiểm nghèo cùng một lúc. Em không chỉ bị xơ gan, suy gan cấp trên nền bệnh gan mạn tính, hôn mê gan mà còn bị rối loạn chuyển hóa đồng, rối loạn đông máu nặng…

Chính vì mắc nhiều bệnh nan y nên các bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới đều “bó tay” và buộc phải ký giấy giới thiệu chuyển em lên tuyến trên.

Thế nhưng, ngay cả khi được chuyển lên các bệnh viện trung ương thì việc điều trị cho Mai vẫn gặp rất nhiều khó khăn do bệnh đã trở nặng, tiên lượng xấu. 

Chị Nguyễn Thị Vui - bác dâu của Mai còn nhớ như in thời điểm cách đây 2 năm về trước, khi đó gia đình phát hiện da của Mai vàng một cách bất thường. Vàng da cộng với mệt mỏi, chán ăn khiến em gầy đi trông thấy. Sức khỏe sa sút kéo kết quả học tập của em xuống ít nhiều. 

Thấy con thường xuyên đau ốm, bố mẹ đưa Mai đi khám và được các bác sĩ thông báo Mai bị bệnh gan. Dù nhà rất nghèo nhưng bố mẹ Mai vẫn cố gắng bằng mọi cách để có tiền mua thuốc và chữa trị cho em. Tuy nhiên, trời chẳng chiều lòng người, bệnh của Mai diễn tiến nặng theo thời gian. 

Vào tháng 2/2017, Mai được tức tốc chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vì bị xuất huyết tiêu hoá, hôn mê gan. Tại đây, với đội ngũ y bác sĩ giỏi, máy móc hiện đại cùng những phương pháp điều trị tiên tiến đã giúp em qua cơn nguy kịch. Nhưng vì bệnh tình quá nặng, sau một thời gian điều trị các bác sĩ đã quyết định chuyển Mai đến Bệnh viện Nhi Trung ương. 

Với tình trạng bị suy gan, rối loạn chuyển hóa đồng, hôn mê gan, rối loạn đông máu và nhiễm khuẩn huyết các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã làm công tác tư tưởng cho gia đình vì nhiều khả năng Mai sẽ không qua khỏi. Lúc này, sự sống với Mai trở nên mong manh hơn bao giờ hết còn gia đình thì đã suy sụp hoàn toàn về tinh thần, kiệt quệ kinh tế. 

Nhưng với suy nghĩ còn nước còn tát, các bác sĩ vẫn tìm mọi cách để Mai có thể ở lại với cuộc đời dù chỉ là một tia hy vọng.

Sau nhiều cuộc hội chẩn với sự tham gia của nhiều bác sĩ đầu ngành các bệnh viện lớn, phương pháp duy nhất có thể cứu Mai được đưa ra là thay gan. 

Đánh cược với số phận 

Phương án thay gan cho bệnh nhi Mai đứng trước muôn vàn khó khăn. Khó khăn thứ nhất là làm sao tìm được nguồn tạng thích hợp để ghép. Khó khăn thứ hai là gia đình Mai quá nghèo, không đủ khả năng chi trả cho ca phẫu thuật. Khó khăn thứ ba là ngay cả khi tìm được gan thích hợp và ghép thì liệu ca phẫu thuật có thành công bởi với tình trạng hiện tại của Mai, các bác sĩ tiên lượng trên 90% tử vong. 

Trước muôn vàn cái khó, gia đình đã quyết định xin bệnh viện cho Mai về nhà để lo hậu sự. Đây là một quyết định rất khó khăn. Thế nhưng, trong lúc tuyệt vọng nhất, những cánh tay của các nhà hảo tâm trên khắp cả nước đã dang rộng đón Mai vào lòng.

Họ bằng cách này hay cách khác sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê những bác sĩ giỏi nhất, máy móc hiện đại nhất để Mai được sống. Vấn đề còn lại là đi tìm nguồn tạng thích hợp để ghép. Rất may, các thông số về sức khỏe cũng như gan của bố Mai rất tốt và phù hợp với em. 

Vậy là, từng vấn đề đã lần lượt được giải quyết. Điều duy nhất khiến gia đình cũng như các bác sĩ băn khoăn, lưỡng lự là liệu sự sống của Mai có tiếp nối ngay cả khi đã được ghép tạng? Bởi Mai bị rối loạn đông máu đây là một trong những rối loạn chống chỉ định trong phẫu thuật và em bị nhiễm trùng huyết rất nặng.

Anh Tiến trên giường bệnh sau khi đã hiến 60% gan cho con gái của mình
Anh Tiến trên giường bệnh sau khi đã hiến 60% gan cho con gái của mình

Nói vậy để thấy rằng, quyết định hiến gan cho con của anh Tiến thực sự là một cuộc đấu tranh nội tâm quyết liệt, còn quyết định thực hiện ca ghép gan của các bác sĩ cũng là một cuộc đấu trí rất dữ dội. 

Sau rất cả, gia đình em Mai cùng các chuyên gia đầu ngành về ghép tạng ở Bệnh viện Việt Đức đã thống nhất đi đến quyết định cuối cùng là ghép gan cho Mai từ nguồn gan của người bố.

Đây thực sự là một cuộc phẫu thuật có tính chất đánh cược “được ăn cả ngã về không”. Mạo hiểm là thế nhưng có lẽ khi đứng trước cơ hội cứu sống cô con gái, người bố như anh Tiến sẽ không khi nào từ bỏ và các bác sĩ cũng vậy họ sẽ cố gắng không ngừng để cứu sống bệnh nhân của mình. 

Ca ghép gan đỉnh cao 

Sau khi đã thông về mặt tư tưởng cũng như hoàn thành các thủ tục giấy tờ, Mai được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức để tiến hành phẫu thuật ghép gan. Ca phẫu thuật diễn ra trong 9 giờ với sự tham gia của hơn 100 y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức. Đây được xem là ca phẫu thuật ghép gan đỉnh cao từ trước đến nay. 

Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đây là trường hợp nặng nhất trong số 36 ca ghép gan từ trước đến nay ở Bệnh viện Việt Đức. Ca phẫu thuật được đánh giá là khó hơn cả ghép gan cho một cụ già 80 tuổi. Bởi tình trạng bệnh của bé Phương Mai quá nặng. 

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức cho biết, kíp phẫu thuật chịu nhiều áp lực về mặt kỹ thuật, phải rút ngắn thời gian phẫu thuật do bệnh quá nặng, nguy cơ mất máu lớn. Bệnh nhân suy gan cấp trong vài tháng, nhiễm trùng trước mổ rất nặng, phù phổi cấp, suy thở, hôn mê gan...tạo nhiều bất lợi cho các bác sĩ trong quá trình mổ.

Còn các bác sĩ tham gia phẫu thuật nói rằng, việc mổ cho bệnh nhân này rất khó khăn, bởi em bị rối loạn đông máu, động vào bất kỳ chỗ nào cũng có thể bị chảy máu, nếu không cầm máu được bệnh nhân có thể sẽ tử vong. Thêm vào đó, bệnh nhân Mai bị gan xơ, lách to, tĩnh mạch cửa teo trong khi gan của bố bình thường, lách nhỏ, bệnh nhân còn có bất thường bẩm sinh hẹp động mạch thân tạng…

Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, sau 9 giờ ca mổ đã kết thúc. Bệnh nhân Mai được đưa về phòng hồi sức ghép gan và tiếp tục theo dõi sau ghép. Sau 40 giờ thở máy, bệnh nhân được rút ống nội khí quản.

Hiện bé Phương Mai đã tỉnh táo hoàn toàn, không có nhiễm trùng, chức năng gan cải thiện, ăn nghỉ, sinh hoạt và các chức năng thận đã trở về bình thường. Đối với người hiến gan là anh Tiến, các bác sĩ cho biết khoảng 8 đến 9 ngày sau mổ, anh có thể ra viện.

Trước khi ghép gan bệnh nhân có nguy cơ tử vong 90%, nhưng đến hôm nay có thể khẳng định ca ghép gan đã thành công, dù bệnh nhân vẫn đang tiếp tục được theo dõi các biến chứng sau ghép gan như: tắc mạch, nhiễm trùng, thải ghép...

Vậy là với sự hy sinh của người bố, nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ và những tấm lòng hảo tâm, bé Phương Mai đã được cứu sống một cách ngoạn mục. 

Đọc thêm