Sai lầm dễ mắc khi chữa bệnh thủy đậu

 Khi con bị thủy đậu, các bậc phụ huynh cuống cuồng tìm cách chữa trị bằng cách dùng gốc rạ nấu nước tắm hoặc uống, kiêng nước, kiêng gió, kiêng cữ trong ăn uống…

Nhưng ít người biết được rằng, chữa trị thủy đậu bằng các phương pháp dân gian nêu trên là hoàn toàn sai lầm, và làm cho tình trạng bệnh càng nặng thêm.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ) đang vào mùa. Đặc biệt tháng 4, 5 là đỉnh điểm của dịch.

Sai lầm dễ mắc khi chữa bệnh thủy đậu             
Bệnh nhi mắc thủy đậu do bị lây từ người mẹ

Từ đầu năm tới nay, khoa đã tiếp nhận điều trị cho 24 trường hợp bị thủy đậu. Trong đó có nhiều trẻ bị lây thủy đậu từ người lớn. Hiện bệnh viện đang điều trị cho bé sơ sinh mới 20 ngày tuổi bị lây bệnh từ mẹ.

Trước tình trạng các bệnh nhi vẫn mắc thủy đậu dù đã được chích ngừa vắc-xin trước đó, BS Khanh lý giải rằng tại các nước phát triển, bệnh thủy đậu được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia nên chỉ cần chích ngừa 1 mũi là đủ.

Còn tại Việt Nam, việc chích ngừa thủy đậu diễn ra lẻ tẻ nên virus thủy đậu hoang dại vẫn lưu hành, và việc mắc bệnh là điều không tránh khỏi.

"Phụ huynh nên cho trẻ chích 2 mũi vắc-xin. Mũi đầu tiên là lúc bé 12 tháng tuổi. Mũi thứ 2 cách mũi 1 ít nhất 3 tháng" – BS Khanh nói và cho biết, tiêm mũi thứ 2 rất quan trọng, đảm bảo miễn dịch hoàn toàn cho trẻ, nhất là lúc xung quanh có nhiều người mắc bệnh thủy đậu.

Vị Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 cũng nói thêm, hiện các bậc cha mẹ vẫn áp dụng phương pháp dân gian trong chữa trị bệnh thủy đậu.

Tuy nhiên, có nhiều cách không đúng như dùng gốc rạ nấu nước tắm hoặc uống, kiêng nước, kiêng gió, kiêng cữ trong ăn uống…làm cho tình trạng bệnh của trẻ biến chứng nặng hơn.

BS Khanh giải thích, nhiều người nghĩ bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ) và gốc rạ (gốc cây lúa) có liên quan nên đã dùng gốc rạ…chữa trị.

"Trên thực tế giữa bệnh trái rạ và gốc rạ không hề liên quan tới nhau. Dùng cách này khiến người bệnh dễ nhiễm trùng. Còn uống nước gốc rạ có thể bị ngộ độc" – vị BS khẳng định.

Sai lầm dễ mắc khi chữa bệnh thủy đậu            
Nhiều trẻ vẫn mắc thủy đậu dù đã chích ngừa vắc-xin 1 lần

Ngoài ra, người xưa nói rằng khi bị thủy đậu người bệnh phải trùm kín, tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió, kiêng cữ trong ăn uống, nhưng theo BS Khanh, việc trùm kín khiến cho cơ thể đổ mồ hôi sẽ gây ngứa, bệnh nhân khi đó sẽ gãi nhiều làm các bóng nước vỡ ra.

Cộng thêm việc không tắm rửa sạch sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, dễ để lại sẹo gây ảnh hưởng xấu về thẩm mỹ sau này.

Việc không được ăn uống đầy đủ khi đang bị virus tấn công làm cơ thể giảm sức đề kháng khiến bệnh càng nặng thêm.

Theo BS Khanh, khi bị thủy đậu, cứ tắm cho trẻ bình thường, có thể dùng thêm xà bông để tắm, và nên cắt móng tay cho trẻ để tránh tình trạng bé gãi ngứa dẫn tới việc các bóng nước bị vỡ dễ nhiễm trùng.

Phụ huynh cũng không nên cho người bệnh ăn các thức ăn ngọt quá, hoặc các thức ăn đã từng bị dị ứng bởi nó có thể gây ngứa cho trẻ.

"Để tránh truyền bệnh cho người thân và cộng đồng, người mắc bệnh cần mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc trực tiếp hoặc đến những nơi đông người" – vị BS khuyến cáo.

Đọc thêm