Siêu âm thai – nỗi hãi hùng của các ông bố bà mẹ

(PLO) - Những năm gần đây, việc có con của nhiều cặp vợ chồng trẻ không mấy dễ dàng. Thế nên, khi có tin vui, hầu hết các ông bố, bà mẹ tương lai đều tìm tới những bác sỹ tốt nhất để siêu âm. Thế nhưng để được một lần ngắm con trong bụng mẹ, nhiều người phải ngậm đắng nuốt cay…
Siêu âm thai (Hình chỉ mang tính minh họa
Siêu âm thai (Hình chỉ mang tính minh họa
Xếp hàng, đặt lịch từ đêm
Định kì 2 tuần, cứ 4h sáng thứ 7 là vợ chồng Mai Lan lại lục tục dậy đi xếp hàng siêu âm bác sỹ V. ở khu Trung Hòa, Hà Nội. Cũng may nhà ở gần nên nhà Lan hôm nào cũng đăng kí danh sách số 1. Nhiều người than thở, họ phải đi từ nhà lúc 2, 3h sáng mà xuống vẫn lo không kịp vào danh sách 25 (bác sỹ V. chỉ khám tới con số 25 còn lại là bác sỹ khác khám). 
Chồng Mai Lan kể, đứng xếp hàng canh số cũng có thú vui của nó khi mình luôn là người đầu tiên. Nhiều người ở xa không biết, khoảng 6h sáng mới tới là tiếc ngẩn ngơ vì hết lượt rồi. Thế nên khi bầu trời sáng dần, nhiều người nhận ra nhau, tìm đến bắt chuyện, chia sẻ kinh nghiệm. Đúng 6h sáng cánh cửa căn nhà mở ra, đám đông nháo nhác ùa lại, đưa tờ giấy, hồi hộp nghe điểm danh. 
25 người đầu được đăng ký vào khám, số còn lại chán nản ra về. Những người đăng ký được tản mác đi ăn sáng, thể dục, lại chờ thêm hơn một tiếng nữa mới được gặp bác sĩ…Đây là một trong những cảnh thường thấy với những phòng khám của bác sỹ siêu âm hình ảnh có thương hiệu ở Hà Nội. 
Ở Hà Nội, 3 cơ sở y tế lớn chuyên về sản phụ khoa là Bệnh viện phụ sản trung ương, Bệnh viện phụ sản Hà Nội, Khoa phụ sản Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên muốn yên tâm và lựa chọn dịch vụ các mẹ bầu thường chủ động tìm phòng khám tư của bác sỹ uy tín. 
Trên các trang điện tử dành cho các bà mẹ, chỉ cần hỏi thông tin về các bác sỹ sản khoa, siêu âm là ra một danh sách khoảng 10 bác sỹ ở Hà Nội và những lời tư vấn cặn kẽ từ các mẹ đã có kinh nghiệm truyền lại. 
Đã mất tiền còn chịu ấm ức 
Lần đầu đi khám thai, Hồng Anh và chồng vui khôn tả khi bác sĩ nói họ mang song thai. Kiểm tra thai từ tuần thứ 12, không phát hiện vấn đề gì. Mãi đến tuần 20, sau nửa ngày chờ đợi đến lượt khám, Hồng Anh đang hớn hở vì sắp được nhìn thấy hình ảnh hai con trên màn ảnh động, được nhìn thấy từng đốt ngón tay, chân xinh mà bác sĩ sẽ đếm, chỉ cho cô thấy. 
Nhưng cái háo hức, hớn hở ấy bị trùng xuống lập tức, kèm theo một chút băn khoăn, lo lắng khi cô nhìn thấy cái nhíu mày, khuôn mặt hơi đăm chiêu của người bác sĩ khi siêu âm thai. Thông báo của bác sỹ khiến cô ngã ngửa, không kìm được nước mắt.
Bác sĩ đề nghị cô đến Bệnh viện phụ sản trung ương hội chẩn để có quyết định cuối cùng. Vì hình ảnh siêu âm cho thấy hai em bé của cô, một bé tim chỉ có 3 ngăn, một bé có dị tật ở bàn chân. Đau đớn, hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc, chờ đợi cuộc hội chẩn định mệnh với hi vọng mong manh: bác sĩ nhầm. Thế nhưng, ước mong đó đã không trở thành sự thật.
Tương tự là trường hợp của Mai Lan, mặc dù cô đi khám thai định kì đầy đủ nhưng tới tuần thứ 23 cô mới được bác sỹ thông báo kết quả siêu âm bé trai bị sứt môi, hở hàm ếch. Cô hoang mang, sợ hãi và nhờ người quen đăng kí bác sỹ C. để đi tới quyết định. Chờ cả tuần mới được gặp, bác sỹ thủng thẳng hỏi: “ Để hay bỏ?” đầy vô cảm. Cuối cùng cô và gia đình đã quyết định giữ lại em bé khi thấy em vẫn phát triển tốt và khỏe mạnh. 
Không những thế, dù đã lựa chọn dịch vụ để được hỏi về con cho kĩ tuy nhiên với không ít bác sỹ lại nổi tiếng về sự… khó tính. Trên một diễn đàn bà mẹ có tên meyeukubin than thở: 
“Nhắc đến bác sỹ C., em lại thấy sợ. Chuyện là hồi em mang thai Bin 7 tháng, em đi siêu âm ngoài bảo là bị dịch dưới da đầu.Vừa nghe bác sỹ bảo vậy, em đã khóc như mưa. Nghe mọi người bảo bác sỹ C. giỏi về phát hiện dị tật lắm. Sáng hôm sau em đi từ 4h sáng, lấy phiếu và chờ đến 12h trưa mới đến lượt siêu âm.Vừa nằm lên giường, bác sĩ hỏi là trước đây siêu âm ở đâu, em bảo cháu đẻ ở Bệnh viện Việt - Nhật nên siêu âm ở đó luôn. Thế là ông ý vừa mắng mỏ em một tràng không hiểu vì lý do gì vừa siêu âm chắc chưa đến 1 phút. Cuối cùng em cũng không dám hỏi là con mình có bị làm sao không”. 
Nếu không có gì bất thường, đừng lạm dụng siêu âm
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Tân - Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, Hà Nội thì siêu âm thai là một phương pháp thăm dò thai và chẩn đoán trước sinh rất hữu ích. Tuy nhiên, bà bầu không nên lạm dụng siêu âm quá nhiều. 
Trong 9 tháng 10 ngày mang thai, nếu không có gì bất thường, thai phụ chỉ cần siêu âm 3 lần (12 tuần, 22 tuần và 32 tuần) là đủ để biết bé có khỏe hay có dị tật gì không. Đây là số lần siêu âm tối thiểu trong suốt thai kỳ. 
Tuy nhiên, những thai kỳ có nguy cơ cao như tim sản, cao huyết áp… số lần khám thai và siêu âm sẽ nhiều hơn với nhịp độ dày hơn vì các lý do y học. Bác sĩ cũng cho biết thêm, việc siêu âm quá nhiều tuy không ảnh hưởng đến thai nhi nhưng có thể khiến bà bầu tốn kém về kinh tế vì mỗi lần siêu âm rẻ cũng từ 300 - 500 ngàn đồng và thời gian bởi mỗi lần siêu âm sản phụ thường phải chờ đợi khá lâu, không cần thiết.

Đọc thêm