Sự thật kinh hoàng khi cơ thể bị stress

(PLO) - Stress là cảm giác mà tất cả chúng ta đều từng trải qua, chẳng hạn như trước một bài kiểm tra, một thách thức lớn hoặc khi ta làm việc quá sức. Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng stress chỉ là một thuật ngữ để biểu thị cảm xúc nhưng thực tế, stress còn là những phản ứng vật lý ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Stress trong thời gian ngắn có thể đem lại những lợi ích nhất định nhưng nếu tình trạng này xuất hiện thường xuyên hay quá lâu, không chỉ não mà tất cả các cơ quan và tế bào khác trong cơ thể bạn đều bị ảnh hưởng. 
Tại sao khi căng thẳng tim bạn thường đập nhanh?
Khi bị căng thẳng trong thời gian dài, tuyến thượng thận sẽ tiết ra các loại hormone stress có tên Cortisol, Apinephrine (hay còn được biết đến với cái tên Adrenaline) và Noepinephrine. Khi các hormone này được bơm vào máu, chúng sẽ nhanh chóng di chuyển tới tim. Adrenaline làm cho tim bạn đập nhanh hơn và tăng áp suất máu, gây nên tình trạng huyết áp cao. Trong khi đó, Cortisol cản trở các tế bào nội mô trong mạch máu, làm tích tụ cholestorol trong máu, dẫn tới nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Hai điều này làm tăng nguy cơ bị đau tim hoặc bị đột quỵ.
Tại sao bạn thường đau bụng khi hồi hộp?
Khi não cảm nhận được stress, hệ thần kinh tự chủ được kích hoạt. Qua hệ thống này, các dây thần kinh kết nối với nhau. Đại não chuyển tín hiệu stress tới hệ thần kinh tiêu hoá, khiến bạn cảm thấy cồn cào trong ruột. Não sẽ mất khả năng kiểm soát cơn đói, khiến bạn bỗng chốc cảm thấy thèm ăn. Dạ dày lúc này sẽ tiết ra nhiều acid hơn khiến cơ thể bạn nóng hơn. Điều này lý giải vì sao một số người thường hay đau bụng và toát mồ hôi mỗi khi hồi hộp.
Tại sao bạn thường đói khi stress 
Đối với hệ thần kinh tiêu hoá, stress còn gây ảnh hưởng tới các vi khuẩn đường ruột, làm suy giảm chức năng tiêu hoá và sức khoẻ cơ thể. Một tin buồn đối với những người đang lo lắng về cân nặng ngày càng “phì nhiêu” của mình, đó là stress còn có thể làm bạn tăng cân. Cortisol làm bạn cảm thấy thèm ăn, buộc bạn phải nạp thêm năng lượng vào cơ thể. Bạn sẽ tìm tới những đồ ăn nhiều tinh bột. 
Ngoài ra, lượng Cortisol lớn còn khiến cơ thể bạn tích trữ lượng calo dư thừa dưới dạng chất béo ở bụng. Béo bụng không chỉ đơn thuần làm bạn khó mặc quần hơn, mà còn trở thành một cơ quan sản xuất ra Cytokines - một loại hormone làm tăng nguy cơ mắc các bệnh kinh niên như tim mạch hay tiểu đường.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Stress lâu làm bạn chết sớm hơn
Bên cạnh não, tim mạch và hệ tiêu hoá, các hormone stress còn ảnh hưởng tới các tế bào kháng thể theo nhiều cách. Ban đầu, hormone stress giúp cơ thể chống lại vi khuẩn xâm nhập và phục hồi các vết thương nhưng về lâu dài, stress làm giảm chức năng của tế bào kháng thể, làm cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn hơn và lâu khỏi bệnh hơn. 
Mặt khác, stress làm vòng telemere của tế bào ngắn đi. Telemere là những trình tự lặp lại của ADN ở các đầu mút của nhiễm sắc thể. Nó cho phép các ADN được kết nối hoàn chỉnh với nhau qua mỗi đợt phân bào. Khi telemere quá ngắn, tế bào sẽ không thể tiếp tục phân bào được nữa và nó sẽ chết. 
Ngoài những thay đổi diễn ra âm thầm bên trong cơ thể, stress còn gây ra những biểu hiện dễ thấy như: mọc mụn, rụng tóc, rối loạn sinh lý, đau đầu, căng cơ, khó tập trung, mệt mỏi và dễ cáu.
Trong cuộc sống, bạn luôn phải đối mặt với những tình huống gây stress. Bạn không thể tránh stress nhưng quan trọng là bạn phản ứng lại với nó thế nào. Nếu bạn coi những tình huống đó là thách thức bạn có thể kiểm soát thay vì một khó khăn trong cuộc sống, bạn sẽ thu được lợi ích từ stress trong thời gian ngắn và giữ được sức khoẻ trong một thời gian dài.