Sức khỏe của các trường hợp sốc phản vệ với vắc xin COVID-19 tại Hà Nội như thế nào?

(PLVN) - Trong số 6.690 trường hợp được tiêm vắc xin COVID-19 tại Hà Nội, ghi nhận 12 trường hợp phản ứng nặng, 3 trường hợp phản vệ độ I,  trường hợp phản vệ độ II; 1 trường hợp phản vệ độ III). Và 2.222 trường hợp phản ứng thông thường.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch và triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch và triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang.

Được biết, đến nay, các đơn vị trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 được 6.690 mũi cho các cán bộ nhân viên y tế trực tiếp tham gia khám chữa bệnh (KCB) và cán bộ làm nhiệm vụ điều tra xử lý ca bệnh....(đạt 94,3% so với đăng ký ban đầu). 

Trong số 6.690 trường hợp được tiêm ghi nhận 12 trường hợp phản ứng nặng (chiếm 0,17%) (3 trường hợp phản vệ độ I; 8 trường hợp phản vệ độ II; 1 trường hợp phản vệ độ III). Và 2.222 trường hợp phản ứng thông thường (chiếm 33,21%). Hiện tại, các trường hợp này đều ổn định sức khỏe. Trong tuần này và tuần sau, Hà Nội sẽ tổ chức tiêm vét cho các đối tượng còn lại.  

Thời gian qua, Hà Nội đã chủ động bám sát lộ trình triển khai tiêm chủng vắc xin phòng bệnh COVID-19 của Bộ Y tế để kịp thời triển khai trên địa bàn TP. Sau khi tổ chức tiêm buổi đầu tiên tại BV Đa khoa Thanh Nhàn (ngày 9/3), Sở Y tế đã rút kinh nghiệm đồng thời tập huấn lại cho các đơn vị việc tổ chức triển khai tiêm.

Theo dự kiến, TP tổ chức tiêm cho 7.091 đối tượng tại 74 điểm tiêm. Đến nay các đơn vị đã tổ chức tiêm được 6.690 mũi cho các cán bộ nhân viên y tế trực tiếp tham gia KCB và các cán bộ làm nhiệm vụ điều tra xử lý ca bệnh....(đạt 94,3% so với đăng ký ban đầu). 

Để chủ động trong công tác giám sát, phát hiện sớm ca mắc, Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị của ngành y tế tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên tại các khu vực có nguy cơ ở cộng động. Kết quả đã xét nghiệm được 3.931 người (trên số dự kiến là 4.000 người), kết quả tất cả đều âm tính. Dự kiến trong tuần này và tuần sau, ngành y tế sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế tại các khoa phòng có nguy cơ và các bệnh nhân nặng, bệnh nhân có bệnh lý nền, bệnh nhân đang điều trị tại các khoa có nguy cơ, dự kiến việc xét nghiệm xong trước ngày 10/4. 

Tại buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch và triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội sáng ngày 25/3, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá  Hà Nội đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Theo kế hoạch, tới đây, Bộ Y tế tiếp tục được nhận vắc xin hỗ trợ từ Covax Facility và trong kế hoạch mua vắc xin AstraZeneca với đã được Chính phủ phê duyệt. Bộ Y tế tiếp tục sẽ phân bổ lượng vắc xin này cho các tỉnh/TP trong đối tượng ưu tiên theo Điều 1 của Nghị quyết 21. Hà Nội vẫn nằm trong đối tượng tiếp tục được phân bổ vắc xin trong thời gian tới.
“Nếu Hà Nội cứ triển khai như hiện nay, chắc chắn Hà Nội sẽ đạt được kết quả cao trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới, Hà Nội phải rà soát lại tất cả các đối tượng được tiêm để chuẩn bị cho đợt tiêm tiếp theo. Trong quá trình tiêm, các điểm tiêm phải khám sàng lọc triệt để, kiên quyết không tiêm những trường hợp không đủ điều kiện. Hà Nội cần lưu ý thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn, tiếp nhận, bảo quản và phân phối sử dụng vắc xin. Ngoài việc thường xuyên tập huấn tập thể với hệ thống tiêm chủng, TP cũng cần giám sát sự cố sau tiêm. Đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị Hà Nội cần xây dựng chuyên đề phòng chống dịch Covid-19 trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội
Liên quan đến các trường hợp phản vệ độ I; II; III, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, kinh nghiệm xử lý đầu tiên là đơn vị phải tập huấn cho các điểm tiêm, đặc biệt cán bộ, nhân viên làm về chuyên môn kỹ thuật nắm chắc những triệu chứng, tác dụng không mong muốn và phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đặc biệt là về thuốc có thể xử trí trong ngày. Thứ hai, các đơn vị phải đón tiếp những đối tượng đến tiêm. Đặc biệt sau khi tiêm, cán bộ phòng chờ sau tiêm hướng dẫn cho những đối tượng được tiêm các biểu hiện, tác dụng phụ có thể xảy ra. Thứ ba, các đơn vị phải chuẩn bị sẵn sàng tổ cấp cứu lưu động trong đó có phương tiện xe cấp cứu, thuốc men, nhân lực, sẵn sàng đón tiếp xử lý kịp thời các trường hợp.

Đọc thêm