Tai biến khi chạy thận - có và cần biết

(PLO) - Theo các chuyên gia y tế, quá trình chạy thận vẫn tồn tại những tai biến nhất định. Trên y văn thế giới và chuyên ngành thận nhân tạo, đã có nhiều biến chứng xảy ra… Và bác sĩ cũng có lưu ý để tránh những tai biến này. 
Trong quá trình chạy thận vẫn tồn tại những tai biến nhất định
Trong quá trình chạy thận vẫn tồn tại những tai biến nhất định

Quả lọc không được rửa sạch sẽ gây nguy hiểm

Vụ việc 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị sốc phản vệ khiến các chuyên gia y tế đều khẳng định đây là sự cố y khoa nghiêm trọng. Trong lịch sử ngành thận nhân tạo 45 năm từ khi thành lập đến nay chưa từng xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng nào như tại Hòa Bình. Sự cố này cũng là bài học đau xót đối với chuyên ngành thận lọc máu.

Theo TS. Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai, để thực hiện được một ca lọc máu quy trình rất chặt chẽ, phải có nước lọc máu, quả lọc máu, thăm khám bệnh nhân, theo dõi bệnh nhân trong 3-4 tiếng… Trên thế giới cũng như Việt Nam, khi thực hiện một kỹ thuật y khoa đều phải nắm rõ các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

“Cụ thể, có khoảng hơn 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu. Ví dụ như tụt huyết áp… Các tai biến này xảy ra trong thời gian rất ngắn, nếu không xử lý kịp sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt nếu để khí lọt vào máu trong quá trình bơm máu vào người bệnh nhân thì cực kỳ nguy hiểm, chỉ cần 10 ml khí chèn vào có thể gây biến chứng tắc mạch máu, tử vong. Tuy nhiên, những biến chứng này rất hiếm gặp vì máy móc chạy thận hiện rất hiện đại” – TS. Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ.

Ngoài ra, thể trạng không tốt là một trong những nguyên nhân dễ dẫn tới sốc khi chạy thận. Đặc biệt với bệnh nhân có thêm bệnh về tim mạch. Với những bệnh nhân đã có chỉ định chạy thận, thời gian chạy thận thường kéo dài và liên tục, do đó, người bệnh và cơ sở y tế cần được chuẩn bị đầy đủ và đảm bảo trong cả quá trình chạy thận, bao gồm: máy móc, đường máu, đường dịch và quá trình chạy thận. Trong suốt thời gian chạy thận (3-4 tiếng/lần), cần có sự giám sát của nhân viên y tế.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Cao Luận - Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đặc thù của chuyên ngành chạy thận nhân tạo là cùng lúc hàng loạt người được chạy thận. Vì thế, nếu xảy ra tình huống 1-2 người bị sốc phản vệ thì có thể do yếu tố cơ thể, từng cá thể với thuốc, hóa chất. Còn nếu cùng lúc hàng loạt người bị thì cần chú ý đến hệ thống xử lý nước, việc rửa quả lọc... đã đúng quy trình chưa, có còn chất tồn dư, hay vấn đề ở dịch truyền, dịch thẩm tách...

Trong lọc thận nhân tạo, đường máu và đường dịch chia riêng, đường máu sẽ có quả lọc. Theo nguyên tắc, hàng ngày, nhân viên sẽ phải dùng hoá chất để sát trùng quả lọc, sau đó rửa sạch. Nếu rửa không sạch cũng gây nguy hiểm cho người bệnh. Nếu bị đồng loạt một lúc nhiều bệnh nhân đang chạy thận thì có khả năng hóa chất xúc rửa đường ống. Trong chạy thận phải có hệ thống nước siêu tinh khiết để lọc máu. Hệ thống này không sát trùng thường xuyên sẽ bị nhiễm trùng nhưng nếu xảy ra tình trạng nhiễm trùng thì cũng là các ca riêng lẻ.

Trong trường hợp 18 người bị sốc phản vệ ở BVĐK tỉnh Hòa Bình nhiều khả năng người ta sử dụng thuốc sát trùng nhưng tồn dư gây sốc hàng loạt và hàm lượng hóa chất tồn dư với nồng độ tương đối cao. Tuy nhiên, để xác định nguyên nhân, cần có một hội đồng chuyên môn xem xét các tình huống, xét nghiệm xem có chất tồn dư các hóa chất hay không.

Hạn chế uống nước trước khi chạy thận

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, tai biến thường gặp nhất bệnh nhân chạy thận dễ gặp phải đó là tụt huyết áp (20-30%), chuột rút (5-20%), buồn nôn và nôn (5-15%), nhức đầu (5%), đau ngực (2-5%), ngứa (5%) và sốt ớn lạnh (<1%). 

“Những biến chứng nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim, chèn ép tim, xuất huyết nội sọ, co giật, tán huyết và thuyên tắc khí, phản ứng dị ứng, hội chứng mất cân bằng… thường ít gặp. Không nên uống quá nhiều nước vì có thể gây tích nước cơ thể gây ra hiện tượng: tăng cân, phù, thay đổi huyết áp, tạo gánh nặng cho tim, khó thở. Khi tính toán lượng nước tiêu thụ trong ngày, cũng cần tính cả lượng nước trong các loại thực phẩm nhiều nước như súp, kem, dưa hấu, nho, táo, cam, cà chua… Hạn chế tiêu thụ muối (dưới 5g muối/ngày), vì muối sẽ khiến cơ thể khát nước và khiến bệnh nhân uống nhiều nước hơn. Cần bổ sung đủ protein và năng lượng để duy trì sức khỏe” - TS.BS Trương Hồng Sơn chia sẻ.

Trong số đó, tụt huyết áp là một tai biến thường gặp khi chạy thận. Đặc biệt là khi bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Tụt huyết áp có thể đi kèm với khó thở, đau bụng, co rút cơ, buồn nôn, nôn mửa. Bệnh nhân chạy thận đôi khi sẽ nói cảm giác bị chuột rút. Nguyên nhân gây ra chuột rút cho bệnh nhân chạy thận hiện nay chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, có thể giảm tình trạng chuột rút bằng cách điều chỉnh lượng nước và điện giải của cơ thể giữa các lần chạy thận sẽ giúp dự phòng được tình trạng chuột rút trong quá trình chạy thận.

Ngoài ra, trước chạy thận, bệnh nhân cần lưu ý tránh ăn những loại đồ ăn/đồ uống khiến cơ thể tích nước. Hạn chế ăn các loại đồ ăn, đồ uống có chứa nhiều kali, phosphor, muối. Để quá trình chạy thận có kết quả tốt, TS.BS Trương Hồng Sơn khuyến cáo, bệnh nhân cần vào chạy thận đúng ngày và đúng giờ, đúng chỉ định của bác sĩ. Sau khi chạy thận xong, cần ở lại bệnh viện đủ lâu để được theo dõi toàn diện.

Đọc thêm