Tẩy da chết thế nào mới đúng cách?

(PLVN) - Theo thời gian, làn da của chúng ta không ngừng sinh ra các tế bào chết. Cho dù chúng ta có rửa mặt thường xuyên, lớp tế bào chết, bụi bẩn, cặn mỹ phẩm thừa vẫn không ngừng dày lên. Nếu không sớm loại bỏ lớp tế bào ấy, làn da sẽ trở nên sần sùi, thô ráp, lỗ chân lông to, dễ sinh mụn cám, mụn đầu đen, mụn bọc… May mắn thay, có một cách rất đơn giản để ngăn ngừa chuyện này, đó chính là tẩy da chết.

Nguyên tắc tẩy da chết

Có hai nguyên tắc bạn cần ghi nhớ khi tẩy da chết, một là hết sức nhẹ nhàng và hai là không làm quá thường xuyên. Vùng da trên mặt bạn, đặc biệt là xung quanh mắt và môi nhạy cảm hơn nhiều so với da cơ thể, nên chúng cần phải được chăm sóc cẩn thận. Việc tẩy da chết quá mạnh hoặc quá thường xuyên sẽ làm mất cân bằng pH và thúc đẩy tình trạng lão hoá da. Vì vậy, nhắc đến tẩy da chết, nhiều chưa hẳn đã là tốt. 

Tần suất tẩy da chết phụ thuộc vào loại da của bạn. Chẳng hạn, da dầu, da mụn nên tẩy da chết 2 lần/tuần. Da nhạy cảm, da thường, da khô thì chỉ cần 1 lần/tuần.

Nếu xuất hiện tình trạng đỏ rát, bong tróc sau khi tẩy da chết, có nghĩa là bạn đã làm quá thường xuyên. Lúc này, bạn nên thoa gel lô hội lên da ngay lập tức để làm dịu các vết đỏ.

Chọn sản phẩm tẩy da chết cho từng loại da

Hiện nay, trên thị thường có vô vàn sản phẩm tẩy da chết, mỗi loại trong số chúng đều có những ưu nhược điểm riêng. Chúng ta có thể dựa vào những ưu nhược điểm này để chọn cho mình một sản phẩm tẩy da chết phù hợp.

Thông thường, sản phẩm tẩy da chết được chia làm 3 dạng: dạng hoá học, dạng sinh học và dạng vật lý. Tẩy da chết dạng hoá học hoạt động bằng cách phân huỷ các tế bào chết, dầu thừa và mồ hôi tích tụ trên bề mặt lớp biểu bì. Thành phần thường thấy trong tẩy da chết hoá học là Glycolic Acid, Phenol, Salicylic Acid, Lactic Acid. Ưu điểm của dạng này là khả năng làm sạch sâu và chứa chất kháng khuẩn. Chính vì vậy, dạng này khá phù hợp với da dầu, da mụn, nhưng lại dễ gây kích ứng với làn da nhạy cảm. 

Sản phẩm tẩy da chết dạng sinh học thường được sản xuất dưới dạng mặt nạ, chứa các enzyme trái cây giúp loại bỏ những đốm mụn nhỏ, vùng da sần sùi một cách tự nhiên. Ưu điểm của dạng này là thành phần thiên nhiên, không cần mát xa. Hơn nữa, giá thành lại rẻ, vì bạn hoàn có thể tự làm tẩy da chết sinh học bằng các loại trái cây có sẵn trong tủ lạnh như: dứa, dâu tây, đu đủ, cà chua, chanh... Tuy vậy, chúng lại cần một khoảng thời gian nhất định để phát huy tác dụng, thông thường là từ 10-15 phút. Ngoài ra, dù chiết xuất thiên nhiên nhưng tẩy da chết sinh học vẫn có thể gây kích ứng làn da nhạy cảm, nếu bạn để sản phẩm lưu trên da quá lâu.

Khác với hai dạng trên, tẩy da chết vật lý, hay còn gọi là scrub, thường được sản xuất dưới dạng kem hoặc sữa, có chứa những hạt nhỏ li ti để bạn mát xa lên da. Những hạt này có thể là: bùn, bột yến mạch, cám gạo, đường nâu, vỏ hạt…, hoặc những hạt cao su nhân tạo siêu nhỏ, làm từ  polyurethane hoặc silicone. Sản phẩm dạng này tương đối phổ biến, dễ sử dụng, phù hợp với nhiều loại da khác nhau. Chẳng hạn, vỏ hạt có thể quá cứng đối với da nhạy cảm, hoặc da nhiều mụn bọc, vì chúng có thể gây ra những vết xước nhỏ. Trong khi đó, những hạt polyurethane hay silicone có thể dễ dàng lăn qua lại trên da nên chúng nhẹ dịu hơn nhiều. Bùn, yến mạch, bột gạo, đường nâu lại càng lành tính hơn, ngay cả đối với làn da mẫn cảm nhất. Nhược điểm tẩy da chết vật lý là phải mất công mát xa, một số nguyên liệu có thể gây tổn thương cho da và không có khả năng làm sạch sâu như tẩy da chết hoá học và vật lý.

Cách sử dụng sản phẩm tẩy da chết

Lời khuyên đầu tiên là bạn nên tẩy da chết vào buổi tối để da có thời gian tái tạo, trước khi phơi nắng vào sáng hôm sau.

Trước hết, bạn cần tẩy trang và rửa mặt thật sạch để loại bỏ lớp trang điểm, bụi bẩn và dầu thừa, giúp sản phẩm tẩy da chết có thể tiến sâu vào các lỗ chân lông. 

Sau khi đã rửa sạch mặt, thoa mỹ phẩm tẩy da chết của bạn lên các vùng da như: má, cằm, trán, mũi hoặc cổ, rồi nhẹ nhàng mát xa theo chuyển động tròn, từ dưới lên trên bằng ngón giữa và ngón áp út. Mục đích là để sản phẩm tự làm nhiệm vụ của nó, vì vậy đừng dùng quá nhiều lực khi mát xa, nhất là khi bạn đang dùng những sản phẩm tẩy da chết có hạt cứng.

T-zone là phần cần được tập trung, vì trán, mũi, cằm là những vùng tiết dầu chủ yếu trên mặt. Mát xa trong khoảng 1-2 phút rồi rửa lại với nước là bạn đã có một làn da sạch sẽ, sẵn sàng cho những bước dưỡng da tiếp theo.

Hy vọng những lưu ý về cách chọn lựa và sử dụng sản phẩm tẩy da chết trên đây sẽ giúp làn da của bạn luôn tươi tắn và bừng sáng trong suốt mùa đông sắp tới. 

Đọc thêm