Thái Lan: Căn bệnh “khó nói” gia tăng với tốc độ đáng lo ngại

(PLVN) - Theo Bộ Y tế Thái Lan, từ đầu năm tới nay có tới gần 250 trẻ em sơ sinh ra đời mắc bệnh giang mai bẩm sinh vì bị lây nhiễm từ mẹ.
Hình minh họa
Hình minh họa

Tốc độ gia tăng chóng mặt

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Sukhum Karnchanapima, đây là một vấn đề nghiêm trọng liên quan sức khỏe cộng đồng. Ở Thái Lan, từ tỷ lệ nhiễm bệnh 2-3/100.000 người đến nay đã tăng lên 12/100.000 người bị nhiễm bệnh.

Riêng từ ngày 1/1 đến ngày 13/5/2019 có 3.080 người ở mọi lứa tuổi được chẩn đoán mắc bệnh giang mai. Trong số này có 40,42% người trong độ tuổi từ 15 đến 24 và khoảng 24,48% trong độ tuổi từ 25 đến 34. 

Theo ông Sukhum Karnchanapimai, bệnh giang mai là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và cũng có thể lây lan qua máu. Dù có thể chữa khỏi nhưng bệnh nhân vẫn có khả năng tử vong nếu không phát hiện kịp thời.

Theo cảnh báo gần đây của Trung tâm STI, thuộc Cục kiểm soát dịch bệnh quận Bangrak ở thủ đô Bangkok, số ca mắc giang mai đang gia tăng với tốc độ đáng lo ngại, xuất hiện ở mọi giới tính, mọi lứa tuổi. Đặc biệt trẻ sơ sinh cũng nằm trong đối tượng mắc bệnh vì mẹ của chúng bị nhiễm bệnh và họ không nhận thức được sự nguy hiểm.

“Trong quá trình chăm sóc cho bà bầu, có giai đoạn mỗi tuần tôi phát hiện một trường hợp mắc giang mai. Thậm chí rất nhiều trường hợp mắc bệnh giang mai cũng dương tính với HIV”, Tiến sĩ Thanyanan Kangvalyhroj thuộc Trung tâm STI chia sẻ.

Theo Bộ Y tế Thái Lan, độ tuổi lần đầu tiên quan hệ tình dục ở nước này đã giảm xuống 13-15 tuổi. Khoảng 50% trong số này được báo cáo là không sử dụng bao cao su. Một trong những nguyên nhân khiến căn bệnh “khó nói” gia tăng là do nhận thức của người dân. Ở Thái Lan, giang mai là chủ đề hiếm khi được mang ra thảo luận.

Tại các trường học từ cấp 2, cấp 3 và đại đọc, Thái Lan đều có các lớp về giáo dục giới tính. Tuy nhiên các thanh niên trẻ hầu như không tỏ ra quan tâm, một số cảm thấy xấu hổ, số khác thiếu ý thức có những lời nói nhạo báng và cười cợt. “Trong vấn đề giáo dục giới tính, nhiều thanh thiếu niên quá chủ quan về các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, để rồi sau đó nhận “trái đắng””, ông Thanyanan Kangvalyhroj cho hay.  

Theo Tiến sĩ Thanyanan Kangvalyhroj, nhóm bệnh nhân dễ bị mắc giang mai qua đường tình dục là trẻ vị thành niên đang trong độ tuổi trung học và đại học. Ví dụ điển hình nhất mà Trung tâm STI tiếp nhận là một bé gái 15 tuổi đã mắc giang mai khi mang thai đôi. Hay trường hợp của một thanh niên tên Mond, anh tìm đến phòng khám của Trung tâm STI khi nhận thấy có nhiều nốt đỏ phát ban.

Nhiều thanh thiếu niên bị cho là không quan tâm đến các khóa học giáo dục giới tính
Nhiều thanh thiếu niên bị cho là không quan tâm đến các khóa học giáo dục giới tính

Các kết quả xét nghiệm cho thấy anh đã mắc giang mai ở giai đoạn 3 và hoàn toàn không biết gì về căn bệnh này. “Tôi chưa bao giờ nghe nói đến căn bệnh này. Tôi chỉ mới phát hiện ra khi đọc được thông tin ở các tờ rơi dán trên tường”, anh Mond chia sẻ.

Trước tình trạng này, Bộ Y tế Thái Lan đã chỉ đạo cho các giám đốc Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình và có biện pháp ngăn chặn bệnh lây lan, kêu gọi mọi người tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng bao cao su, không quan hệ tình dục bừa bãi, đi xét nghiệm nếu thấy các dấu hiệu của bệnh. 

Những điều cần biết về giang mai 

Bệnh giang mai phát triển theo bốn giai đoạn chính. Giai đoạn 1 rất quan trọng để phát hiện và điều trị kịp thời. Khoảng 3-90 ngày sau khi nhiễm bệnh, bệnh nhân sẽ xuất hiện tổn thương da ở các điểm tiếp xúc, thường là ở bộ phận sinh dục. Tổn thương này là một dạng viêm loét, có đặc điểm nông, hình tròn hay bầu dục kích, màu đỏ, không ngứa, không đau, không có mủ…

Các triệu chứng trên có thể tự biến đi sau 3-6 tuần lễ kể cả không điều trị nên nhiều người tưởng lầm rằng căn bệnh đã biến mất. Trên thực tế, vi khuẩn lúc đó đã vào máu, bệnh vẫn tiếp tục phát triển. 

Giai đoạn 2 bắt đầu từ tuần thứ 4-10. Lúc này trên toàn cơ thể hoặc tứ chi bao gồm cả lòng bàn tay, bàn chân, xuất hiện nốt ban đối xứng, màu hồng như hoa đào, không ngứa. Cũng có thể xuất hiện các mảng sẩn, nốt phỏng nước, vết loét ở da và niêm mạc. Các triệu chứng khác thường gặp ở giai đoạn này bao gồm sốt, đau họng, mệt mỏi, sụt cân, đau đầu, nổi hạch.

Một số trường hợp hiếm gặp có thể kèm theo viêm gan, thận, viêm khớp, viêm màng xương, viêm dây thần kinh thị giác, viêm màng bồ đào, và viêm giác mạc kẽ. Các triệu chứng này thường tự biến mất sau 3-6 tuần.

Hết giai đoạn 2 người bệnh không phát hiện và chữa trị, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn ủ bệnh. Trong khoảng thời gian này, bệnh sẽ không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào và chỉ âm ỉ phát triển sang giai đoạn 3. 

Giang mai ở giai đoạn này rất nghiêm trọng, sẽ xuất hiện trong vòng từ 10 đến 30 năm sau khi bị lây nhiễm. Các triệu chứng gồm tổn thương tim mạch và não, vấn đề trí nhớ, tê liệt, vấn đề thăng bằng và có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh giang mai gây nên những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, khả năng sinh sản.  

Hiện vẫn chưa có vắc xin chủng ngừa với bệnh. Căn cứ vào mức độ bệnh của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị riêng. Việc điều trị đúng thời điểm, đặc biệt càng chữa sớm càng tốt sẽ hạn chế sự tiến triển của bệnh, phòng tránh các biến chứng xấu do bệnh gây nên. Do vậy không nên quan hệ tình dục với một người bị bệnh để tránh lây truyền. Có thể sử dụng bao cao su , tuy nhiên vẫn có thể không an toàn tuyệt đối. 

Không tiếp xúc với bệnh nhân khi cơ thể có những vết xước. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn mặt, bàn chải răng, dao cạo, kim tiêm….

Giang mai được điều trị sớm thì khả năng khỏi hẳn lên đến 90%. Tuy nhiên, bệnh cũng rất dễ tái phát nếu bệnh nhân không tuân thủ nghiêm ngặt những quy trình điều trị và không thực sự kiên trì trị bệnh. Giang mai giai đoạn tái phát sẽ nặng hơn, khó điều trị hơn.

Đọc thêm