'Thân sâu hồn bướm' - nỗi niềm chỉ người trong cuộc mới hiểu

(PLO) - Tại Việt Nam, ghi nhận không ít trường hợp bệnh nhân có hai bộ phận sinh dục hay còn được gọi là lưỡng giới. Những người này thường sống trong tình trạng mơ hồ về giới tính của bản thân. 
Một bệnh nhân chuyển giới trong thời gian hâu phẫu
Một bệnh nhân chuyển giới trong thời gian hâu phẫu

Sau 22 năm mới “thoát kiếp” nữ nhi

Sau 22 năm, nữ bệnh nhân H.T.H (Sơn La) mới biết mình thực sự là con trai sau ca mổ tạo dương vật giả tại bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Những năm qua, H mơ hồ, hoài nghi không rõ mình là gái hay trai. H bị rối loạn phát triển giới tính hay còn gọi là “lưỡng tính”, “lưỡng giới”. 

Theo chia sẻ của bà Lan (mẹ của H), bà sinh được 3 người con, H là con cả. Lúc sinh ra H không có dương vật cũng không có bộ phận sinh dục nữ. Nhìn “chỗ ấy” của con trống không, không rõ là nữ nhưng hoàn toàn không phải nam, bà vô cùng hoang mang.

“Lúc đó, tôi đã đưa em nó đến bệnh viện huyện rồi bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ nói ở đây không chữa được phải đưa xuống Hà Nội”. Nhưng cũng nhiều bác sĩ bảo rằng, đợi cháu nó 15 – 16 tuổi xem có kinh nguyệt hay không thì lúc ấy quyết định. Nghe các bác sĩ nói thế, tôi như “sét đánh bên tai” nỗi đau quặn thắt nhưng không biết làm sao, đành đợi con lớn lên, bà Lan cho biết thêm. 

Thế nhưng, cuộc sống của H được bao bọc trong vẻ ngoài là con gái với áo quần điệu đà, tóc dài chớm vai nhưng em chỉ thích chơi các trò chơi của con trai… Chờ đợi mãi, cuối cùng H cũng đã qua tuổi 16 nhưng bà Lan vẫn không thấy ngực con gái mình to ra, kinh nguyệt cũng không có, hông hẹp như con trai, lại có tinh hoàn.

Thấy hình dạng bên ngoài của con như vậy bà ngày càng thêm nỗi lo. “Năm 2012, khi H tròn 18 tuổi, cả nhà tôi gom góp tiền làm nương, rẫy suốt bao nhiêu năm đưa em nó về dưới Hà Nội chữa bệnh. Các bác sĩ nói không có dương vật thì thôi cắt bỏ tinh hoàn để H thành con gái. Nhưng nếu không có ngực, không có buồng trứng thì cũng không thành con gái được”, bà Lan kể trong đau đớn. 

Lúc đấy, gia đình bà Lan hoang mang tột độ, nhưng nghĩ đến cảnh con bị bạn bè trêu ghẹo, hắt hủi, cuối cùng gia đình cũng quyết định cho con… cắt.

“Một thời gian sau, em nó rung động trước một bạn nữ nên rất muốn cha mẹ giúp trở về giới tính thật của mình. Vợ chồng tôi lại phải nộp 27 triệu tiền viện phí cho ca phẫu thuật tạo tinh hoàn, nhưng do trước kia đã cắt đi hai tinh hoàn, nên giờ em nó phải sử dụng hormone suốt đời”, bà Lan mắt ngân ngấn lệ nói. 

Trao đổi với phóng viên, GS. TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: “Ca phẫu thuật của H kéo dài trong 10 tiếng. Các bác sĩ đã lấy vạt da đùi trước bên trái tạo hình thành dương vật, dùng niêm mạc tạo niệu đạo”. Vạt da trên có cuống động mạch và nhiều dây thần kinh nên bệnh nhân vẫn sẽ có cảm giác khi quan hệ tình dục.

Sau một tuần được phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể nói chuyện được. Sau 3 tháng, các bác sĩ sẽ tiến hành tạo bìu cho dương vật, hai tháng sau bệnh nhân đã có thể trở lại cuộc sống bình thường, GS Sơn chia sẻ thêm.  

Hình minh họa
Hình minh họa

Cũng theo GS Sơn, đã có khoảng 10 người trưởng thành có các đặc trưng kiểu lưỡng tính như H đến bệnh viện điều trị. 3/10 người trong số này đã quá lớn tuổi nên đề nghị được giữ nguyên trạng thái ban đầu, 7 người còn lại đề nghị được phẫu thuật để xác định lại giới tính là nam giới cho họ.

“Rất tiếc ở Việt Nam, nhiều trường hợp không được tư vấn kỹ và đã có những quyết định phẫu thuật không phù hợp theo giới tính thật. Những người như H hoặc người chuyển giới phải sử dụng hormone giới tính nếu bị “ép” dùng hormone trái ngược với đặc tính sinh học của cơ thể, sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ. Nhiều người trong số này chỉ sống được tới 40 – 45 tuổi”, GS Sơn phân tích. 

Theo tìm hiểu, trung bình mỗi năm, bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 40 – 70 ca rối loạn phát triển giới tính. Những số phận mang thân hình giả trai, giả gái khiến nhiều gia đình dằn vặt, đau khổ. BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết, chuyển hóa, di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: “Bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp tăng thượng thận bẩm sinh là nguyên nhân nhiều nhất gây mơ hồ giới tính ở các bé gái”.

"Tôi đã từng thăm khám cho một bé gái 12 tuổi ở Hà Giang có tinh hoàn và cả buồng trứng. Sau khi làm các xét nghiệm và theo nguyện vọng của gia đình cũng như bản thân bé, các bác sĩ đã cắt bỏ tinh hoàn, trả lại giới tính nữ cho bệnh nhi. Sau đó cô gái này đã tốt nghiệp lớp điều dưỡng, đang làm việc ở một bệnh viện tại Hà Giang, lập gia đình và có con bình thường.", BS Dũng kể lại.  

Cần can thiệp sớm khi trẻ còn mơ hồ giới tính 

Theo BS Dũng: “Rối loạn phát triển giới tính không hiếm gặp, tỉ lệ xuất hiện là 1/1.500 trẻ sơ sinh”. Nguyên nhân của rối loạn này là do bất thường bẩm sinh hoặc do bất thường về tuyến sinh dục, bất thường cơ thể học của bộ phận sinh dục…

Một số trường hợp thường thấy như trẻ khi chào đời chưa thể khẳng định được giới tính là nam hay nữ; trẻ có ngoại hình là nữ nhưng nội thể lại là nam hoặc ngược lại; cơ quan sinh dục bên ngoài và bên trong không phù hợp với nhau, cơ quan sinh dục bên ngoài không phù hợp với tâm lý, ngoại hình của trẻ; một số trường hợp rối loạn phát triển giới tính không có biểu hiện ra bên ngoài khi chào đời nhưng có ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng… 

Các bác sĩ chuyên khoa nhận định, nhiều phụ huynh thường có suy nghĩ “mơ hồ về giới tính” là biểu hiện ở tâm lý. Rất hiếm các bậc cha mẹ đưa trẻ đến bệnh viện khám vì biểu hiện tâm lý của con trái với hình dạng bên ngoài, trừ những trường hợp trẻ sau 10 tuổi với những biểu hiện giới tính rõ rệt hơn. 

“Nếu trẻ có biểu hiện bất thường sớm thì dễ dàng được bác sĩ phát hiện ngay từ lúc mới sinh. Còn nếu không, cha mẹ phải quan tâm, theo dõi ngay từ lúc trẻ mới sinh để phát hiện kịp thời những bất thường ở bộ phận sinh dục và đưa trẻ đi khám để can thiệp sớm. Việc mổ sớm sẽ đơn giản và giúp trẻ dễ thích nghi, điều chỉnh tâm lý.

Việc điều trị muộn sẽ khó khăn hơn nếu trẻ đã có những biểu hiện bên ngoài rõ ràng. Ví dụ như, vóc dáng con trai thì dù sau khi phẫu thuật đưa về nữ giới cũng khó khăn để hòa nhập xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý, định hướng tình dục của trẻ”, Trưởng Khoa Nội tiết, chuyển hóa, di truyền khuyến cáo. 

 Mặt khác, BS Dũng chia sẻ: “Nhiều gia đình khi biết con mắc bệnh nhưng không đưa con đi phẫu thuật vì e ngại thủ tục xác định lại giới tính cho con”. Những trường hợp lưỡng giới giả nam, giả nữ hoặc có khiếm khuyết, đủ điều kiện xác định lại giới tính. Sau khi hoàn tất kỹ thuật xác định lại giới tính, bác sĩ thực hiện dịch vụ cần ký xác nhận và bản thân người được xác định lại giới tính đến cơ quan chức năng để làm thủ tục thay đổi tên, giới tính trong hộ tịch, BS Dũng cho hay./.